Đây là một bước đột phá của khoa học khi lần đầu tiên một loài linh trưởng được nhân bản, nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh kỹ thuật này sẽ không được áp dụng trên con người.
Zhong Zhong and Hua Hua đã được tạo ra bằng kỹ thuật nhân bản cừu Dolly vào 20 năm trước.
Các nhà nghiên cứu nói rằng thành tựu này sẽ cho phép so sánh các loài khỉ có gen giống hệt nhau, ngoại trừ các gen đặc biệt. Điều đó sẽ không chỉ giúp các nhà nghiên cứu thăm dò cơ chế gây ra bệnh tật cho con người mà còn hỗ trợ sàng lọc thuốc và phát triển các liệu pháp chữa bệnh khác.
‘Nhóm khỉ nhân bản vô tính đầu tiên sẽ là mô hình cho các bệnh do thoái hóa thần kinh’, Mu-ming Poo, đồng tác giả của nghiên cứu và giám đốc Viện Thần kinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học TQ, nói với Guardian.
Zhong Zhong và Hua Hua là hai động vật linh trưởng đầu tiên được nhân bản vô tính. Ảnh: PA.
Ông nói thêm rằng các sinh vật này cũng có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân khiến hành vi của những cặp sinh đôi giống hệt nhau ngày càng trở nên không giống nhau theo thời gian, khi những thay đổi môi trường ngày càng ảnh hưởng đến ADN của chúng.
Cho đến nay, kỹ thuật nhân bản cừu Dolly năm 1996 với các “phiên bản” cải tiến đã được sử dụng để nhân bản rất nhiều động vật, bao gồm cừu, gia súc, mèo, chuột và thậm chí cả chó.
Các nhà nghiên cứu bổ sung rằng dù nghiên cứu mới này giúp cho họ tiến gần hơn tới khả năng nhân bản con người, việc này cũng sẽ không được đưa ra cân nhắc.
‘Mục đích nghiên cứu của chúng tôi là tạo ra những mẫu linh trưởng không phải con người để nghiên cứu bệnh tật của con người’, ông Poo cho biết. “Chúng tôi hoàn toàn không có ý định áp dụng kỹ thuật này trên con người, xã hội cũng sẽ không cho phép điều đó”.
Theo: News.zing.vn