Những con số phản ánh mức độ chênh lệch giàu nghèo rất lớn trên thế giới.
Báo cáo tài sản toàn cầu 2018 Global Wealth Report do viện nghiên cứu Credit Suisse Research Institute công bố mới đây đã xác định mức giá trị tài sản ròng để một hộ gia đình có thể nằm trong top 1% dân số giàu nhất thế giới.
Hãng tin CNBC dẫn báo cáo trên nói rằng mức tài sản đó là 871.320 USD. Credit Suisse định nghĩa tài sản ròng là “giá trị của các tài sản tài chính và bất động sản sở hữu bởi các hộ gia đình sau khi trừ đi số nợ của họ”.
Theo báo cáo, có tất cả 19 triệu người Mỹ nằm trong nhóm 1% dân số giàu nhất hành tinh, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, với 4,2 triệu người trong top này.
Để nằm trong nhóm 10% dân số giàu nhất thế giới, mức tài sản mỗi hộ gia đình cần là 93.170 USD. Và chỉ cần có 4.210 USD tài sản ròng, một hộ gia đình đã giàu hơn một nửa dân số trên hành tinh.
Những con số trên phản ánh mức độ chênh lệch giàu nghèo rất lớn trên thế giới.
“Trong khi nhóm một nửa dân số trưởng thành nghèo nhất của thế giới chỉ sở hữu chưa đầy 1% tổng tài sản toàn cầu, nhóm 10% người trưởng thành giàu nhất nắm tới 85% tài sản của thế giới. Nhóm 1% giàu nhất đã chiếm tới khoảng một nửa (47%) tổng tài sản của các hộ gia đình trên toàn cầu”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, theo báo cáo, có một tin tốt là đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo có chiều hướng chững lại.
Tỷ trọng tài sản của nhóm 10% giàu nhất và 5% giàu nhất trong tổng tài sản của thế giới hiện nay gần như không thay đổi so với năm 2016. Trong khi đó, tỷ trọng tài sản của nhóm 1% giàu nhất đã giảm từ mức 47,5% xuống còn 47,2%.
Credit Suisse cho rằng còn quá sớm để kết luận rằng bất bình đẳng giàu nghèo trên thế giới sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng “những bằng chứng rõ nét hiện nay cho thấy sự bất bình đẳng đó có thể sẽ đi ngang, mặc dù ở một mức cao hơn trước”.