Hiện tại, giá dầu Brent khoảng 63,48 USD/thùng trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) khoảng 54,72 USD/thùng, đang ngang bằng đúng một năm trước, giảm 31,6% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 10.
Giá dầu lao dốc
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong tháng 9 và đầu tháng 10/2018, nhưng sau đó giảm nhanh, mất hơn 26 USD/thùng chỉ trong vài tuần qua. Mặc dù có vài phiên bật tăng nhẹ nhưng nhìn chung giá dầu thế giới đã có hơn 6 tuần liên tiếp giảm giá trong bối cảnh lo ngại dư cung toàn cầu.
Hiện tại, giá dầu Brent khoảng 63,48 USD/thùng trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) khoảng 54,72 USD/thùng, đang ngang bằng đúng một năm trước, giảm 31,6% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 10.
Giá dầu lao dốc từ đầu tháng 10.
Giá dầu Brent từng vọt lên trên 86 USD/thùng trong tháng 10 chủ yếu do lo ngại thiếu cung khi Mỹ tuyên bố tái trừng phạt Iran, cấm vận nước này không được bán dầu cho thế giới. Tuy nhiên Mỹ cho phép 8 nước được mua dầu của Tehran mà không bị phạt là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó ông Trump nói rằng ông muốn làm chậm lại các biện pháp trừng phạt Iran do quan ngại giá dầu thô toàn cầu có thể tăng đột biến. ” Tôi không muốn giá dầu tăng”, ông Trump nói với các phóng viên.
Thực tế cho thấy, Arab Saudi, Nga và Mỹ đang bơm ra thị trường một lượng dầu kỷ lục. Reuters trích số liệu cho biết, tổng sản lượng dầu của ba quốc gia này trong tháng 10 lần đầu tiên đạt mức 33 triệu thùng/ngày, đáp ứng hơn 1/3 tổng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Riêng sản lượng của Mỹ có thể tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm 2018 với số lượng giàn khoan đang hoạt động tính đến tuần kết thúc vào ngày 16/11 lên cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Với việc giá dầu biến động giảm mạnh, nhiều ngành sẽ sản xuất và phục vụ cho sản xuất dầu mỏ sẽ gặp không ít khó khăn, trong khi đó các ngành về tiêu thụ dầu mỏ có thể được hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu suy giảm, các hãng hàng không là ví dụ tiêu biểu.
Doanh nghiệp hàng không hưởng lợi từ giá dầu giảm
Với chi phí nhiên liệu chiếm tới 30-40% cơ cấu chi phí, các hãng hàng không rõ ràng hưởng lợi từ việc giá dầu lao dốc. Khi giá nhiên liệu giảm mạnh, lợi nhuận của một hãng hàng không chắc chắn sẽ khởi sắc.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các hãng hàng không nội địa trong thời gian gần đây có thể dễ dàng cảm nhận ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu cùng với tỷ giá tới các hãng hàng không lớn thế nào.
Trong quý III năm nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – UPCoM: HVN) ghi nhận biên lợi nhuận gộp kém khả quan khi giảm từ mức 18,8% xuống còn 12,2%. Lợi nhuận sau thuế theo đó chỉ đạt 458 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận HVN giảm 13% còn 1.714 tỷ đồng.
Lý giải cho việc sụt giảm lợi nhuận trong quý III, Vietnam Airlines cho biết do giá vốn hàng bán đã tăng gần 22% so với cùng kỳ mà ảnh hưởng lớn nhất là từ việc giá nhiên liệu bình quân tăng 37,5%, tỷ giá tăng gần 2%. Đồng thời, HVN còn bị ảnh hưởng từ lợi nhuận giảm của một số công ty con cũng do giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ tăng lên. Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ do Vietnam Airlines nắm giữ 68% cổ phần cũng theo đó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến động của giá dầu.
Với Vietjet (Vietjet – HOSE: VJC), việc giá nhiên liệu giảm cũng sẽ tạo ra tác động tích cực khi theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), doanh thu từ hoạt động cốt lõi 9 tháng đầu năm của Vietjet tăng trưởng 50% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 15,5% do chi phí nhiên liệu tăng cao, mà cụ thể là giá dầu Brent trung bình tăng 40,9% so với cùng kỳ.
Giá dầu Brent đã giảm hơn 20 USD/thùng từ đầu tháng 10, tương đương mất khoảng 26% sẽ khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không giảm đáng kể trong những tháng đầu quý IV và có thể thúc đẩy lợi nhuận của Vietjet khả quan hơn. Hơn thế nữa, việc đưa vào vận hành thế hệ tàu bay mới A320/A321neo với động cơ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16%, bên cạnh việc tăng cường mở rộng các đường bay quốc tế, với chi phí nhiên liệu tại thị trường nước ngoài thấp hơn thị trường trong nước khoảng 30% (do chính sách thuế, phí của các nước) giúp Vietjet giảm thêm chi phí trên mỗi ghế km (CASK) bao gồm xăng dầu. Bên cạnh đó, các chương trình cải tiến trong công tác vận hành sẽ tiết kiệm các chi phí khai thác không bao gồm xăng dầu khoảng 5% nữa.
Triển vọng sáng sủa hơn cho hàng không
Triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không không chỉ hưởng lợi từ giá dầu thế giới lao dốc giúp giảm chi phí nhiên liệu, mà còn có thế mạnh khi doanh thu của nhóm ngành vẫn đang tăng trưởng khá tốt.
Việt Nam dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hàng năm trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ 2, Trung Quốc. Lượng khách đến cùng kỳ cũng tăng nhanh nhất khu vực.
Doanh thu mảng phụ trợ bán hàng cũng tăng mạnh 50%. Một báo cáo của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng các hãng đều đẩy mạnh mảng hoạt động bán hàng phụ trợ nhằm bù đắp khi mảng vận tải chịu áp lực chưa thể điều chỉnh giá vé tăng tương ứng với đà tăng của giá nguyên liệu bay trong thời gian qua.
PHS theo đó dự báo Vietnam Airlines sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mảng hành khách ổn định ở mức 12%, tương đương với tốc độ tăng trưởng dự kiến của toàn ngành. Ngoài ra, HVN sẽ đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ nhằm bù đắp trong điều kiện gặp khó khăn về điều chỉnh giá vé.
Số lượng hàng khách qua cảng hàng không vẫn đang gia tăng.
Với Vietjet, doanh thu 9 tháng đạt 33.935 tỷ đồng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Theo VCSC, doanh thu cao của Vietjet là do công ty có thêm 20 tuyến bay quốc tế, doanh thu khác cũng tăng mạnh hơn 50%. 9 tháng đầu năm, Vietjet cũng là hãng có tổng số chuyến bay khai thác tăng trưởng tốt nhất với gần 22% lên 89.690 chuyến bay, vận chuyển hơn 16,88 triệu hành khách, tăng 34% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, cùng với việc khai trương thêm các đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… được dự báo sẽ tiếp tục giúp Vietjet tăng lợi nhuận trong tương lai.