Nhiếp ảnh gia Tomasz Lazar muốn thông qua bộ ảnh này để lột tả hết không khí rùng rợn tại khu rừng tự sát đáng sợ bậc nhất xứ sở mặt trời mọc.
Ngay từ khi là học sinh trung học, nhiếp ảnh gia Tomasz Lazar đã nghe được những câu chuyện rùng rợn về rừng Aokigahara. Là một tín đồ của các bộ phim kinh dị và thể loại khoa học viễn tưởng, ông quyết định lên đường thực hiện bộ ảnh dự án “Biển cây” tại khu rừng nổi tiếng này, nơi theo ông là một địa điểm đẹp, lãng mạn phảng phất nét bí ẩn nhưng lại chứa đựng bên trong là không ít bi kịch chết chóc.
Đối với Lazar, việc khám phá Aokigahara cũng giống như tìm hiểu hậu quả nghiêm trọng mà căn bệnh trầm cảm đang ngày càng ăn mòn người dân Nhật Bản, nơi vẫn tồn tại văn hóa không thể cởi mở chia sẻ những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Không khí ảm đạm luôn bao trùm Aokigahara bất kể ngày lẫn đêm. (Ảnh: National Geographic)
Aokigahara là một khu rừng nhỏ được hình thành từ hơn 1000 năm về trước và nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở Nhật Bản với nền đất chủ yếu là đá núi lửa, nhiều hang hốc. Cánh rừng ở đây mọc chi chít các loại cây, che hết cả ánh sáng mặt trời càng làm tăng thêm phần huyền bí và u ám. Nhìn từ trên cao, Aokigahara trông chẳng khác gì một “biển cây” và “Jukai” với ý nghĩa tương tự cũng là cái tên thứ hai của nó.
Do phía dưới khu rừng là mỏ thép chứa hàm lượng sắt cao có khả năng làm nhiễu sóng GPS, thiết bị định hướng như la bàn và cả sóng điện thoại cũng không thể hoạt động tại đây. Chính vì vậy, du khách thường được khuyên phải hết sức cẩn thận khi đặt chân vào đây.
Tuy nhiên, một vài người khi đến thăm Aokigahara lại không có ý định trở ra. Đây cũng chính là lý do nó được mệnh danh là khu rừng tự sát hay như nhà văn Wataru Tsurumui gọi là “nơi hoàn hảo để chết” trong cuốn sách Những hướng dẫn đầy đủ để tự vẫn.
Với hơn 20.000 người tự kết liễu cuộc đời mỗi năm, Nhật Bản trở thành đất nước có tỷ lệ tự tử cao nhất nhì thế giới. Aokigahara chính là một trong những điểm đến “tuyệt vời” để kết thúc cuộc đời đối với rất nhiều người dân xứ sở mặt trời mọc. Theo thống kê từ năm 1970, mỗi năm có ít nhất hàng chục vụ tự sát xảy ra trong khu rừng này. Sau 1 năm, con số đó cứ tiếp tục tăng lên 20 vụ và số lượng xác người tìm được tại đây kỷ lục từng được ghi nhận là 108 trong năm 2004. Đến nỗi, các nhà chức trách phải quyết định thôi không công khai các con số ám ảnh này nhằm tránh tạo ra sức ép cũng như khiến người dân thêm hoang mang. Trước cổng khu rừng, người ta đặt rất nhiều bảng thông báo nhằm mục đích nhắc nhở du khách về giá trị cuộc sống trước khi họ tìm đến cái chết. Phía dưới của bảng thông báo đính kèm số điện thoại đường dây nóng.
Cây cối mọc chằng chịt trong rừng. (Ảnh: National Geographic)
Nền đất cứng khiến rễ cây không thể đâm sâu xuống lòng đất. (Ảnh: National Geographic)
Với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên, Lazar tiếp cận được những khu vực thường được người ta tìm đến để tự tử bên trong Aokigahara, nơi những sợi dây nhựa được buộc vào thân cây của nhóm cứu hộ làm dấu trong quá trình thực hiện công tác tìm xác. Mặc cho mọi nỗ lực của chính phủ, những con người bế tắc vẫn cứ tìm đến khu rừng này. Hướng dẫn viên cho biết, kỷ lục số lượng xác người từng được tìm thấy tại đây là 36 xác chỉ trong vòng vỏn vẹn 37 ngày. Con số này cho thấy cứ 1 ngày lại có 1 người tìm đến đây để kết liễu cuộc sống.
(Nguồn ảnh: National Geographic)
Không ai biết chính xác vì sao Aokigahara trở nên nổi tiếng với những câu chuyện tự tử rùng mình nhưng nhiều người cho rằng nó xuất phát từ truyền thuyết dân gian. Theo lời người dân khu vực kể lại, Aokigahara từng là nơi để người ta thực hiện nghi thức ubasute – đưa người lớn tuổi vào trong rừng và bỏ họ ở đó đến chết. Trong tiểu thuyết Tower of Waves, nhà văn Seicho Matsumoto sử dụng khu rừng này làm bối cảnh nơi nhân vật nữ chính vì tình yêu đã tự vẫn tại đây. Một số khác tin rằng, Aokigahara có liên quan đến quỷ dữ và bị linh hồn người chết yểu hoặc bị đột tử ám. Ngoài ra, việc các thiết bị định vị không thể hoạt động tại Aokigahara cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến du khách đi lạc không tìm được đường ra và bỏ mạng đây.
(Nguồn ảnh: National Geographic)
Aokigahara được hình thành trên nền đất núi lửa hàng nghìn năm về trước. Dòng dung nham khiến đường đi vào rừng càng thêm hiểm trở. (Ảnh: National Geographic)
Lazar không tìm thấy được bất kỳ xác chết nào trong chuyến tham quan Aokigahara mặc dù anh đã đi qua rất nhiều nơi được cho là hiện trường vụ án như chiếc lều cắm trại bị bỏ lại, áo khoác vương vãi, sợi dây thừng lơ lửng trên cây và những chai thuốc tẩy rỗng ruột. Mục đích của vị nhiếp ảnh gia này không phải trực tiếp chụp được xác người, anh muốn ghi lại khung cảnh cũng như cảm giác rùng rợn không một ngôn từ nào có thể diễn tả được của khu rừng này.
Không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc lều bị bỏ lại trong rừng. (Ảnh: National Geographic)
Lazar quyết định thực hiện bộ ảnh này chỉ với 2 tông màu đen trắng, phủ lên thảm thực vật và cây cối nơi đây một màu trắng tinh khôi, tông màu của sự chết chóc và tang thương trong văn hóa nước Nhật. “Tôi muốn cho mọi người cảm nhận được không khí của khu rừng, những bước đi cuối cùng của con người trước khi họ ra đi về cõi vĩnh hằng”, Lazar cho hay.
Nhìn hình thôi, người ta cũng cảm nhận được sự rùng rợn, đầy chết chóc của khu rừng. (Ảnh: National Geographic)
Theo: National Geographic