Phương pháp phòng chống hình thức lừa đảo này cũng khá đơn giản. Người dùng Gmail chỉ cần kích hoạt hình thức đăng nhập bảo mật kép với 2 lớp bảo mật, và luôn thận trọng khi nhận được file đính kèm kể cả là từ người quen.
Các chuyên gia an ninh mới đây đã phát hiện ra một kế hoạch bao gồm nhiều động thái nhằm xâm nhập thông tin các tài khoản Gmail có sức ảnh hưởng và tác động tiêu cực lớn vì ngay cả những người có kiến thức về công nghệ cũng hoàn toàn nằm trong diện dễ bị mắc lừa, “dâng nộp” dữ liệu cá nhân cho những kẻ xấu đứng sau.
Những kẻ chủ mưu ban đầu sẽ tiếp cận và vượt qua vòng truy cập tài khoản của một người, sau đó sẽ khai thác mọi thông tin trong hộp thư để dần lây lan và tiếp tục tấn công những mục tiêu khác. Cụ thể, chúng sẽ đánh vào các tệp tin từng được chia sẻ trước đó giữa các mối quan hệ của chủ hộp thư để lập ra danh sách “con mồi” mới. Sau khi tìm được đối tượng tiềm năng, chúng sẽ tạo ra một file ảnh giống với tệp mà chủ tài khoản từng gửi, sau đó lại truyền đến người khác với chủ đề hoặc lời nhắn tương tự.
Điều làm nên sự nguy hiểm của hình thức tấn công này là vì những nạn nhân lại bị tấn công bởi chính tài khoản từ người mình quen biết, nên sẽ không mảy may nghi ngờ nhiều.
Các file ảnh giả mạo thực chất hiện lên là một file PDF với ảnh minh họa đại diện quen thuộc với người nhận. Một khi lơ click vào, người nhận sẽ được chuyển hướng trang web đến một site giả mạo và lừa đảo, có giao diện y hệt trang truy cập của Google.
Đường link của trang đang nhập Gmail giả mạo có bao gồm tên miền phụ “accounts.google.com”, quá dễ để đánh lừa những người không biết cách xem xét kỹ lưỡng tính xác thực của trang web.
Ngoài ra, lưu ý là trình duyệt sử dụng cũng không kích hoạt chế độ cảnh báo với biểu tượng đỏ cạnh tên đường link mà Google cung cấp, nên người dùng hoàn toàn nằm trong diện dễ dàng bị lừa bịp. Dưới đây là những dòng chia sẻ của CEO Mark Maunder từ WordFence trên blog của mình:
“Thủ đoạn lừa đảo này sử dụng một định dạng tài nguyên dữ liệu (data URI) để đính kèm một file ngay trên thanh địa chỉ. Nếu thấy đoạn chữ “data:text/html…”, đó thực ra là chuỗi ký tự cực dài mà bạn sẽ không hiểu và thấy hết được.”
“Mọi phần trong thanh địa chỉ đều ở hình thức phân loại như nhau, cùng màu, cùng chữ, không có gì khác biệt nên vô tình tạo cho người dùng suy nghĩ rằng chúng vô hại và có thể tin tưởng được.”
Nếu dính vào những cái bẫy tinh vi này, mọi thông tin tài khoản cá nhân của bạn sẽ rơi vào tay kẻ xấu, và chúng sẽ lại đăng nhập vào chính tài khoản của chúng ta và tiếp tục khai thác, lợi dụng thêm nhiều nạn nhân nữa.
Phương pháp phòng chống hình thức lừa đảo này cũng khá đơn giản. Người dùng Gmail chỉ cần kích hoạt hình thức đăng nhập bảo mật kép với 2 lớp bảo mật, và luôn thận trọng khi nhận được file đính kèm kể cả là từ người quen.
Tham khảo: Thehackernews