Đây được xem là cỗ máy sản xuất ozone lớn nhất trên thế giới, cùng với đó là những cơn bão sấm sét tạo ra lượng điện năng khổng lồ ước tính khoảng 1.176.000V mỗi năm có cường độ lên tới 400.000A; những cơn sấm sét này hoàn toàn có thể nhìn thấy dù đang cách xa tận 400km.
Một trong số những điều tuyệt vời nhất về thế giới tự nhiên đó là nó hoàn toàn khó đoán trước. Cứ khi nào bạn nghĩ rằng chẳng còn gì để khám phá nữa, thì thiên nhiên lại chứng minh cho bạn thấy có những thứ đáng kinh ngạc vẫn tồn tại mà bạn không thể tưởng tượng ra.
Ngay cả những người đã đi quanh quả địa cầu vẫn còn chưa chứng kiến hết sự vĩ đại của thế giới tự nhiên. May mắn thay, các nhiếp ảnh gia trên thế giới đã cố gắng thu lại được những kì quan này trên những thước phim của mình. Dưới đây là những cảnh tượng độc đáo, kì lạ và không kém phần ấn tượng của những hiện tượng tự nhiên cực hiếm trên Trái Đất.
1. Cơn bão sấm sét bất diệt ở Venezuela
Tại vùng cửa sông Catatumbo và hồ Maracaibo, Venezuela xảy ra một hiện tượng vô cùng kì lạ, nơi đây thường xuyên có những cơn bão kèm theo sấm sét dữ dội như trong phim khoa học viễn tưởng. Ước tính những cơn bão sấm sét diễn ra đến hơn 160 ngày trong một năm, 10 giờ trong một ngày và 280 sấm chớp trong một giờ. Tức là bão sấm chớp gần như xảy ra liên tục và bất diệt.
Đây được xem là cỗ máy sản xuất ozone lớn nhất trên thế giới, cùng với đó là những cơn bão sấm sét tạo ra lượng điện năng khổng lồ ước tính khoảng 1.176.000V mỗi năm có cường độ lên tới 400.000A; những cơn sấm sét này hoàn toàn có thể nhìn thấy dù đang cách xa tận 400km.
Nguyên nhân của hiện tượng này là dòng sông Catatumbo, trên đường chảy ra hồ Maracaibo, Venezuela đã chảy qua một đầm lầy chứa nhiều chất hữu cơ bị phân hủy khiến nó giải phóng ra khí mêtan, sau đó khí mêtan được đưa lên cao sau khi gặp những cơn gió lớn chứa nhiều uranium từ dãy Andes thổi xuống. Và tất cả những điều đó đã tạo ra hiện tượng thiên nhiên kì bí độc nhất vô nhị trên thế giới. Hiện tượng này đặc trưng tới mức nó được đưa vào quốc kì, quốc ca của Venezuela.
2. “Mặt trời đen”
Vào mùa xuân, người dân Đan Mạch thường được chứng kiến một sự kiện vô cùng thú vị: hàng triệu con chim sáo đá từ khắp nơi tụ lại thành đàn lớn trong khoảng thời gian một giờ trước khi mặt trời lặn. Người ta gọi hiện tượng này là “mặt trời đen”.
Những con chim sáo đá di cư từ phương nam tới, ban ngày kiếm ăn trên đồng cỏ, đến chiều tối thì tụ hội lại để “nhảy múa” trên bầu trời rồi sau đó tìm chỗ ngủ trên các cây sậy khi mặt trời đã lặn. Sự kiện này thường xuất hiện vào đầu mùa xuân, giai đoạn từ tháng 3 đến trung tuần tháng 4 tại các khu đầm lầy phía Tây Đan Mạch.
3. Mây bong bóng
Bạn sẽ rất ngạc nhiên trước những chùm bong bóng kì lạ treo lơ lửng thành từng lớp trên bầu trời và đặc biệt hơn khi đó chỉ là những đám mây. Sở dĩ có hiện tượng này vì sau những cơn bão, cơn giông lớn đi qua sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn xáo trộn quá trình hình thành mây bình thường.
Mỗi tầng mây bong bóng có thể dài hàng trăm km, bọng lớn nhất đường kính lên tới 1-3 km, dài 0,5 km nhưng chỉ tồn tại vẻn vẹn 10 phút. Hiện tượng hiếm hoi này khi xuất hiện sẽ kèm theo sự biến động dữ dội của dòng không khí nên các nhà khí tượng khuyến cáo máy bay không nên hoạt động trong vùng này.
4. Mưa cá
Sự kiện này xảy ra đều đặn mỗi năm vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 và dần trở thành quen thuộc đến mức, nó thường xuyên được nhắc tới trong văn hóa dân gian của người dân địa phương Yoro, Honduras.
Ban đầu những cơn mưa kéo đến bình thường như bao cơn mưa khác trên thế giới, mưa lớn nặng hạt trong khoảng 2 – 3 giờ. Sau cơn mưa, hàng ngàn con cá vẫn còn sống đang vùng vẫy trên mặt đất, người dân Yoro nhặt cá cứ như thể… hái nấm trong rừng và đem về làm thịt.
Cũng nhờ hiện tượng thiên nhiên kì lạ mà hàng năm, rất nhiều khách du lịch đến Yoro với háo hức tham dự “Rain of Fish Festival” (Lễ hội Mưa cá) – được tổ chức thường niên kể từ năm 1998.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do các trận cuồng phong, lốc xoáy từ biển thổi vào đã cuốn đàn cá – vốn rất đông đúc trên vùng biển Caribbean phía bắc ra khỏi mặt nước ở độ cao hàng nghìn mét. Những chú cá này theo mưa và ở đất liền. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một giả thuyết và cho đến nay, vẫn chưa có ai tìm được lời lí giải xác đáng nhất.
5. Hoa sương giá
Đơn giản thì chúng là những bông hoa tuyết chỉ tồn tại vài giờ sau một đêm lạnh giá ở những vùng đất ngập nước. Về đêm, những cành cây nhỏ đọng lại các hạt nước xung quanh và khi nhiệt độ môi trường hạ xuống âm độ thì những hạt nước bị kéo lê trên bề mặt giống hiện tượng bốc hơi nhưng không đủ thời gian thoát khỏi tán cây nên lại đóng băng thành từng đám, từng chuỗi sặc sỡ với hình dáng tinh tế như đóa hoa mới nở.
6. Sét núi lửa
Bạn sẽ tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu 2 hung thần kinh khủng nhất của tự nhiên là sét và núi lửa chạm trán nhau? Trên thực tế, hiện tượng núi lửa phun trào cùng hàng loạt tia sét xuất hiện lại vẽ thành một tuyệt tác không thể tuyệt vời hơn.
Các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho “cuộc tái hợp” lạ đời này nhưng giả thuyết cho rằng những phân tử tro tích điện dương được giải phóng ra bên ngoài đã được “nạp điện” cấp tốc nên phụt sáng thành những tia sét với cường độ hàng ngàn vôn. Để có được những tấm hình này, các nhiếp ảnh gia phải có sự gan dạ, niềm đam mê thật sự và đánh đổi cả sự nguy hiểm đến tính mạng của họ.
7. Bánh Donut bằng tuyết
Để có được những chiếc bánh tròn xoe này, thiên nhiên phải phối hợp rất khéo léo giữa địa hình, nhiệt độ và tốc độ gió. Khi có tuyết rơi, lớp tuyết mỏng trên cùng sẽ bị gió cuốn xuống những vùng đất hơi dốc và trống trải, đặc biệt phải được bao phủ bởi một lớp băng nhẵn hoặc lớp tuyết cứng.
Bông tuyết càng mới, gió càng mạnh thì “cuộn bánh Donut” càng lớn, có thể cao tới 66 cm. Tuy nhiên, chỉ cần một chướng ngại nhỏ hoặc nhiệt độ thay đổi cũng đủ làm những vòng tuyết này tan vỡ.
8. Cầu vồng lửa
“Cầu vồng lửa” ở Idaho, Mỹ là một trong những hiện tượng thiên nhiên kì thú và hiếm thấy nhất trên thế giới. Nó không giống với cầu vồng thông thường mà được sinh ra khi ánh sáng đi xuyên qua các đám mây xoắn ở trên cao và chỉ khi mặt trời ở rất cao, trên 58 độ so với đường chân trời, chúng ta mới có thể chứng kiến hiện tượng thú vị này.
Hơn nữa, các tinh thể băng 6 cạnh trong đám mây xoắn phải có hình như chiếc đĩa dày có các mặt song song với mặt đất mới tạo ra một cầu vồng lửa hoàn hảo. Khi ánh sáng xuyên thẳng đứng qua mặt phía trên và đi ra ở mặt phía dưới, nó bị khúc xạ, giống như thể ánh sáng đi qua một lăng kính.
Nếu các tinh thể băng xoắn xếp thành hàng hợp lí, toàn bộ đám mây sẽ toả ra một quang phổ màu trông giống như một đám lửa tuyệt đẹp.
9. Bãi biển phát sáng
Hiện tượng này gọi là sóng phát quang sinh học, có thể tìm thấy ở Maldives, được tạo ra bởi tảo dinoflagellate nổi trên bề mặt biển và di chuyển quanh các luồng nước, tạo ra các xung điện quanh hạt proton, ngăn không cho nước thấm vào bên trong các vi sinh vật.
Sau đó chính những xung điện này tạo ra các kênh proton nhạy điện áp, kích hoạt hàng loạt phản ứng hóa học, trong đó có protein luciferase – chịu trách nhiệm hình thành ánh sáng xanh neon bên trong cơ thể loài tảo.
10. “Nham thạch xanh tím”
Núi lửa Kawah Ijen tại đảo Java (Indonesia) trông như thể phun trào nham thạch màu xanh tím, nhưng thật ra lại không hẳn là vậy. Hiện tượng này được gây ra bởi một phản ứng hóa học giữa khí sunfua của núi lửa và khí oxy được đốt cháy bởi nham thạch, tạo ra thứ lửa màu xanh ánh tím bao phủ dòng lava.
Kì thực, nham thạch của Kawah Ijen không có gì khác biệt so với ở các ngọn núi lửa khác, tất cả là nhờ lượng khí sunfua cực lớn được giải phóng ở áp lực và nhiệt độ cao.
Thiên nhiên không bao giờ hết khiến con người ta ngạc nhiên về những kì quan tuyệt mĩ của mình. Cứ mỗi lần chúng ta nghĩ đã khám phá ra hết thì lại có những điều bí ẩn khác xuất hiện.