Tuy nhiên thuật thôi miên còn có nhiều quyền năng hơn thế, và người bị thôi miên nhiều khi có thể làm được những việc mà con người không thể ngờ tới. Dù người ta đã tranh luận về thuật thôi miên từ vài trăm năm nay, nhưng đến giờ nó vẫn là một bí ẩn, và mọi giải thích khoa học đều không thể chạm tới được.
Con người có những thứ quyền năng mà khoa học phải chật vật để đi tìm lời giải đáp. Và thuật thôi miên là một trong những thứ quyền năng như thế.
Bí ẩn một thế lực siêu nhiên
Đó là một ngày khủng khiếp đối với Boby khi anh đang lái xe đi làm trên con đường quen thuộc tại Washington. Một chiếc xe tải mất lái lao về phía anh, và những gì anh nhận thức được là sự đau đớn tột cùng ở chân. Ngay lập tức Boby được đưa tới bệnh viện để phẫu thuật. Người ta không dùng thuốc giảm đau cho anh, hẳn nhiên Boby biết điều đó, nhưng nỗi đau đớn ở chân đột nhiên tan biến, khi anh nhìn vào chiếc đồng hồ quả lắc đung đưa trên tay một người đàn ông có đôi mắt màu xanh. Người đàn ông bắt đầu hỏi và tâm trí anh đuổi theo kí ức về với thời khắc đẹp nhất trong đời, đó là khi anh tìm được mẹ mình sau 15 năm bà mất tích. Những lưỡi dao, băng gạc, và máu không còn nghĩa lý gì nữa, và sự đau đớn không tồn tại.
Boby bị thôi miên! Và câu chuyện của Boby cũng không phải là duy nhất. Liệu pháp dùng thuật thôi miên như một loại giả dược để giảm đau không còn là chuyện quá gây ngạc nhiên. Với đề nghị sử dụng thôi miên như là thuốc tê, hàng ngàn phụ nữ đã sinh con mà không còn cảm giác đau và khó chịu. Vô số bệnh nhân ung thư trải qua thôi miên cho rằng nó giúp kiểm soát sự đau đớn của các biện pháp hóa trị liệu. Sự thành công của thôi miên trong y học là không thể phủ nhận, nhưng nhiều bác sĩ cho rằng thôi miên không hẳn tốt cho sức khoẻ con người, vì thế mà thôi miên đến nay vẫn không thể dùng thay cho thuốc giảm đau.
Thôi miên khiến người ta quên đi thực tại và chỉ còn biết đến điều mà nhà thôi miên muốn hướng tới. Vì vậy mà thuật này cũng được sử dụng khá nhiều trong khoa học hình sự, đặc biệt là trong các vụ án khó điều tra, buộc phải sử dụng thuật thôi miên đối với nghi phạm để tra hỏi. Thôi miên cũng được ứng dụng rất nhiều trong nghệ thuật giải trí, như ảo thuật chẳng hạn.
Nhưng thôi miên là gì, liệu có chút thế lực siêu nhiên nào đứng đằng sau nó, và có phải ai cũng có thể bị thôi miên?
Các nhà tâm thần học dù không dám đưa ra câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi trên, nhưng các nghiên cứu của họ về thuật thôi miên đều nhằm đưa đến một lý giải khoa học nhất: sự phức tạp và thông minh của bộ não.
Sức mạnh của niềm tin
Với hơn 200 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phần nào đã hiểu được cơ chế của hiện tượng thôi miên. Họ giải thích rằng, thôi miên là khi con người rơi vào trạng thái cực kỳ dễ bị ám thị, cơ thể và trí não hoàn toàn thả lỏng và trí tưởng tượng được kích thích cao độ. Thôi miên không giống ngủ, vì thực chất người bị thôi miên vẫn tỉnh táo, và hoàn toàn có ý thức. Trạng thái này gần giống với lúc bạn ngồi suy nghĩ mơ mộng mà quên mất thực tại, tâm trí không bị môi trường xung quanh tác động.
Bản chất của thôi miên là sự tiếp cận trực tiếp với tiềm thức của con người. Đó là lúc ý thức của bạn làm việc đồng thời với tiềm thức. Tiềm thức sẽ truy cập vào kho thông tin rộng lớn để giúp bạn giải quyết các tình huống. Khi một ý tưởng mới đến với bạn, đó là bởi vì bạn đã nghĩ thông qua phần vô thức. Nghĩa là, khi bị thôi miên, ý thức vẫn tồn tại nhưng đứng lùi về phía sau để tiềm thức phát huy hết tác dụng.
Các nhà nghiên cứu cũng dùng máy ghi điện não đo lường hoạt động của não khi bị thôi miên. Kết quả cho thấy, hoạt động ở bán cầu trái của vỏ não giảm xuống, trong khi hoạt động ở bán cầu não phải thường xuyên tăng lên. Các bán cầu não phải và trái đều điều khiển trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Sự suy giảm trong hoạt động bán cầu não trái phù hợp với giả thuyết rằng thôi miên gây ức chế ảnh hưởng của ý thức. Và sự gia tăng hoạt động của bán cầu não phải đồng nghĩa với sự phát triển mạnh mẽ của sáng tạo trong tiềm thức.
Sau khi so sánh các dấu hiệu về thể chất của những người từng bị thôi miên, các nhà khoa học nhận thấy rằng hầu như tất cả mọi người đều có thể rơi vào trạng thái này. Họ cũng cho rằng thôi miên thực chất là quá trình tự thôi miên, và nhà thôi miên chỉ là người hướng dẫn và tạo điều kiện cho quá trình này thực hiện. Thôi miên phụ thuộc chủ yếu vào niềm tin của con người. Nếu bạn tin rằng thôi miên có thể giúp giảm các cơn đau, thì tự nhiên tâm trí bạn cũng sẽ không còn thấy đau nữa. Theo quan điểm này, nhà thôi miên giỏi không phải là người có khả năng đi vào tâm trí người khác, mà là người có đủ uy lực, đủ uy tín để bạn tin tưởng và nghe theo. Họ chẳng có quyền lực siêu phàm nào cả. Nghĩa là chẳng có phép thuật nào tồn tại ở đây, càng không có chút thế lực siêu nhiên nào.
Các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận rằng, thôi miên chỉ có thể được thực hiện khi đối tượng phải tự nguyện, tuyệt đối tin rằng mình có thể bị thôi miên, và tất nhiên phải hết sức thư giãn. Các nhà thôi miên có thể dùng các phương pháp khác nhau để điều khiển đối tượng như thu hút sự tập trung vào một vật cố định, hoặc một vật chuyển động đu đưa nhịp nhàng, liên tiếp ra nhiều mệnh lệnh, đặt liên tục các câu hỏi để kiểm soát ý thức của đối tượng… Khi đó, nhà thôi miên có thể điều khiển đối tượng làm bất cứ điều gì.
Tuy nhiên thuật thôi miên còn có nhiều quyền năng hơn thế, và người bị thôi miên nhiều khi có thể làm được những việc mà con người không thể ngờ tới. Dù người ta đã tranh luận về thuật thôi miên từ vài trăm năm nay, nhưng đến giờ nó vẫn là một bí ẩn, và mọi giải thích khoa học đều không thể chạm tới được.
Theo: Oliver (L’Officiel)