Số lượng người dùng thực là điều rất quan trọng với Facebook, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu quảng cáo của công ty. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ số lượng tài khoản bị ảnh hưởng sau đợt “truy quét” này.
Một mạng lưới spam hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới vừa bị Facebook đánh sập, theo công bố của mạng xã hội này.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook từ trước đến nay luôn tự hào với con số 1,86 tỷ người dùng của mình. Tuy nhiên, sau ngày hôm qua, số lượng người dùng đã giảm đi khá đáng kể. Trong một công bố hôm thứ 6, Facebook cho biết, hãng đã ngăn chặn được một mạng lưới lớn các tài khoản giả mạo được dùng để spam trên thế giới. Mạng lưới này hoạt động tại Bangladesh, Indonesia, Ả Rập Saudi, cùng nhiều quốc gia khác.
“Mục đích rõ ràng của chiến dịch spam là để giả mạo các kết nối bạn bè mới bằng cách like và tương tác chủ yếu với các Pages nổi tiếng trên Facebook, với mục tiêu cuối cùng (của những tài khoản trong mạng lưới) là đi spam những người dùng thật” – Shabnam Shaik, một quản lý chương trình kỹ thuật của Facebook cho biết trên blog.
“Chúng tôi phát hiện thấy, hầu hết các hoạt động này được tạo ra không phải qua các cách thức tạo tài khoản hàng loạt truyền thống, mà bằng các phương cách tinh vi hơn nhằm che đậy hành vi. Với việc phá vỡ được chiến dịch này, chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn được mạng lưới spammer, không cho chúng đạt được mục đích là gửi các thông tin giả mạo đến một lượng lớn người dùng” – Shaik cho biết. Trong trường hợp này, có vẻ như những kẻ spam đã tìm cách xây dựng một mạng lưới các kết nối bạn bè bằng cách dùng nhiều tài khoản để like và tương tác với Pages. Tuy nhiên, các tài khoản này không thực hiện việc kết bạn với người dùng thật bằng cách xoá bỏ dấu vết, ẩn đi các like giả chúng tạo ra.
Facebook trước đó cũng công bố đã dẹp bỏ được 30.000 tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình.
Số lượng người dùng thực là điều rất quan trọng với Facebook, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu quảng cáo của công ty. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ số lượng tài khoản bị ảnh hưởng sau đợt “truy quét” này.
Các tài khoản giả mạo, hay các bot tự động, là một vấn đề đau đầu của các công ty trong lĩnh vực mạng xã hội. “Nghề” viết phần mềm để tạo ra các tài khoản giả này cũng trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền. Năm 2014, Facebook ước tính rằng có 67,7 triệu đến 137,8 triệu tài khoản là bị trùng lặp hoặc chỉ là giả mà thôi.