Còn trẻ, hãy than thở ít thôi!

0
1898

Lướt các trang mạng xã hội, người ta thấy giới trẻ kêu ca về quá nhiều thứ. Những lời than thở vẽ ra bối cảnh thế hệ trẻ Việt đang đứng trước những bế tắc khủng khiếp. Nhưng thực tế, những vấn đề khiến họ than thở là gì?

Học nhiều quá, than; sếp mắng, than; không được uống trà sữa, than; đọc được bài báo “con nhà người ta” giỏi giang, lại than về phận mình!

Giờ đây, cảm giác như chỉ một chiếc lá rơi cũng làm người trẻ u sầu. Là do, họ quá đa cảm hay chăng?

Thực tế thì sao? Than thở gần như đã trở thành câu cửa miệng. Để ý mà xem, mở đầu câu chào hỏi nhau: “Dạo này sao rồi?” đã thấy đáp lại ngay “Chán lắm!”.

Than trở thành căn bệnh trầm kha đến nỗi, không cần biết chuyện to chuyện bé thế nào, gian nan cách trở ra sao, trước khi tìm cách giải quyết, cứ than trước đã. Lời than vãn nhiều đến độ, thế hệ đi trước lắc đầu, đầu đặt câu hỏi: bọn trẻ bây giờ khó… sống vậy sao?

Thời đại mới, khi mà hai chữ “hội nhập” đang đè nặng lên người trẻ. Họ có thể không chịu nổi những áp lực, họ cũng có thể không bắt kịp để thích nghi, nên than thở một chút thì có là gì.

Nhưng nếu sòng phẳng để nhìn lại, than có giải quyết được vấn đề không?


Thế giới ngày càng “phẳng” hơn, giúp người ta có thể biết được điều gì đang xảy ra ở bên kia bán cầu nhưng lại chẳng nhìn thấy những điều cần nên thấy. Có hàng triệu người đang mệt mỏi vì áp lực công việc, học hành, cuộc sống như chúng ta; nếu mỗi người trên thế giới mỗi ngày đều nói một câu than thở, chắc “bầu trời” sẽ ngập tràn u ám.

Than nhiều thành quen, chúng “ngấm” dần thành cách ứng xử trong mọi vấn đề. Cách họ nhìn nhận, suy nghĩ về cuộc sống bỗng trở nên đầy tiêu cực. Nguy hiểm hơn, thay vì nhìn nhận, họ oán trách số phận, đổ lỗi cho những chuyện đã xảy ra và tìm lý do cho chúng.


Buông một vài câu buồn chán trên mạng xã hội, ta không ngờ được chúng còn mang đến cảm giác tiêu cực cho những người xung quanh. Chúng ta than phiền về lương tháng thấp quá, nhưng chẳng hay biết rằng những người khác còn kiếm được ít hơn nhiều. Họ sẽ phải phản ứng ra sao với lời than vãn ấy? Thay vì nỗ lực, họ sẽ nghĩ có cố gắng cũng chẳng thể bằng ai?!

Nếu ví mỗi lời than thở là một làn khí độc tỏa ra môi trường xung quanh, liệu bạn có dám tiếp tục kêu ca?

Người trẻ được kỳ vọng là thế hệ tiên phong, nhưng họ lại cứ than thở, bực dọc, bất mãn, thành ra thay vì được kỳ vọng họ lại tự biến mình thành thế hệ bị kìm hãm. Họ muốn làm nhưng lại không đủ , sự tin tưởng và lạc quan.

Nhiều bạn trẻ nói, vào facebook xem lại những gì đã đăng của mình vài năm về trước, họ chẳng thể tin được vì sao mình có thể buồn bã, phiền lòng vì những điều đơn giản như thế. Cảm giác xấu hổ bao trùm, đó chính là tâm lý chung khi bạn đã vượt qua được khó khăn, vượt qua những điều khiến bạn phải buông ra tiếng thở dài trước đó.

Ngồi chép miệng, oán thân trách phận, chẳng thể khiến số tiền bạn kiếm được tăng thêm, hay mục tiêu của cuộc đời bạn hoàn thành. Bạn có thể than, nhưng hãy kèm thêm liều thuốc “hành động”. Suy nghĩ về mỗi câu nói của mình ảnh hưởng gì đến những người xung quanh, những người phải nghe chúng.

Thay vì than những chuyện nhỏ nhặt, đời thường. Hãy dành sự suy tư, phiền muộn vào những vấn đề lớn hơn. Đừng than thở nay công việc quá nhiều, mà hãy giải quyết chúng đi.

Người ta nói “mỉm cười may mắn tự dưng đến” chẳng phải là không có lý do. Tuổi trẻ hãy để màu sắc tươi sáng, sự lạc quan tràn ngập. Hãy khởi đầu năm mới bằng những hành động thiết thực cho chính cuộc đời mình.

Còn trẻ, bớt than lại và làm đi!

BÌNH LUẬN