Những sự thật oái oăm ở Sài Gòn khiến cả dân chính góc cũng phải điên đầu

0
2366

Một tình huống gần giống là cùng 1 con đường nhưng bị ngăn ra thành những đoạn đường nhỏ bởi một công viên, dãy nhà hay là cả một con kênh,… làm những người đi tìm nhà cũng muốn điên đầu.

1. có 200 con đường trùng tên nhau

Một nguyên tắc nhỏ khi hỏi đường ở Sài Gòn là nhớ hỏi luôn là đường đó ở quận nào vì Sài Gòn có rất nhiều đường trùng tên. Ví dụ có 2 đường Bạch Đằng, 1 ở Tân Bình, 1 ở Bình Thạnh; có 2 đường Hậu Giang, một cũng ở Tân Bình, cái còn lại ở quận 6.

Oái ăm nhắt là 2 con đường trùng tên mà còn nằm trong cùng một quận. Đơn cử là 2 con đường Nguyển Thị Nhỏ thuộc quận 11 hay 2 đường Tam Đảo ở quận 10. Việc tìm nhầm đường là chuyện thường như cơm bữa.

Một tình huống gần giống là cùng 1 con đường nhưng bị ngăn ra thành những đoạn đường nhỏ bởi một công viên, dãy nhà hay là cả một con kênh,… làm những người đi tìm nhà cũng muốn điên đầu.


2. Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Nhất không nằm cạnh nhau

Tân Sơn Nhì là một con đường ở quận Tân Phú, nằm cách nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình đến hơn 7km. Ngày nay, từ đường Tân Sơn Nhì đi đến sân bay Tân Sơn Nhất phải qua rất nhiều điểm nóng kẹt xe, nên đừng ai lầm tưởng có nhà ở Tân Sơn Nhì thì đi bộ cũng ra được sân bay nhé!

3. Đường Sài Gòn được đặt tên theo… cụm

Ý tưởng được xây dựng lên từ thời Việt Nam Cộng Hòa là đặt tên đường ở Sài Gòn bằng tên các danh nhân sao cho những người có liên quan thì đặt tên gần nhau.

Ta sẽ tìm thấy cụm danh tướng nhà Trần ở Quận 1, cụm danh tướng nhà Lê ở quận 4, cụm các liệt sỹ khỏi nghĩa Yên Bái ở quận Bình Thạnh, hay cụm tên các công thần lập quốc triều Lê ở quận Tân Phú,…

Sau đó việc đặt tên theo cụm được phát triển thành những cụm tên khác như: cụm đường hoa với các đường Hoa Sứ, Hoa Phượng,… ở quận Phú Nhuận, cụm đường Cư xá Bắc Hải với các tên đường đặt theo tên địa danh như đường Đồng Nai, đường Ba Vì,… cụm đường Độc Lập, Giải Phóng, Tự Do,… ở quận Tân Phú.


4. Đừng dại tìm nhà theo địa chỉ nếu không có chỉ dẫn

Sài Gòn có rất nhiều con đường “loạn số”. Theo quy luật số đường thì một con đường sẽ phân hai bên chẵn lẻ, nếu bên phải đường là số chẵn thì bên trái là số lẻ và ngược lại. Ngặt một nỗi, khi cấp địa chỉ mới thì nhiều con đường lại đổi hai bên chẵn lẻ, số thì nhảy từ mười mấy đến một trăm mấy. Rồi 1km đường nhưng có tới 2 địa chỉ y hệt như nhau chỉ khác mỗi số phường.

Vì vậy, nếu là người ngoại tỉnh, đừng tự tin nói “cho tao địa chỉ” bởi vì nếu không có một đứa rành khu vực đó chỉ dẫn, có thể bạn sẽ “đi về nơi xa lắm”.

5. Số nhà 1086/127/2/6/15/…/…

Những căn nhà có số với các xuyệt siêu “khủng” tại Sài Gòn sẽ làm du khách “choáng” khi tìm đến.

Ngoài huyện Nhà Bè, tình trạng số nhà nhiều xuyệt này còn có ở quận Bình Tân và một số quận huyện khác.


6. Từ quận 1 sang quận 10 phải chạy qua 9 cái quận?

Không biết quy luật đặt tên quận ở Sài Gòn như thế nào, nhưng chắc chắn để đi từ quận 1 sang quận 10 thì bạn không phải đi qua 9 quận còn lại đâu. Hai quận này chỉ cách nhau chưa đến 5km.

Quận 1 nằm sát quận 3, nhưng lại cách quận 2 đến 8km về phía Đông. Quận 4, 5 cũng như quận 6 hay 7, 8… đều nằm ở các hướng “vô duyên”, nếu không muốn nói là cách nhau khá xa, ví dụ quận 8 và quận 9 (gần 20 km). Vậy nên, nếu muốn đi hết Sài Gòn này thì có lẽ bạn phải đi từ quận 9 về quận 12 bằng nhiều con đường khác nhau.

7. Bản đồ di chuyển ở Sài Gòn khi trời nắng và khi trời mưa là khác nhau

Một điểm đặc trưng của đường khá nhiều đường Sài Gòn là nó bị… ngập khi mưa. Hơn một năm về trước ở Sài Gòn tồn tại khoảng 66 điểm ngập nặng khi mưa làm người nào không muốn đi bởi thì phải đổi hướng di chuyển. Nay, sau hơn 1 năm thực hiện việc xóa bỏ các điểm ngập, 66 điểm ngập đã không còn. Thay vào đó là hơn 30 “vùng ngập” trải khắp .

Những con đường “Mưa là thành sông” nổi tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến: Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Nguyễn Văn Quá (Quận 12), Hồ Học Lãm (Bình Tân),…


8. Nguyên tắc đánh số đường là… không có nguyên tắc nào hết

Một kiểu tên đường nữa ở Sài Gòn là đường số. Nhưng đường đánh số ở Sài Gòn thậm chí còn khó tìm hơn đường tên.

Ở nước ngoài ưa đặt tên đường bằng số vì họ quy hoạch đường phố bằng ê-ke và thước kẻ nên các con đường thẳng tắp và vuông góc với nhau, từ đó đánh số cho dễ tìm.

Ở Việt Nam, mà đặc biệt là Sài Gòn thì các con đường không thẳng hàng, chồng chéo, thậm chí là uốn cong và cắt qua nhau nên việc đặt tên đường bằng số đôi lúc khiến người đi tìm nhà cũng muốn hỗn loạn.

9. Có những con đường trải dài qua 4 quận

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài khoảng 8,7km chảy qua quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Hai con đường chạy dọc bờ kè của con kênh được đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa và được xem là tuyến đường ven kênh đẹp nhất của Sài Gòn.

Đường Trường Sa chạy qua 4 quận. Bắt đầu từ quận 3 – Bình Thạnh – Phú Nhuận và kết thúc ở quận Tân Bình. Trong khi đó, đường Hoàng Sa nằm ở phía bên kia bờ kênh Nhiêu Lộc, tưởng như chạy song hành cùng đường Trường Sa thì nó cũng chỉ đi qua 3 quận: 1, 3 và Tân Bình.

Nếu không tính các đại lộ, xa lộ… thì Trường Sa cũng không phải là con đường nội đô duy nhất nằm trên 4 quận khác nhau. Có những con đường ở Sài Gòn tuy không dài nhưng vẫn thuộc nhiều quận, đơn cử như đường Cách mạng tháng 8, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo (thuộc 4 quận), Nguyễn Trãi, Lê Văn Sĩ (thuộc 3 quận).


10. Hiệp Bình Chánh cách Bình Chánh gần 30km

Những cái tên gây hiểu lầm nhất quả đất: ngã ba Vũng Tàu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, ngã tư Bình Phước vì nó làm người ta hiểu lầm rằng ngã ba Vũng Tàu chắc… gần gần Vũng Tàu; Hiệp Bình Phước hay ngã tư Bình Phước thì chắc ở tỉnh Bình Phước; còn Hiệp Bình Chánh có khả năng ở huyện Bình Chánh.

Thật ra thì, Hiệp Bình Chánh hay Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu, Bình Thọ… chỉ là tên những phường ở quận Thủ Đức.

Còn ngã ba Vũng Tàu thì cách Vũng Tàu cũng gần 80km, sở dĩ người ta gọi là ngã ba Vũng Tàu vì đến ngã ba ấy thì có đường rẽ về hướng Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày xưa, ở ngã ba này có một siêu thị lớn tên Cora (giờ là BigC), nhiều người “mù hướng” thì phải nhẩm câu thần chú: Tới siêu thị Cora là tới ngã ba Vũng Tàu.

Những ngã ba, ngã năm ở Sài Gòn còn có tên gọi truyền miệng từ hàng chục năm trước. Ví dụ như tên ngã năm Chuồng Chó (nút giao thông lớn thuộc phường 3, Q. Gò Vấp nay có tên gọi khác là ngã sáu Gò Vấp). Hay tên ngã ba Ông Tạ vì khu vực này vốn nổi tiếng bởi từng tồn tại phòng khám của lương y Nguyễn Văn Bi, thường được người dân gọi là ông Tạ. Ngã năm Bình Hòa thì dễ lí giải: có một cái đình Bình Hòa và trường tiểu học Bình Hòa ở khu vực đó.

11. Hẹn ở bến xe miền Đông nhớ nói cổng nào

Là bến xe khách lớn nhất Sài Gòn, bến xe Miền Đông tập trung các chuyến xe khách từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số chuyến từ miền Đông Nam Bộ. Bến xe tọa lạc tại đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh).

Hiện tại, bến xe có một cổng chính lớn và 6 cổng phụ: cổng 1, cổng 1A, cổng 2, cổng 3 và cổng 3A, 3B. Bên cạnh đó, bến còn phân ra một cửa chính và 7 cửa phụ: cửa 1, cửa 1A, 1B, cửa 2, cửa 2A, cửa 3, cửa 3A. Do đó, khi hẹn nhau ở bến xe miền Đông và không nói cổng vào, hai người rất khó để tìm thấy nhau.


12. Hầm Thủ Thiêm có nằm bên dưới cầu Thủ Thiêm không?

Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ sông Sài Gòn thuộc quận 2 và quận Bình Thạnh. Còn đường hầm sông Sài Gòn (thường được gọi là hầm Thủ Thiêm) là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây, quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nhiều người lầm tưởng hai địa điểm này là một nhưng thực ra chúng cách nhau khoảng 3km. Đây cũng là tuyến đường được giới trẻ lựa chọn để vi vu dạo phố về đêm. Thông thường họ sẽ đi từ quận 1, qua hầm Thủ Thiêm sau đó chạy về quận 2, Bình Thạnh bằng cách đi cầu Thủ Thiêm.

Hi vọng những thông tin thú vị này phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về thành phố năng động này và nhất là… bớt lạc đường hơn.

BÌNH LUẬN