Làm thuê khóa luận/luận văn: Sinh viên kiếm tiền triệu ‘ công việc dễ kiếm tiền

0
636

Người đi thuê – mua khóa luận/ luận văn/ luận án là rất đáng lên án, nhưng chính những sinh viên bán “chất xám” vì tiền này cũng không tôn trọng quy định nhà trường, đi ngược với đạo đức xã hội. Dù có năng lực, kiến thức, thành tích học tập xuất sắc thì với hành vi này, họ liệu có xứng đáng trở thành “trụ cột đất nước” trong tương lai?

Như báo Lao Động đã đưa, hiện nay, chỉ cần có tiền thì việc tìm mua, hay thuê người viết khóa luận/luận văn thậm chí cả luận án tiến sĩ cũng hết sức đơn giản. Theo của những trung tâm này, đội ngũ thực hiện khóa luận/luận văn/luận án là giảng viên của các đại học danh tiếng, chuyên viên kinh nghiệm, các thạc sĩ, tiến sĩ trong ngành… Thế nhưng, qua tìm hiểu, thực chất, người viết ra những tác phẩm trên lại là các sinh viên năm ba, năm tư.

Tìm gặp Trang – một nữ sinh năm cuối ĐH X (Hà Nội), cô cho biết: “Tôi đã bắt đầu khóa luận/luận văn từ năm thứ ba đại học. Riêng luận văn thạc sĩ, đến nay cũng hoàn thành 2 tác phẩm rồi”.

Vốn là sinh viên có thành tích xuất sắc, Trang được nhiều thầy cô trong trường biết đến. Năm ba đại học, sau hai vòng thi tuyển, Trang trở thành trợ lý của giảng viên A trong trường. Có kiến thức chắc chắn kèm thêm là khả năng viết tốt (Trang từng là học sinh chuyên văn), Trang được giảng viên này tin tưởng và “nhờ” làm khóa luận/luận văn với mức tiền công 3 triệu đồng/luận văn.

Trang cho biết: “Sau khi giao đề tài, cô cũng cung cấp nguồn tài liệu tham khảo cho tôi luôn. Quá trình thực hiện đều liên lạc qua email chứ không trao đổi trực tiếp. Khi cô đã đồng ý với đề cương chi tiết tôi lập ra thì tôi triển khai viết bài.


Mỗi đề tài được phép làm trong tháng rưỡi, hai tháng nhưng thật ra, tôi chỉ làm vài tiếng buổi tối trong 1- 2 tuần là hoàn thiện. Công việc này không vất vả, không tốn thời gian cũng không áp lực nhưng kiếm được số tiền vài ba triệu là quá lớn với sinh viên rồi”.

Trang cho biết thêm, số lượng sinh viên tham gia làm thuê khóa luận/luận văn để kiếm tiền không hề ít. Nếu chăm chỉ và làm đều đặn, họ có thể kiếm được cả chục triệu/tháng. Theo Trang: “Bản thân tôi học Luật nên tôi biết, công việc này chẳng vi phạm hiện hành. Cũng rất khó tìm ra căn cứ, bằng chứng để xác định tôi là người viết thuê. Tôi không nhận làm thì người khác cũng nhận thôi, việc gì mà tôi không nhận”.

Trang được biết, mức phí giảng viên A nhận từ người thuê là 10 triệu đồng nhưng chỉ trả cho sinh viên 3 triệu để hoàn thiện tác phẩm. Với mức giá này, Trang chỉ cần viết “đúng” chứ không sâu: “Thực chất là, bài không phải bài mình nên tôi chỉ đảm bảo tính đúng. Chủ yếu là lấy từ các tài liệu có sẵn, thêm thắt cho dày dặn chứ không hề có ý nào mới hay cả đâu”.

Với luận văn thạc sĩ, học viên cần trải qua bước bảo vệ trước hội đồng thẩm định. Khi đó, những “chủ nhân” thật của các luận văn như Trang được trả thêm tiền để viết một bản giới thiệu sơ lược về tác phẩm, thậm chí làm luôn slide thuyết trình để họ “học thuộc”. “Tất nhiên, như thế là chưa đủ để học viên vượt qua cửa ải này mà người đó cũng phải kết hợp “quà cáp” cho hội đồng nữa” – Trang cho biết.

Tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, chúng tôi phát hiện ra có nhiều nhóm công khai cung cấp các dịch vụ học thuê, học hộ, thi hộ, thuê làm bài tập/ tiểu luận/ khóa luận/ luận văn… với sự tham gia của hàng chục nghìn sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Trong đó, làm thuê khóa luận/ luận văn là công việc “tiền triệu” được cho là dành riêng cho sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc.

Người đi thuê – mua khóa luận/ luận văn/ luận án là rất đáng lên án, nhưng chính những sinh viên bán “chất xám” vì tiền này cũng không tôn trọng quy định nhà trường, đi ngược với đạo đức xã hội. Dù có năng lực, kiến thức, thành tích học tập xuất sắc thì với hành vi này, họ liệu có xứng đáng trở thành “trụ cột đất nước” trong tương lai?

BÌNH LUẬN