Bản đồ 3D thể hiện rõ nét các khu vực sâu dưới đáy biển lạnh giá, vùng biển Đen ngột ngạt, biển Đỏ và thậm chí cả những dòng sông ở Bắc bán cầu.
Đây là tấm bản đồ 3D hoàn thiện nhất từ trước tới nay về toàn bộ đại dương trên hành tinh của chúng ta, mang tới hy vọng bảo tồn được biển trước những tác động xấu về môi trường hiện nay.
Đại dương chiếm 3/4 diện tích bề mặt Trái Đất. Nhưng hiểu biết của chúng ta về nó còn quá ít. Thậm chí các nhà khoa học biết rõ về Mặt Trăng và sao Hỏa hơn các đại dương.
Để giúp con người hiểu hơn về những gì tồn tại dưới biển, một dự án bản đồ ba chiều lớn nhất từ trước tới nay có tên EMUs được ra đời do công ty hệ thống thông tin địa lý ESRI ở Redlands, California, Mỹ hỗ trợ. Đó sẽ là bức tranh chi tiết và đầy đủ nhất về phần diện tích “bí hiểm” trên hành tinh của chúng ta.
Tấm bản đồ 3D về toàn bộ Đại dương trên bề mặt Trái Đất
Bản đồ sẽ phân loại nước biển thành 37 loại khác nhau dựa vào các tiêu chí như nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng oxy và chất dinh dưỡng. Tất nhiên, những phác thảo này không liệt kê hết mọi thứ, thay vào đó sẽ tập trung vào bề mặt, đáy đại dương và hệ sinh thái ven biển.
Bản đồ 3D thể hiện rõ nét các khu vực sâu dưới đáy biển lạnh giá, vùng biển Đen ngột ngạt, biển Đỏ và thậm chí cả những dòng sông ở Bắc bán cầu.
Do chúng ta chưa khám phá hết các đại dương trên Trái Đất nên nhóm thực hiện dự án sẽ lấy dữ liệu thu thập trong hơn 50 năm qua của World Ocean Atlas, thuộc Phòng thí nghiệm Khí hậu Hải dương, Trung tâm Dữ liệu Quốc Gia Hải dương học (Mỹ).
Tấm bản đồ được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ biển trước những tác động xấu của con người
Nhóm đồng thời sẽ đưa ra những trích dẫn riêng của mình, ví dụ như hình dạng của đáy biển, sử dụng kỹ thuật thống kế để phân loại các dữ liệu thành từng nhóm riêng. Để đảm bảo tính chính xác của bản đồ, các nhà nghiên cứu sẽ phải cập nhật thông tin thường xuyên mỗi 5 năm một lần.
Những người thực hiện dự án hy vọng, tấm bản đồ sẽ mang lại tiếng nói chung để các nước thấy rõ thực trạng của đại dương và đưa ra giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là nguồn tài liệu nghiên cứu quý giá về biển.
Nguồn: GenK