Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào?
Tại hội thảo “cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” diễn ra sáng 24/10 tại Tp.HCM, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những đánh giá, phân tích cụ thể. Theo đó những tác động của đòn áp thuế liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc đến thị trường Việt Nam; giúp DN xuất nhập khẩu Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn về mặt lợi, mặt hại phát sinh, vạch ra chiến lược phù hợp nhằm phát triển hiệu quả và an toàn nhất hoạt động kinh doanh của mình.
Lĩnh vực kinh tế Việt Nam có bị cuốn theo luồng xoay áp thuế?
Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức nổ ra vào đầu tháng 7 khi Hoa Kỳ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đến tháng 8 là thêm 16 tỉ USD chịu thuế suất 25% và tháng 9 là thêm 200 tỉ USD chịu thuế suất 10%. Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Ts Trần Du Dịch, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước những đòn áp thuế liên tục và ngày càng mạnh tay giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường thế giới hiện đang có những biến động đáng kể. Cuộc thương chiến không chỉ tác động đến kinh tế 2 cường quốc mà còn ảnh hưởng đến những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cơ chế trả đũa, chống đối không khoan nhượng giữa các bên làm cho thị trường biến đổi ngày một phức tạp, các lĩnh vực kinh tế, tài chính cũng bị kéo theo luồng xoay đó.
Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbringt Việt Nam, nhìn vào con số 34 tỉ USD có thể thấy là tỉ lệ quá ít so với tổng cộng 505 tỉ USD Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017. Nghiên cứu kỹ hơn, các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%.
Dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong năm 818 dòng sản phẩm Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có giá trị 1,2 tỉ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ là 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các DN Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế, theo ông Thành là không đáng kể.
Hơn nữa, vì những sản phẩm đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây nên những lo lắng nhất định, đồng thời cũng giúp DN xuất nhập khẩu Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn về mặt lợi, mặt hại phát sinh để đối phó. So với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị khoảng 13 tỉ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%. Các DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi, trong khi các DN sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ Trung Quốc nhập vào.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, đối với Việt Nam, khi thuế trừng phạt đợt 3 có hiệu lực, thì nông thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu tác động. Trong 13 tỉ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tương tự như hàng Trung Quốc chịu thuế 10%, nông sản và thủy sản có giá trị 2.9 tỉ USD, chiếm 22,1%, chỉ đứng sau hàng nội thất.
Rủi ro nào với hàng xuất khẩu từ Việt Nam?
Theo phân tích từ các chuyên gia, một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập khẩu đơn giản hay phức tạp hơn là có thể chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.
Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ mở đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc. Do đó, việc mà các DN Việt Nam phải làm ở giai đoạn này là chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.
Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.
Ts Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu và chính sách cho rằng, transshipment, hàng chuyển tải tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế nếu không kiểm soát sẽ làm cho Việt Nam là tâm điểm để Hoa Kỳ tấn công. Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ, khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450%.
“Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là Việt Nam, và không chỉ DN mà các nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất cao”, ông Sĩ Thành khẳng định.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chăn cũng sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt nhiều nhất là máy móc thiết bị cơ khí, điện điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỉ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia.