Nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong phiên điều trần năm 2016.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị khiến Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Phó chủ tịch Lee Jae Yong của Samsung phải vào tù, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ mạnh tay với những tập đoàn gia đình trị cỡ lớn, hay còn gọi là những Chaebol.
Mặc dù những Chaebol này bị cáo buộc là lũng đoạn nền kinh tế xứ sở kimchi, nhưng các công ty này cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Hàn Quốc và có vẻ đây là lý do khiến cuộc chiến chống Chaebol của chính quyền Seoul ngày một hụt hơi.
Xung đột thu nhập-tăng trưởng
Với vai trò là Chủ tịch hiệp hội các công ty kinh doanh nhỏ và vừa tại Hàn Quốc, ông Cho Im Ho rất tức giận khi chính quyền Seoul nâng mức lương tối thiểu của lao động lên 7.530 Won/giờ (6,65 USD), tăng 16% so với cách đây 1 năm. Mặc dù mục tiêu của chính phủ là thúc đẩy nền kinh tế thông qua nâng cao thu nhập của người nghèo nhưng Chủ tịch Ho cho rằng động thái này sẽ bóp chết hàng loạt những công ty nhỏ.
“Thật điên rồ”, Chủ tịch Cho thốt lên.
Tỷ lệ lao động có thu nhập chưa bằng 2/3 mức bình quân cả nước tại các nền kinh tế (%)
Câu chuyện của Chủ tịch Ho nói lên được phần nào sự phức tạp của nền kinh tế-chính trị Hàn Quốc thời Tổng thống Moon Jae In. Tạm hoãn những thành công của Hàn Quốc gần đây với Triều Tiên, nền kinh tế của xứ sở kimchi đang lâm vào tình trạng khó khăn và vẫn chưa thể bứt phá ra được.
Khi mới lên nắm quyền, chính sách của Tổng thống Moon là tăng thu nhập cho người dân để kích thích nền kinh tế, vốn nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri nhưng không được các công ty ủng hộ. Sau nhiều tháng điều tra những tập đoàn lớn, phanh phui các vụ tham những và cam kết thúc đẩy nền kinh tế, giờ đây chính quyền Seoul lại tuyên bố việc tăng lương tối thiếu sẽ không nhanh như dự kiến do vấp phải phản đối kịch liệt từ giới doanh nhân.
Gần đây, kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch tăng thu nhập để thúc đẩy kinh tế, đồng thời là cố vấn tổng thống, ông Hong Jang Pyo đã bị cho thôi việc. Nhiều chuyên gia tin rằng những thành viên nội các tin tưởng vào kế hoạch này rồi cũng sẽ phải ra đi khi chúng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
“Hiện nay đang có sự xung đột giữa những người muốn cải cách và những người lo lắng xảy ra một cuộc xung đột chính trị. Tạm thời tình hình này cho thấy phe lo lắng một cuộc xung đột chính trị đang chiếm ưu thế”, Chuyên gia Jun Sung In của trường đại học Hongik tại Seoul nói.
Thống kê cho thấy thu nhập của 20% người dân tầng đáy xã hội đã giảm 3,7% trong quý II/2018 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tầng lớp thượng lưu lại tăng 12,4%. Rõ ràng, quyết định tăng lương tối thiểu khiến nhiều công ty nhỏ phá sản nhiều hơn và tác động tiêu cực hơn so với ảnh hưởng từ tăng thu nhập đối với nền kinh tế.
Tệ hơn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí cảnh báo tỷ lệ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc sẽ dao động ở mức thấp 2% trong những năm 20 của thế kỷ 21 và có thế giảm xuống còn 1% trong những năm 30 do sản lượng thấp và mức lương quá tệ. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ chỉ đạt 3% năm 2018 và giảm xuống còn 2,9% năm 2019, 2,6% năm 2022.
Mặc dù các chuyên gia cho rằng sự giảm tốc của Hàn Quốc đến từ nhiều nguyên nhân, từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho đến căng thẳng với Trung Quốc, sự xì hơi của thị trường xây dựng ảnh hưởng đến những khoản vay thế chấp bất động sản… Tuy nhiên, chính sách tăng lương tối thiếu cũng đóng góp một phần lớn cho tình hình tồi tệ này. Thêm vào đó, nó thấy một cuộc chiến phức tạp, dai dẳng nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các chaebol với nền kinh tế Hàn Quốc nhưng không thành công.
Cuộc chiến chống Chaebol
Ý tưởng ban đầu của Tổng thống Moon Jae In là thúc đẩy sản lượng và hỗ trợ những công ty nhỏ, nhưng chúng lại đi ngược mong muốn của hàng loạt cử tri đang khao khát để tăng lương. Chính quyền Seoul muốn thoát khỏi những Chaebol cồng kềnh để đa dạng hóa nền kinh tế nhưng họ chưa tìm được cách giải quyết thích đáng.
Phần lớn người lao động Hàn Quốc hiện nay làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chaebol và họ phải chịu mức lương thấp hơn nhiều so với bình quân. Mức lương của 10% những người thu nhập thấp nhất Hàn Quốc hầu như không tăng trong suốt 20 năm qua.
Tháng 8/2018, tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc đã lên mức cao nhất 8 năm qua trong khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae In xuống mức thấp nhất. Số lượng người thất nghiệp của Hàn Quốc đã tăng thêm 134.000 người so với cùng kỳ năm trước và chỉ khoảng 3.000 việc làm mới được tuyển dụng trong tháng 8/2018, mức tệ nhất kể từ năm 2010.
Tổng giá trị của 31 chaebol Hàn Quốc năm 2016 cao hơn cả tổng GDP cả nước
Mặc dù chính phủ đã tăng chi tiêu công nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuê thêm lao động nhưng chúng không tác dụng mấy. Dự kiến ngân sách năm 2019 của Hàn Quốc sẽ chi thêm 10% và 2/3 số chi sẽ dành cho an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thuê lao động trẻ. Với mức nợ công 45% GDP, Hàn Quốc có thể làm như vậy nhưng mặt trái của chúng là tăng nợ công nhanh chóng. Thêm vào đó mức lương cao đang cản trở các doanh nghiệp nhỏ thuê thêm lao động.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae In đã tuyên bố tự do hóa nền kinh tế, nghĩa là chống các chaebol. Trớ trêu thay, số liệu của chuyên gia Park Sangin thuộc trường đại học quốc gia Seoul cho thấy tổng tài sản của 5 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã tăng từ 41% GDP năm 2001 lên 60% năm 2017. Nói đơn giản, các chaebol hiện còn tăng trưởng nhanh hơn cả toàn nền kinh tế Hàn Quốc dưới thời các lãnh đạo có quan điểm chống họ.
Thậm chí Chủ tịch hội đồng thương mại bình đẳng Hàn Quốc Kim Sang Jo cũng đã phải dịu giọng với những chaebol nước này. Các bài phát biểu của ông gần đây hướng đến sự hợp tác giữa chaebol với các quy định của nhà nước hơn là một cuộc chiến nhằm giải phóng cấu trúc nền kinh tế.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Moon Jae In cũng dang thăm Triều Tiên trong cuộc gặp lịch sử cùng với hàng loạt giám đốc của các chaebol, bởi chỉ những tập đoàn này mới đủ khả năng vươn tầm sang Triều Tiên.
“Từ trước đến nay chính quyền Hàn Quốc cuối cùng luôn phải chịu khuất phục bởi các chaebol. Xem ra lần này Tổng thống Moon Jae In cũng chẳng có gì khác”, Chuyên gia Jun Sung In cay đắng nói.
Tài sản của một số thành viên giàu có trong các gia đình chaebol.