EQ quyết định tới 80% thành công của bạn và đây là 5 cách giúp ngay cả người hướng nội cũng có thể giao tiếp khéo léo, thể hiện cảm xúc một cách thông minh
Ellen Bard là một tác giả thường xuyên có những đóng góp lớn cho trang thinksimplenow.com. Cô mang trên vai trọng trách lan tỏa cảm hứng trong lĩnh vực kinh doanh và các lĩnh vực khác trong đời sống. Và thường thích làm việc với những người nghiêm khắc với bản thân.
Trong bài viết này, Ellen Bard đã chia sẻ cách khiến bản thân, một người hướng nội, có thể giao tiếp một cách khéo léo và thể hiện cảm xúc một cách thông minh:
Bạn đã bao giờ cảm thấy rất tức giận, bị kích động và nói những lời khiến bạn phải hối tiếc sau đó? Cảm thấy bị tổn thương, đến nỗi không thể nói thành lời?
Hay quá chán nản đến nỗi không thể nói một câu mạch lạc? Cố gắng truyền đi thông điệp gì đó quan trọng nhưng lại ấp úng đến tệ hại?
Tôi đã từng như thế. Khi còn niên thiếu, tôi từng là một cô gái trẻ trong lòng đầy bão tố. Hormone đã khiến tôi trượt từ cơn giận dữ đến nỗi tuyệt vọng chỉ trong một nhịp đập của con tim. Tôi phản ứng với tất cả mọi thứ xung quanh như một khẩu súng máy đang tuôn đạn.
Tôi thậm chí luôn mất kiểm soát khi nói chuyện với bạn trai hồi đó của mình về bất kể điều gì quan trọng. Tôi chán chính bản thân mình.
Vì thế, tôi đã học cách khóa cảm xúc của mình lại. Tôi hiếm khi bày tỏ cảm nhận của mình và luôn muốn giữ sự yên bình, đảm bảo mọi người luôn cảm thấy vui vẻ. Nhưng ngoại trừ tôi.
Điều gì đã khiến cảm xúc của bạn bị đè bẹp
Tất nhiên, cảm xúc vẫn luôn còn đó. Tôi đã không học cách bày tỏ cảm xúc theo cách khéo léo nhất cho mình và người khác. Khi tôi cố gắng thể hiện cảm xúc, kết quả rất ngớ ngẩn, không khả thi, không hiệu quả và làm cho tất cả mọi người đều không vui vẻ.
Tôi nghĩ cảm xúc vẫn luôn tồn tại dù mình có chia sẻ hay không. Nhưng tôi không thể thay đổi cách tôi cảm nhận.
Mọi cung bậc cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, khi là một nhà tâm lý học, tôi đã tin rằng mọi người có thể thay đổi. Vậy tại sao không thể thay đổi cảm xúc? Tôi đã khám phá ra đề tài ấy, tự nghiên cứu và chia sẻ với các nhà tâm lý học khác. Tôi lấy chính mình để thử nghiệm trong thời gian nghiên cứu được tiến hành.
Dần dần, tôi bắt đầu chia sẻ cảm xúc thành công, theo cách mà khiến cả tôi và người khác đều cảm thấy vẹn toàn.
1. Làm cho bản thân quen với các tình huống không rõ ràng
Tôi là một người có tư duy logic, giỏi tư duy mô tả hơn là tư duy cảm xúc. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi luôn khó có thể nhận ra các sắc thái cảm xúc tinh tế của chính mình hay của những người khác.
Hiểu được sự khác nhau giữa hai cảm xúc tương tự nhưng lại mang những nét riêng biệt, hay chỉ cần học nhiều từ ngữ diễn tả cảm xúc hơn cũng có thể nâng cao trí thông minh cảm xúc. Điều đó có lợi cho cả công việc và đời sống cá nhân.
Bất cứ khi nào cảm xúc bị khủng hoảng, tôi luôn giúp mình giải quyết bằng một trò chơi trinh thám. Tôi tự mô tả cảm xúc trong lòng mình diễn ra như thế nào, cũng như tự đặt tên cho những cảm xúc ấy.
Tôi cũng ít sử dụng các tình huống cảm xúc cá nhân (như trên phim) để phát hiện và điều tra cảm xúc của người khác.
Hãy cố gắng tìm hiểu về các cung bậc cảm xúc. Hãy tìm kiếm các cảm xúc ở những người khác:
– Hãy hỏi những người bạn yêu thương họ cảm thấy thế nào về một điều gì đó. Hãy lắng nghe cách họ bộc lộ. Sau đó, hãy đặt tên cho các cảm xúc của họ.
– Bày tỏ cảm xúc của chính bạn trong các hoàn cảnh không rõ ràng, không liên quan trực tiếp đến bạn. Ví dụ, chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách, một chương trình truyền hình hay một tình huống công việc nào đó.
2. Thận trọng khi chia sẻ
Văn hóa hiện đại có xu hướng dễ bày tỏ cảm xúc. Khi bị những thông điệp của mạng xã hội hay những lời thú tội của người nổi tiếng thu hút, chúng ta có thể nghĩ rằng mình cần quan tâm những vấn đề đó để có thể bộc lộ con người thật của mình.
Và chúng ta cần phải chia sẻ để trở nên yếu đuối, điều mà giáo sư nghiên cứu sự yếu đuối Brene Brown gọi là “toàn tâm toàn ý”. Nhưng chúng ta cần chia sẻ một cách thích hợp, với những “hàng rào” bảo vệ an toàn.
Giáo sư Brown cho rằng cần phải chuẩn bị “vốn xã hội” trước khi chúng ta chia sẻ bất cứ điều gì. Tất cả chúng ta đã từng nghe những người khác chia sẻ quá nhiều và cảm thấy không mấy thoải mái.
Những người đó chia sẻ nhằm mục đích “đáp ứng nhu cầu chưa được thỏa mãn, gây chú ý hay tham gia vào các hành vi gây sốc hoặc sợ hãi” thường không bày tỏ cảm xúc một cách khéo léo ở đời thực.
Tuy nhiên, khi chúng ta xây dựng một mối quan hệ dựa trên hàng ngàn lần giãi bày tâm sự và sau đó chia sẻ một cách yếu đuối thì mối quan hệ hai chiều đó trở nên mạnh mẽ và bền chặt hơn.
Bản thân tôi có một người bạn thân lâu năm, biết tất cả bí mật của tôi. Khi tôi chia sẻ cảm nhận với cô ấy, mở trái tim lòng mình, phơi bày những chỗ dễ bị tổn thương nhất, tôi biết cô ấy sẽ không bao giờ phán xét. Mối quan hệ của chúng tôi ngày càng sâu đậm và khăng khít, sự giãi bày, sẻ chia giống như nguồn nước nuôi sống một cái cây khỏe mạnh vậy.
3. Biểu cảm lôgic
Tất cả cảm xúc đều có căn cứ, đều là sự phản chiếu cảm nhận của bạn trong một khoảnh khắc nào đó. Nhưng không phải cảm xúc nào cũng xuất phát từ một điểm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe bên trong bạn.
Nghĩ về quá khứ. Tiếp nhận phần tiến hóa nhất của bộ não, tân vỏ não (neocortex: là một phần của bộ não con người, chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức), để vượt qua hệ thống limbic (bộ não cảm xúc) cơ bản và cổ xưa hơn.
Khi bạn cảm thấy mình một xúc cảm mãnh liệt, trước khi bộc lộ, hãy tự hỏi:
– Bạn muốn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
– Hậu quả gì có thể xảy ra khi bạn thể hiện cảm xúc của mình như thế?
Những câu hỏi này sẽ giúp cung cấp viễn cảnh có thể xảy ra dựa trên phản ứng cảm xúc tức thời của bạn. Đây là một công cụ hoán đổi lớn đối với tôi, giúp tôi kiềm chế bản năng lập tức và thận trọng hơn trong phản ứng.
Khi một người làm tôi thất vọng, bản năng của tôi có thể là cố gắng thoát khỏi điều bực mình ấy bằng cách tuôn ra một tràng những lời lẽ có thể làm tổn thương người ấy.
Nhưng bây giờ, tôi luôn nghĩ ra cảnh tượng tiếp theo trong đầu. Tôi tưởng tượng sự đáp trả của đối phương sẽ như thế nào và nhận thấy rằng nếu để cảm xúc ban đầu trỗi dậy thì sẽ chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Thay vào đó, tôi thường cố gợi ra một sự phản hồi có thể đáp ứng cả hai bên, như một cuộc nói chuyện lành mạnh về kỳ vọng và sự chính trực.
4. Sử dụng đúng ngôn ngữ
Bộc lộ cảm xúc hiệu quả không có nghĩa tự biến mình thành nữ hoàng phim kịch. Trò chơi đổ lỗi sẽ xảy ra khi ta nói với người khác những câu như:
– “Bạn làm tôi cảm thấy rất bực mình!”
– “Bạn làm cho người xung quanh rất áp lực!”
– “Bạn làm tôi cảm thấy thực sự khó ưa!”
Ngôn ngữ giống như vậy sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi. Tránh đổ lỗi hay buộc tội. Nói về hành vi chứ không phải con người, nói về việc hành vi đó ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của bạn. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống cho người đối diện trả lời.
Trong một cuộc trò chuyện, hãy biết cách sử dụng ngôn từ thật thông minh để đôi bên cùng vui vẻ.
– Thay vì nói: “Bạn làm tôi rất bực mình!”, hãy nói: “Khi bạn chỉ trích công việc của tôi theo kiểu vậy, tôi thấy rất bực mình”.
– Thay vì nói: “Bạn thiếu tôn trọng và bất lịch sự!”, hãy nói: “Khi bạn đến buổi hẹn muộn mà không nói gì, tôi cảm thấy bạn không quan tâm hay tôn trọng thời gian của tôi”.
– Thay vì nói: “Bạn làm tôi cảm thấy khó ưa!”, hãy nói: “Khi bạn bình luận như thế về trang phục của tôi, tôi thấy không có duyên”.
Thể hiện cảm xúc như thế nào bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn. Sử dụng ngôn ngữ thông minh, hợp lý cho phép bạn làm chủ cảm xúc của mình và lựa chọn linh hoạt cách bộc lộ bản thân chứ không phải là chỉ phản ứng.
5. Cân nhắc hình thức tốt hơn
Tính cách ảnh hưởng đến việc lựa chọn cách thể hiện cảm xúc và cách người khác tiếp nhận thông điệp đó. Nói chuyện trực tiếp thường hiệu quả khi thảo luận các chủ đề khó, vì ít xảy ra các tình huống hiểu sai ý.
Tôi là một người hướng nội, hay trò chuyện với một người bạn, thường là về những chủ đề khó khăn hoặc cá nhân, trong khi đi bộ. Cách này giúp làm tăng thêm không gian theo nghĩa đen và giảm bớt cường độ tương tác giữa hai người.
Người hướng nội cần đảm bảo những chia sẻ của họ luôn được lắng nghe. Người hướng ngoại cần tạo ra không gian cho người khác tham gia vào cuộc trò chuyện, không sợ sự im lặng.
Người hướng nội muốn có thời gian để xử lý thông tin và cân nhắc câu trả lời. Hai người hướng nội muốn trao đổi về một ý kiến khó khăn có thể thử dùng một hình thức viết ngắn gọn.
Bạn chỉ có thể thay đổi chính mình
Cho dù bạn điều khiển cảm xúc của mình giỏi đến mức nào, bạn cũng không thể buộc người khác phản ứng theo cách bạn muốn.
Tất cả những gì bạn có thế làm là thể hiện hành vi của họ tác động như thế nào đến bạn. Cách họ lựa chọn dùng thông tin đó và phản hồi là phụ thuộc vào họ.
Đây là một bài học quan trọng đối với tôi. Tôi học được rằng ngay cả khi tôi thể hiện bản thân theo cách tốt nhất, người khác vẫn có thể không ở yên đó để lắng nghe, hay quan tâm.
Khi bắt đầu một cuộc trò chuyện với tham vọng và quyết tâm có thể thay đổi quan điểm của người khác, tôi không thể thành công.
Tách bản thân khỏi kết quả thể hiện cảm xúc càng nhiều càng tốt, bất kể bạn điều khiển cảm xúc tốt như thế nào.
Tập trung vào việc chính trực với bản thân mình, chứ không phải là tập trung đi thuyết phục người khác công nhận bạn đúng. Bạn có quyền kiểm soát chính mình chứ không phải người khác.
Bày tỏ cảm xúc có lợi cho mọi điều tốt đẹp hơn
Nếu bạn chia sẻ cảm nhận với người khác, bạn có thể tạo ra những mối quan hệ có ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn với mọi người.
Thể hiện cảm xúc tốt làm tăng sự đồng cảm của những người khác đối với bản thân, giúp bạn dễ chấp nhận và xử lý cảm xúc của mình.
Bất cứ khi nào bạn nói về cảm xúc của mình, hãy cố gắng thể hiện chúng theo cách khiến cả hai bên đều thoải mái. Bạn sẽ trưởng thành hơn, trong một mối quan hệ sẽ mạnh mẽ hơn dù có gặp phải những quãng thời gian đầy thử thách.
– Giao thiệp tử tế.
– Biểu lộ cảm xúc có khéo léo.
– Nói về cảm xúc của mình với ai đó thật nhẹ nhàng.
Chỉ đơn giản như vậy cũng đủ làm cho một góc nhỏ của thế giới thêm tươi đẹp hơn, đủ để làm cho bạn và người đối diện thêm tỏa sáng hơn.