Có thể là, bạn chán thật, vì bạn cảm thấy không còn muốn gắn bó với sếp, với đồng nghiệp, với công ty này nữa, vì bạn cảm thấy mình khá cũ kĩ ở nơi này. Hmm, vậy thì lời khuyên dành cho bạn là nhảy việc đi!
“Dạo này, tôi chẳng muốn đi làm.”
“Dạo này, đi làm như bị bắt ép vậy, chẳng còn niềm vui.”
“Dạo này, cứ nghĩ đến lúc tỉnh dậy rồi lại cuống cuồng đi làm là thấy mệt hết cả người.”
Chắc hẳn, bạn, một nhân viên công sở bình thường, đã phải nghe rất nhiều những câu này từ đám bạn của mình, hay là từ một người thân trong gia đình của mình. Và thậm chí, chính bạn cũng đã từng là người thốt ra những lời này khá nhiều lần đấy, nhưng lại chẳng hề đếm xem mình đã từng nói bao nhiêu lần, nói với ai, nói ở đâu mà thôi.
Có thể là, bạn chán thật, vì bạn cảm thấy không còn muốn gắn bó với sếp, với đồng nghiệp, với công ty này nữa, vì bạn cảm thấy mình khá cũ kĩ ở nơi này. Hmm, vậy thì lời khuyên dành cho bạn là nhảy việc đi!
Còn với những nhân viên công sở hay mắc chứng chán đi làm kèm theo những triệu chứng của Blue Monday (Thứ 2 buồn chán) và TGIF (Ơn Chúa thứ 6 đến rồi) còn sót lại, thì hẳn là bệnh cố định của một số người đi làm đã có thâm niên. Tuần nào cũng như tuần nào, thứ 6 đến thực sự là một niềm vui khôn tả xiết và khi tuần mới bắt đầu, thứ 2 phải dậy sớm đi làm chẳng khác gì một bao tải nặng đè lên vai.
Nào là chuông đồng hồ 6h30, chuông đồng hồ 6h35, chuông đồng hồ 6h45, nào là hôm nay mặc gì, nào là hôm nay ăn gì, rồi lại nghĩ đến công việc, 12h là deadline việc này, còn việc kia 14h cần trả gấp… Tuần mới mà chẳng mới chút nào!
Có thể, đối với nhiều người, tuần nào cũng chán như thế và đoán ai cũng như mình nên chán đi làm là chứng bệnh rất bình thường. Nhưng, bạn nhầm rồi, lắm lúc hội chứng này là tác nhân không hề nhỏ gây cản trở sự nghiệp đấy.
Khi mới nhận việc, bạn háo hức lắm. “Chà, cuối cùng, mình đã tìm được việc mong ước bao lâu nay!”, thế nhưng, dần dà tiếp xúc với một khối lượng lớn công việc mỗi ngày, phải làm việc với hằng trăm kiểu người. Bạn phát chán!
Chán-đi-làm thì có nhiều loại chán, nhưng để tóm gọn lại thì sẽ có 3 kiểu đặc trưng:
Có vẻ như tôi không còn thuộc về nơi này
Tức là, bản thân bạn không cảm thấy muốn gắn bó với nơi làm việc nữa. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy mình bị lạc lõng ở tận ốc đảo xa xôi nào đó ngay chính nơi làm việc gắn với mình bao ngày tháng.
Cũng không hẳn là bị sếp trách mắng hay bị đồng nghiệp bỏ rơi, chỉ là bạn thấy mình đang bị buộc phải làm việc dưới sức ép của một phương châm quá công thức, nguyên tắc và cứng nhắc. Như vậy là kết nối giữa bạn và công việc ngày càng lỏng lẻo, vai trò của bạn với môi trường làm việc và phong cách quản lý đã có xu hướng lệch nhịp.
Có vẻ như tôi không còn có giá trị gì ở đây nữa
Để xem nào, “bệnh” này khá nặng đấy. Kiểu chán nản này là kết quả của việc sử dụng và phân công công việc không hiệu quả. Trong những tình huống xấu nhất, bạn có thể hoàn toàn bị lu mờ, thậm chí trở thành người-vô-hình bởi tài năng, kỹ năng và khả năng của bạn không được nhìn nhận và khai thác đúng mức. Nói chính xác hơn là bạn bị đánh giá sai một cách thậm tệ. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy ức chế, khó chịu rồi đâm chán nản, không muốn đi làm.
Có vẻ như ở đây tôi không còn có nhiều không gian để thở
Ở tình huống này, bạn đang thấy mình không có nhiều cơ hội học tập và phát triển. Trong thời đại công nghệ và thông tin phát triển mạnh như hiện nay, các chuyên gia nhận định trong một lĩnh vực, nhân viên luôn cần các cơ hội để học hỏi điều mới, tiếp tục trưởng thành và tạo nên tầm ảnh hưởng. Một khi đã cảm thấy mình không có đủ không gian để nâng cao và mở rộng các kỹ năng thì bạn cảm thấy chán là đương nhiên!
Đây là căn bệnh mà chắc chắn những người đi làm và đã từng đi làm chắc hẳn đã trải qua ít nhất 1 lần. Thực tế khắc nghiệt nhưng không có nghĩa là cứ mặc kệ khắc nghiệt, mắc bệnh thì tất nhiên sẽ có thuốc chữa!
– Trước tiên, dẹp ngay những suy nghĩ chán chường, gây “tụt mood”. Thay vì thế, hãy động viên bản thân bằng những câu nói vui. Theo định luật hấp dẫn, nếu cứ suy nghĩ mãi đến một điều gì thì nó càng sẽ dễ xảy ra, và một khi bạn liên tục tập trung nghĩ về điều đó thì khả năng rất cao là bạn tin và làm đúng nhu vậy.
– Ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày, có thể bạn nghĩ nó hơi thừa thãi và vô ích. Nhưng không, ghi lại để bạn biết trong ngày hôm nay đã xảy ra những chuyện gì, tốt hay xấu để kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
– Nếu cảm thấy mệt quá, chán quá thì cứ mạnh dạn xin phép nghỉ một hôm. Hơn nữa, để tăng tinh thần sau mỗi ngày làm việc, bạn nên tập luyện một môn thể thao nào đó, vừa khỏe thể chất vừa khỏe tinh thần.
– Trích ra một khoản nhỏ để đầu tư cho mục tiêu cân bằng cuộc sống, thỉnh thoảng “tiêu hoang” một chút cho sở thích cá nhân cũng chẳng sao, đi du lịch, mua quà tặng bản thân, đi làm đẹp…
Chán-đi-làm, bệnh chẳng của riêng ai nhưng ai biết cách đề phòng và chữa trị chắc hẳn sẽ có những bước tiến đáng khen trong sự nghiệp!
V.D
Theo Trí Thức Trẻ