Đối với một số người, điều này có nghĩa là phải chấp nhận với rủi ro lớn, ngay cả khi ở độ tuổi 30 trở lên. Họ chấp nhận bỏ công việc mà họ đã bỏ ra cả chục năm để xây dựng và trở thành thói quen.
Vài tuần trước, tôi tròn 30 tuổi. Trong ngày sinh nhật, tôi định viết một bài về những điều tôi đã học được từ độ tuổi 20 của mình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình nên làm điều gì đó khác đi. Tôi lên kế hoạch gửi một email tới các địa chỉ có người dùng từ 37 tuổi trở lên và xin lời khuyên của họ cho bản thân mình ở độ tuổi 30. Tôi sẽ tổng hợp ý kiến của nhiều người và viết thành bài dựa trên quan điểm chung của họ.
Kết quả khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi đã nhận được hơn 600 phản hồi và rất nhiều trong số đó có bài chia sẻ dài hơn một trang. Tôi đã mất nguyên ba ngày để đọc hết số email này và vô cùng ngạc nhiên vì những người trả lời có cái nhìn rất sâu sắc.
Dưới đây là 10 nội dung phổ biến nhất xuất hiện trong 600 email mà tôi đã nhận được:
1. Hãy bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu ngay bây giờ
Đây là phần thông tin phổ biến nhất trong các email mà hầu như mọi người đều nhắc tới, đó là quản lý tài chính của bạn và bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu ngay hôm nay.
Chia sẻ của ông Kash, 41 tuổi: “Ở độ tuổi 20, tôi đã tiêu tiền một cách liều lĩnh và vô nghĩa. Nhưng ngoài 30 tuổi, bạn nên chú trọng vào tình hình tài chính của mình, đặc biệt kế hoạch nghỉ hưu không được xem thường. Bạn nên tìm hiểu những vấn đề vốn rất nhàm chán như bảo hiểm, 401ks (quỹ hưu trí tư nhân) và thế chấp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến bạn ngay từ bây giờ”.
Có một vài lời khuyên khác như:
– Hãy coi đây là thời điểm tốt để thanh toán hết nợ càng sớm càng tốt.
– Nên tạo ra một “quỹ khẩn cấp”. (Đã có hàng nghìn câu chuyện đau thương về những người cạn kiệt tài chính do các vấn đề sức khỏe, kiện tụng, ly hôn, các giao dịch kinh doanh thất bại,…).
– Dành một phần tiền lương cho các quỹ hưu trí tư nhân (401ks), tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) hoặc ít nhất là một tài khoản tiết kiệm.
– Đừng tiêu pha lãng phí. Không nên mua nhà trừ khi bạn có thể thế chấp với mức giá tốt.
– Đừng đầu tư vào bất cứ thứ gì bạn không hiểu. Không được quá tin tưởng vào các nhà môi giới chứng khoán.
Một độc giả bày tỏ: “Nếu số tiền bạn nợ nhiều hơn 10% tổng tiền lương hàng năm thì đây là một báo động đỏ. Hãy thoát khỏi nợ nần và bắt đầu tiết kiệm”.
Một số người có những bài học xương máu khi không để dành tiền tiết kiệm ở độ tuổi 30. Độc giả có tên Jodi ước rằng bà đã bắt đầu tiết kiệm 10% số tiền lương của mình khi 30 tuổi. Sự nghiệp của cô bất ngờ xuống dốc và hiện tại cô đang “mắc kẹt” ở tuổi 57 khi sống qua ngày chỉ bằng tiền lương ít ỏi hàng tháng.
Một người phụ nữ 62 tuổi không có kế hoạch cho tương lai vì chồng bà hoàn toàn có thể nuôi được cả gia đình. Sau đó, họ ly dị, rồi bà gặp phải những vấn đề sức khỏe và dùng hết số tiền đền bù trong vụ ly hôn. Câu chuyện của một người đàn ông khác cũng tương tự, đó là ông phải sống nhờ tiền hỗ trợ của con trai sau khi bất ngờ mất việc trong vụ tai nạn năm 2008.
Điều quan trọng rút ra sau những bài học đó là tiết kiệm sớm và tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Một phụ nữ gửi email cho tôi nói rằng cô ấy đã làm việc với mức lương thấp và phải nuôi hai đứa trẻ trong độ tuổi 30. Tuy nhiên, cô ấy vẫn quản lý tiền tốt và gửi vào quỹ hưu trí mỗi năm. Bởi vì cô bắt đầu sớm và đầu tư khôn ngoan, nên hiện tại cô ấy đã ở độ tuổi 50 và vẫn ổn định về tài chính. Do vậy, không gì là không thể, dù bạn là ai, có mức lương như thế nào.
2. Chăm sóc sức khỏe ngay bây giờ
“Phải 10 đến 15 năm sau bạn mới có thể cảm nhận được sự lão hóa do dấu hiệu của tuổi tác. Sức khỏe của bạn giảm sút nhanh chóng nhưng sẽ rất khó nhận ra, hoặc là bạn không muốn chấp nhận sự thật”, độc giả có tên Tom, 55 tuổi cảm nhận.
Chúng ta đều biết cách để chăm sóc sức khoẻ của mình. Chúng ta đều biết ăn thức ăn có lợi, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhiều hơn… Nhưng cũng giống như những khoản tiết kiệm hưu trí, rất nhiều người đã đồng tình và nhấn mạnh rằng hãy chăm sóc sức khỏe ngay từ bây giờ. Sức khỏe bị giảm sút không chỉ trong một năm mà nó tích tụ dần qua năm tháng khiến bạn không nhận ra. Đây là thập kỷ để làm chậm sự suy giảm đó.
Lời khuyên này không phải xuất phát từ những lý thuyết suông mà từ email của những người đã sống sót sau cơn đau tim, đột qụy, những người mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề về huyết áp, khớp và đau mãn tính.
Họ đều nói chung một điều: “Nếu có thể quay trở lại, tôi sẽ bắt đầu ăn uống tốt hơn, tập thể dục thường xuyên và tôi sẽ không dừng lại. Bây giờ tôi đang sửa sai nhưng có vẻ nó không có quá nhiều tác dụng”.
3. Đừng phí thời gian cho những người không đối xử tốt với bạn
“Hãy học cách nói “không” với những người, những công việc không mang lại giá trị cho bạn”. (Hayley, 37 tuổi)
Sau những lời khuyên liên quan đến tài chính và sức khỏe, phần thông tin phổ biến tiếp theo là: họ muốn quay trở lại để thực hiện những ranh giới lớn hơn trong cuộc sống của mình và dành thời gian cho những người tốt hơn.
Điều đó có nghĩa là gì?
“Đừng bao dung với những người không đối xử tốt với bạn. Đừng tha thứ cho họ vì lý do tài chính, tình cảm, vì lũ trẻ hay vì bất cứ thứ gì khác”. (Jane, 52 tuổi)
“Đừng tốn thời gian cho những mối quan hệ bạn bè, tình yêu tầm thường”. (Sean, 43 tuổi)
“Chỉ hẹn hò với những người khiến bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, mang lại cho bạn những điều tuyệt vời nhất, yêu bạn và chấp nhận được con người bạn”, theo độc giả Xochie.
Mọi người thường phải “vật lộn” với những ranh giới bởi vì họ không nỡ làm tổn thương người khác, hoặc họ hy vọng có thể thay đổi người khác theo cách họ muốn. Và trên thực tế, nó thường làm họ tồi tệ hơn. Như chia sẻ rất hay của một độc giả: “Ích kỷ và ích lợi là hai điều khác nhau. Đôi khi bạn phải tàn nhẫn để trở nên tốt hơn”.
Khi chúng ta ở độ tuổi 20, kinh nghiệm còn non nớt và cần phải giữ nhiều mối quan hệ để phát triển, thậm chí ngay cả khi họ không giúp chúng ta bất cứ điều gì. Nhưng ở độ tuổi 30, chúng ta đã biết rằng, những mối quan hệ đẹp rất hiếm có, và không có lý do gì để lãng phí thời gian cho những người không giúp chúng ta trên đường đời.
4. Đối xử tốt với những người bạn quan tâm
Ngược lại với ý trên, nhiều độc giả khuyên chúng ta nên dành thời gian cho những người bạn thân thiết và gia đình của mình.
“Tôi nghĩ, tôi nên dành thời gian quan tâm đến những người bạn tốt, để khi họ mất đi, chúng ta không cảm thấy hối tiếc”. (Ed, 45 tuổi)
“Trân trọng những người thân thiết của bạn. Bạn có thể có việc làm hay rất nhiều tiền nhưng bạn không bao giờ có thể quay ngược thời gian”. (Anne, 41 tuổi)
“Bi kịch có thể xảy ra với bạn bè, gia đình của bạn bất cứ lúc nào. Hãy là người khiến họ cảm thấy tin cậy khi điều đó xảy ra. Tôi thấy rằng, ở độ tuổi 30, 40 là khoảng thời gian bạn sẽ gặp rất nhiều điều kinh khủng mà bạn không bao giờ nghĩ sẽ xảy ra với bạn hoặc những người thân yêu của bạn. Cha/mẹ, vợ/chồng mất, sinh em bé, bạn bè ly dị, vợ chồng lừa dối… còn vô vàn lý do khác. Hãy giúp đỡ ai đó vượt qua thời điểm này bằng cách ở đó lắng nghe và không đánh giá sẽ là cách tốt nhất để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của bạn”. (Rebecca, 40 tuổi)
5. Bạn không thể có mọi thứ. Hay tập trung làm ít nhưng tốt nhất có thể
“Mọi thứ trong cuộc sống đều phải được cân bằng. Bạn phải từ bỏ một thứ để có thứ khác và bạn không thế có được tất cả. Hãy chấp nhận điều đó”. (Eldri, 60 tuổi)
Ông Ericson, 49 tuổi viết: “Ở độ tuổi 20, chúng ta có rất nhiều ước mơ và hoài bão. Chúng ta tin rằng mình là người giàu có về mặt thời gian nhất. Bản thân tôi cũng từng có ảo mộng rằng trang web của tôi sẽ là công việc đầu tiên trong rất nhiều công việc khác sau này của tôi. Nhưng tôi không lường trước rằng phải mất gần một thập kỷ, tôi mới có thể hoàn thiện được nó. Và hiện tại, tôi là người có đủ trình độ và tôi yêu thích công việc này. Tại sao tôi phải bỏ gần 10 năm để được như bây giờ?
Chỉ một từ thôi: “tập trung”. Bạn chỉ có thể đạt được thành công nếu bạn tập trung vào một điều và làm nó thực sự tốt”.
Một vài độc giả lưu ý rằng, hầu hết mọi người chọn nghề nghiệp ở lứa tuổi thiếu niên hoặc ngoài 20. Nhưng đối với nhiều người đã trải qua quãng thời gian này, họ thường cảm thấy đó là lựa chọn sai lầm. Phải mất nhiều năm để tìm ra những điều chúng ta thực sự giỏi và yêu thích. Tốt hơn hết là tập trung vào thế mạnh của mình và phát huy tối đa nó thay vì tốn thời gian vô ích vào những công việc nhàm chán.
Đối với một số người, điều này có nghĩa là phải chấp nhận với rủi ro lớn, ngay cả khi ở độ tuổi 30 trở lên. Họ chấp nhận bỏ công việc mà họ đã bỏ ra cả chục năm để xây dựng và trở thành thói quen.
Theo Việt Hà
Trí thức trẻ/Markmanson.net