Việt Nam trở thành cường quốc “nhậu” với 4 tỷ lít bia được sản xuất trong năm 2017

0
727

Đến năm 2035, đặt mục tiêu sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 50%); 15,2 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.

Theo Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, năm 2016, các sản xuất bia trong nước sản xuất gần 3,8 tỉ lít, bằng 85,6% kế hoạch đặt ra.

Nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% của năm 2017, dự kiến tổng lượng bia sản xuất đạt mức xấp xỉ 4 tỉ lít trong năm nay.

Hiện Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn là doanh nghiệp có sản lượng bia sản xuất lớn nhất hiện nay, với hơn 1,6 tỉ lít bia các loại trong năm 2016.

Riêng Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, sau khi mua lại một số nhà máy sản xuất bia của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, vươn lên vị trí thứ hai với sản lượng sản xuất xấp xỉ hơn 1,1 tỉ lít.

Theo ông Lê Văn Được – Đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết, ngành bia rượu trong những năm qua phát triển theo đúng quy hoạch của Nhà nước.

Quy hoạch khủng

Trước đó, hồi tháng 9/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/9/2016 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Cụ thể, đến năm 2020, cả nước sẽ sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 35%); 6,8 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD.

Năm 2025, sản lượng bia sẽ tăng lên 4,6 tỷ lít, rượu vẫn ở mức 350 triệu lít (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 40%); 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 50%); 15,2 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.

Giá trị sản xuất của ngành đến các năm 2020, 2025 và 2035 lần lượt đạt: 90.500 tỷ đồng, 113.540 tỷ đồng và 167.920 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của toàn ngành bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8 %/năm; giai đoạn 2021 – 2025 là 4,6 %/năm và giai đoạn 2026-2035 là 4,0%/năm.

Cũng theo bản quy hoạch này, sản xuất rượu sẽ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Cửu Long. Vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung sẽ phát triển các loại vang, rượu hoa quả.

Các vùng còn lại chủ yếu là rượu trắng và rượu pha chế, kết hợp với tinh chế các sản phẩm rượu làng nghề truyền thống địa phương. Sản xuất nước giải khát sẽ được quy hoạch tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Hệ lụy

Trong khi đó, theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1/2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân.

Với lượng sử dụng tăng nhanh chóng, nước ta trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau , và nằm trong top 25 của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng cảnh báo: ”Dù nước ta mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỉ lệ dùng rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia”.

Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình. Trong số đó tỉ lệ nam giới dùng bia rượu ở mức độ có hại cũng tăng chóng mặt từ 25% lên trên 44% sau 5 năm.

Đặc biệt, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.

BÌNH LUẬN