Với sự chăm chút đúng mức cho kịch bản, lối diễn xuất ngày càng chắc tay, đầu tư mạnh vào hình ảnh và có chiến lược quảng bá khôn ngoan, phim Việt dần tháo được những cái mác tiêu cực như “diễn chán như kịch” hay nội dung ngô nghê để đến gần hơn với công chúng yêu môn nghệ thuật thứ bảy nước nhà.
1. Cô Ba Sài Gòn (60 tỉ)
Với con số 60 tỉ đồng, doanh thu được cho là thấp hơn nhiều so với kì vọng của Ngô Thanh Vân khi đầu tư cho bộ phim này. Theo nhà sản xuất phim, so với Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì số lượng vé bán ra của Cô Ba Sài Gòn năm nay gần như gấp đôi. Tuy nhiên, doanh thu của bộ phim chỉ xấp xỉ trên 60 tỉ đồng, trong khi Tấm Cám mang về gần 70 tỉ.
Ngay khi vừa ra rạp được ít ngày, Cô Ba Sài Gòn đã bị tung lên mạng trái phép. Đây được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh thu bộ phim.
2. Nắng (60 tỉ)
Phim là câu chuyện cảm động về hai mẹ con: bé Nắng (Kim Thư đóng) và mẹ Mưa (Thu Trang). Mẹ Mưa là người thiểu năng, khó khăn lắm mới nói được tròn vành rõ chữ nhưng lại có một cô con gái bé bỏng lanh lợi. Cả hai sống dựa vào nhau trong một căn nhà hoang bên sông, hằng ngày bán vé số và lượm ve chai để kiếm tiền mưu sinh.
Bỗng một ngày tai họa từ trên trời ập xuống khi mẹ Mưa bị kẻ xấu đổ tội tang trữ và buôn bán ma túy, phải đối mặt với bản án tử hình. Liệu phép màu nào sẽ đến với hai mẹ con tội nghiệp để họ được đoàn tụ bên nhau?
Khi theo dõi trailer, nhiều người cho rằng nội dung của Nắng có phần giống với Điều kì diệu ở phòng giam số 7 – bộ phim ăn khách hàng đầu của điện ảnh Hàn năm 2013, từng lấy đi nước mắt biết bao khán giả trên toàn châu Á. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành phẩm cuối cùng của đạo diễn Hồng Đăng Giao thì phỏng đoán đó theo nhiều người chưa hẳn chính xác. Với những thước phim sắc nét, giàu cảm xúc cùng một cốt truyện đủ hài hước, đủ sâu sắc và đủ nhân văn, Nắng có quyền tự hào về cơn mưa lời khen từ khán giả cũng như doanh thu 60 tỉ đồng thu về.
3. Nhà có 5 nàng tiên (61 tỉ)
Nhà có 5 nàng tiên xoay quanh câu chuyện của hai vợ chồng nghèo Trần Tiên Cảnh và Mai Nhỏ Nhẹ (Hoài Linh, Việt Hương thủ vai) làm nghề lượm ve chai. Dù luôn mong mỏi có một đứa con nhưng rồi cuối cùng họ lại có đến 5 cô công chúa mà chẳng cô nào do họ sinh ra.
Dù nghèo khó nhưng vợ chồng Trần Tiên Cảnh và Mai Nhỏ Nhẹ vẫn nuôi dạy những đứa con thành tài, có cô theo nghiệp của cha mẹ, có cô làm ca sĩ, có người lại theo nghiệp kinh doanh. Chuyện phim dẫn đến cao trào khi mẹ ruột của cô con gái út quay về và một mực đòi nhận lại con gái nhưng ẩn đằng sau tình thương con ấy là một âm mưu đen tối…
4. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (67 tỉ đồng)
Là bộ phim điện ảnh tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất năm 2016, Tấm Cám: Chuyện chưa kể lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích quen thuộc nhưng khai thác dưới góc độ kì ảo. Vẫn là nàng Tấm hiền lành bị mẹ con Cám hãm hại, nhưng mạch phim bùng nổ hơn với vai trò của Thái tử và những bí ẩn trong vương triều.
Được đầu tư với kinh phí “khủng” xấp xỉ 22 tỉ đồng, trang phục rực rỡ cùng bối cảnh khá hoành tráng, xa hoa – Tấm Cám: Chuyện chưa kể xứng đáng là bom tấn điện ảnh của làng phim Việt trong những năm qua .
5. Chàng trai năm ấy (70 tỉ)
Trong phim, Sơn Tùng M-TP vào vai chính ca sĩ Đình Phong, cũng chính là hiện thân của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Đình Phong là một chàng trai có đam mê ca hát mãnh liệt, ước mơ của anh là có một liveshow riêng cho mình. Bên cạnh Đình Phong là những người bạn vui tính: Ngô Kiến Hà (Ngô Kiến Huy) tinh nghịch, Phạm Quỳnh Băng (Phạm Quỳnh Anh) “bà chị già”, cô bạn gái Sky (Hari Won) và chàng quản lí Lâm (Hứa Vĩ Văn) không thích gì chỉ thích tiền.
Chàng trai năm ấy không chỉ là một bộ phim về thanh xuân thông thường mà còn là câu chuyện về khát khao âm nhạc của những người trẻ hết mình, hết lòng vì lí tưởng của bản thân nhưng rồi cũng không thể chống lại số phận.
6. Cô gái đến từ hôm qua (70 tỉ)
Bộ phim về tuổi học trò của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng là một tác phẩm điện ảnh Việt được trông đợi trong năm 2017. Với sự tham gia của Miu Lê, Ngô Kiến Huy, June (365) và chuyện phim dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cô gái đến từ hôm qua đã được khán giả “ngóng” từ khi mới công bố dự án.
Sau 3 tuần ra rạp, bộ phim đạt doanh thu 65 tỉ đồng, doanh thu cuối cùng của phim đạt 70 tỉ. Tuy không thể làm nên điều bất ngờ như tác phẩm Em là bà nội của anh mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã làm được trước đó, đây vẫn là một sản phẩm chỉn chu của điện ảnh Việt.
7. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (77 tỉ)
Cũng là một tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỉ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980.
Bộ phim được coi là một hiện tượng về doanh thu phòng vé ở Việt Nam, thu hút rất đông khán giả. Chỉ sau hai tuần công chiếu, bộ phim thu hút 850.000 lượt khán giả và mang về 59,48 tỉ đồng.
Lí giải về việc phim được đón nhận nồng nhiệt, đại diện nhà sản xuất và đơn vị phát hành cho rằng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công khi chạm được đến cảm xúc khán giả. Trong đoạn video ngắn ghi lại những phản ứng của khán giả tại rạp, có người đã rơm rớm nước mắt, có người thổn thức và bật khóc khi bất chợt gặp lại hình ảnh chính mình của ngày xưa. Bên cạnh đó, cũng có những tiếng cười sảng khoái trước các tình huống đáng yêu, ngô nghê của những đứa trẻ. Có thể nói, lâu lắm rồi mới có một bộ phim chạm vào được trái tim của khán giả nhiều đến vậy.
8. Tèo Em (80 tỉ)
Nói tới phim điện ảnh hài hành trình – tình huống Việt Nam, chắc chắn cái tên đầu tiên người ta nhắc đến chính là “Tèo Em”. Là cuộc hội ngộ giữa những cái tên đã quá nổi tiếng: đạo diễn Charlie Nguyễn, bộ đôi Johny Trí Nguyễn – Thái Hòa, “Tèo Em” trở thành hiện tượng phim Việt suốt một thời gian dài.
Câu chuyện bắt đầu khi Tí (Johny Trí Nguyễn) tới tiệm sửa xe hơi và gặp người em trai nuôi khờ khạo là Tèo (Thái Hòa). Vì là người thành đạt, Tí không thích phải tiếp xúc cùng Tèo, nhưng trớ trêu thay, Tí lại phải nhờ Tèo chở về Sa Đéc bằng chiếc xe hơi cũ mèm, trước khi người yêu của anh – Minh Minh (Ninh Dương Lan Ngọc) lên xe hoa cùng người khác. Suốt dọc đường với những tình huống trời ơi đất hỡi, Tí và Tèo dần xóa mờ được khoảng cách quan hệ bấy lâu này, nhờ đó, cả hai anh em đã tới được Sa Đéc và Tí đã hóa giải mọi hiểu lầm với bạn gái.
Cũng là hài có phần lố, nhưng “Tèo Em” không hề khiến khán giả phản cảm hay khó chịu, mà ngược lại, có những người đi xem phim này đến vài lần và đóng góp vào doanh thu 80 tỉ, bởi phim còn mang tới cả thông điệp về tình yêu và gia đình.
9. Quả tim máu (85 tỉ)
Đây là bộ phim kinh dị hiếm hoi có doanh thu phòng vé khủng. Dựa trên nguyên tác vở kịch cùng tên, Quả Tim Máu đã được dàn dựng lại trên phiên bản điện ảnh với nhiều bất ngờ, kịch tính mang đậm nét Victor Vũ, một Quả Tim Máu mới lạ so với những gì khán giả đã được thưởng thức trên sân khấu kịch.
Phim là câu truyện kể về Linh (Nhã Phương), một phụ nữ trẻ vừa trải qua ca phẫu thuật thay tim để cứu lấy mạng sống của cô trong gang tấc. Không ai biết về nguồn gốc của quả tim được trao cho Linh, chỉ đến khi nó sống dậy và báo thù…
Những cơn mộng du dai dẳng đã đưa Linh đến với gia đình Phương (Tú Vi), ân nhân hiến tim của cô. Chính nó cũng đã bắt đầu những ám ảnh, những hãi hùng liên tiếp xảy đến cho gia đình Linh, buộc cô phải lên đường tìm hiểu câu chuyện về những cơn mộng mị, về bí ẩn nằm sâu dưới ngôi nhà hoang. Cuộc hành trình đã đưa cô đi từ bất ngờ này đến kinh ngạc khác, có khi phải mạo hiểm cả sinh mạng của mình để tìm ra sự thật.
10. Để Mai tính 2 (101 tỉ)
Để Mai Tính 2 là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt cán mốc trên 100 tỉ đồng, nắm trong tay hàng loạt những kỉ lục về số lượng suất chiếu, doanh thu ngày đầu và tuần đầu cao nhất,…
Từ nhân vật phụ trở thành nhân vật chính, “Để Mai Tính 2” tập trung vào Phạm Hương Hội (Thái Hòa), tức “Chị” Hội. Giờ đây Hội trở thành một doanh nhân thành đạt, trở về Việt Nam để xây dựng khi trung tâm mua sắm. Lần trở về này, Hội rung động trước họa sĩ Nam (Quang Sự), nhưng trong lòng lại có tình cảm với nữ quản lí Thư Lê (Diễm My 9x). Cùng lúc này, biến cố xảy ra khiến tài sản của Hội bị đóng băng, vì thế Hội chỉ còn cách chọn giữa tình cảm và tiền tài.
Dù đạt doanh thu hơn 100 tỉ, khán giả phải gật đầu công nhận với khả năng hóa thân kì tài của Thái Hòa, nhưng bộ phim bị cộng đồng LGBT phản đối khá gay gắt vì cho rằng phim đã mang hình ảnh người chuyển giới ra để chọc cười, mua vui.
11. Em là bà nội của anh (102 tỉ)
Chịu sức ép từ hai phiên bản rất thành công – “Miss Granny” (Hàn Quốc) và “Back To 20” (Trung Quốc), những tưởng “Em Là Bà Nội Của Anh” cũng như những phim Việt chuyển thể khác, sẽ chẳng thể làm nên cơm cháo gì, nhưng không, đây lại là phim Việt có doanh thu cao thứ nhì Việt Nam. Bộ phim này được xem như một phép màu với đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh và nữ diễn viên Miu Lê. Bởi tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã xô đổ kỉ lục của hàng loạt phim Việt Nam khác đã nắm giữ từ rất lâu, trước khi bị Em chưa 18 soán ngôi.
Xoay quanh câu chuyện của bà Đại (NSUT Minh Đức) – một bà già khó tính đang bế tắc trong mối quan hệ với con dâu, gia đình và bạn bè xung quanh. Trong một lần vô tình chụp ảnh, bà có dịp quay lại tuổi 20, trở thành cô gái Thanh Nga (Miu Lê) xinh đẹp. Bà một lần nữa tận hưởng tuổi trẻ, sống với âm nhạc bằng cách trở thành giọng ca chính trong ban nhạc của Tùng (Ngô Kiến Huy) – cháu trai bà, gặp gỡ Đức (Hứa Vĩ Văn) – nhà sản xuất âm nhạc, và che giấu thân phận bằng sự giúp sức của ông Bê (NSUT Thanh Nam) – người thương bà từ lâu.
Bằng nét hài hước duyên dáng, câu chuyện nhẹ nhàng, ý nghĩa về tình yêu, gia đình, “Em Là Bà Nội Của Anh” vừa mang tới nụ cười lẫn nước mắt cho những mọt phim Việt.
12. Em chưa 18 (169 tỉ)
Không hề có những cái tên nổi tiếng nhưng Em chưa 18 đã tạo ra một hiệu ứng truyền miệng vô cùng tốt với khán giả. Chỉ sau 9 ngày công chiếu, phim đã xác lập kỉ lục phòng vé với doanh thu là 115 tỉ, soán ngôi Em là bà nội của anh để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Những lời khen dành cho bộ phim lan rộng khiến số tiền thu được từ bộ phim cũng không ngừng tăng lên.
Phim được đạo diễn Lê Thanh Sơn xử lí hiện đại, mang đậm phong cách Mỹ. Câu chuyện tình yêu trong phim cũng đơn giản nhưng vô cùng đáng yêu. Cô bé “chưa 18” Linh Đan (Kaity Nguyễn) đã tìm cách gài bẫy anh chàng play boy Hoàng (Kiều Minh Tuấn) để bắt anh giả làm bạn trai của mình, nhằm “dằn mặt” cậu bạn trai cũ Tony (Will). Để rồi sau những lần tiếp xúc, cả hai đã có những rung động về nhau, bỏ mặc khoảng cách tuổi tác.
Với sự chăm chút đúng mức cho kịch bản, lối diễn xuất ngày càng chắc tay, đầu tư mạnh vào hình ảnh và có chiến lược quảng bá khôn ngoan, phim Việt dần tháo được những cái mác tiêu cực như “diễn chán như kịch” hay nội dung ngô nghê để đến gần hơn với công chúng yêu môn nghệ thuật thứ bảy nước nhà.