Sự thật về cuộc đời đại gia 1 thời ở đất Long Biên giờ phải địu con đi nhặt rác

0
1751

Bản thân tôi lấy vợ sớm, trước đây tôi , buôn bán , nhưng sau một lần bị lừa, tôi vỡ nợ, phải bán hết gia sản để trả nợ.

Người ta đồn rằng, ông bố trẻ nghiện ngập, chơi bời nên vợ bỏ đi, nhà cửa phải bán hết, mấy bố con mới khổ sở như bây giờ.

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao tranh cãi chỉ vì vài bức ảnh trên facebook, ghi lại cảnh hai cha con địu nhau đi nhặt rác trong đêm đông. Rất nhiều thành viên mạng, đặc biệt là chị em phụ nữ đều tỏ ra thương cảm, muốn chung tay giúp đỡ ông bố trẻ, sau khi biết sơ qua hoàn cảnh của anh, đang gà trống nuôi con và nhặt phế liệu để bán lấy tiền qua ngày. Tuy nhiên, bên cạnh những người cảm thông chia sẻ, thì cũng có không ít ý kiến nói rằng anh lợi dụng con để lừa đảo, lấy lòng thương…

Tôi đã trực tiếp đi tìm bố con anh trên các tuyến phố mà người dân thường hay bắt gặp như Phố Huế, Hàng Bài, Tràng Tiền. Ôm trong lòng nỗi băn khoăn lo lắng, và một chút hi vọng, tôi may mắn gặp được chiếc xe đạp quen thuộc trong những bức ảnh mọi người chụp vội trên facebook. Sau giây phút ngần ngừ, ông bố trẻ đã cho tôi cơ hội được trò chuyện, lắng nghe anh trải lòng về hoàn cảnh thực sự của mình.

Hóa ra, có rất nhiều điều cư dân mạng đồn đại không đúng về anh, thậm chí đến tên anh còn bị viết sai. Anh không dùng facebook, chẳng có cái gì để lên mạng, chỉ nghe loáng thoáng kể lại, nên rất buồn vì chuyện đó. Khoảng 1 tuần nay, sau khi một người phụ nữ chụp ảnh bố con anh và đăng thông tin lên mạng kêu gọi giúp đỡ, thì anh liên tục nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm, cả nghi ngờ, toàn hỏi anh rằng cái này cái kia có đúng hay không… Có nhiều người hứa sẽ kêu gọi giúp đỡ, nhưng cuối cùng mất tích, anh bảo mình không tham lam, ỷ lại vào họ, anh chỉ cảm thấy thất vọng mà thôi.

Tôi may mắn gặp được Khiêm khi anh địu con đi nhặt rác như thường lệ
Cô bé con ngoan ngoãn trên lưng bố khiến cư dân mạng yêu mến, quan tâm nhiều ngày qua

Lặng lẽ xin cô bán nước một điếu thuốc, anh trầm ngâm nhìn phố xá, người xe qua lại nườm nượp. Tôi bế giúp anh bé gái, cô nhóc rất xinh xắn dễ thương, ngoan ngoãn ngồi ngậm chiếc kẹo lạc, thỉnh thoảng ngước đôi mắt tròn xoe nhìn bố. Anh tên thật là Đào Đức Khiêm, sinh năm 1990, chẳng biết ai đăng lên mạng đầu tiên lại viết nhầm là Thiêm, nên đâu đâu cũng truyền tay nhau mẩu thông tin sai đó, hàng trăm cuộc điện thoại đổ chuông là ngần ấy câu hỏi “Anh có phải là Thiêm không?”. Anh cười, trên gương mặt mệt mỏi gầy gò hiện lên đầy vẻ chua xót. Và sự thật về cuộc đời của anh đã được tiết lộ trong sự ngạc nhiên không nói nên lời của tôi và những người chứng kiến xung quanh.

“Năm 90, bố mẹ nhặt tôi về làm con nuôi từ Bệnh viện Bà mẹ . Tôi bị bỏ rơi khi mới được 7 ngày tuổi, đến tận bây giờ tôi vẫn không biết bố mẹ đẻ của mình là ai. Bố nuôi tôi là cựu nhà báo Nhị Hà, từng công tác ở một tờ báo lớn, ông mới qua đời được hơn 100 ngày. Bố mẹ nuôi rất tốt với tôi, gia đình tôi trước đây cũng có điều kiện. Bản thân tôi lấy vợ sớm, trước đây tôi kinh doanh, buôn bán bất động sản, nhưng sau một lần bị lừa, tôi vỡ nợ, phải bán hết gia sản để trả nợ. Vì lý do ấy nên vợ tôi bỏ đi khi con gái út mới được 1 tháng 12 ngày. Người ta cứ đồn tôi ăn chơi nghiện ngập nên mới bị vợ bỏ, mất nhà cửa, đúng là trước đây có tiền tôi cũng tiêu pha hưởng thụ lắm, nhưng không phải như nhiều người nghĩ”.

Khiêm vốn dĩ có quá khứ thiệt thòi, anh bị mẹ đẻ bỏ rơi khi mới được 7 ngày tuổi
Anh không ngần ngại cho mọi người biết rõ về mình, không như những gì dư luận đồn đại

Bé út ấy chính là em bé mà người ta bắt gặp anh địu sau lưng mỗi tối đi nhặt rác. Cô nhóc xinh xắn tên Hân, nay đã tròn 16 tháng tuổi. Anh Khiêm còn 2 đứa con nữa, con gái lớn 5 tuổi, con trai thứ 2 năm nay 3 tuổi. Vì không có tiền nên chúng chưa được học mẫu giáo, ban ngày anh ở nhà trông cả 3 đứa, tối gửi 2 đứa lớn cho hàng xóm trông giúp, bé Hân quấn hơi bố, lại nhỏ quá nên anh phải mang theo đi nhặt phế liệu. Ngày nào may mắn thì được trăm nghìn về cho các con được bữa ăn no, dăm bảy chục, có hôm thì chẳng được xu nào. Bây giờ gần Tết, có nhiều người gia cảnh khó khăn cũng đi bới từng cái thùng rác, tranh nhau từng cái vỏ lon nắp chai, nên anh địu con ra đường từ sớm, 6h – 6 rưỡi tối, 1-2h sáng mới về. Như hôm nay, lúc gặp tôi là anh đã đi được 3 vòng, chiếc thùng xốp cũ nát ở yên sau vẫn còn ít phế liệu chưa bán…

Ông bố trẻ thẳng thắn nhận mình từ một đại gia giờ đã thành thằng nhặt rác
Hôm nay Hân chưa được tắm vì theo bố ra đường từ sớm

Chẳng ai tin được người đàn ông gầy gò gần 30 tuổi này, cách đây mới vài năm, quãng 2011, vốn là một đại gia giàu có ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Anh chẳng hề ngần ngại giấu diếm quá khứ, thậm chí trong lời nói của anh vẫn có chút ngang tàng, kiên định, dường như anh chấp nhận mọi thứ, đơn giản là “dám chơi dám chịu”. Anh đã từng có biệt thự tiền tỷ, xe mui trần, đi bar, tiêu tiền như nước, cuộc sống sung túc giàu sang, vợ đẹp con ngoan. Nhưng tất cả biến mất chỉ sau một đêm, vì anh tin nhầm người, làm liên lụy đến cả gia đình mình. Cái nào sai, anh thừa nhận, chẳng đổ cho ai và cũng không biện bạch gì. Sa cơ lỡ vận, người vợ cũ không chịu nổi nghèo túng mà dứt áo ra đi, anh cũng chẳng oán trách.

Anh không dựa dẫm lừa đảo ai, từ một đại gia ăn chơi khét tiếng đất Long Biên, anh sẵn sàng đạp xe đi bới từng chiếc thùng rác, dọc Phố Huế, Bà Triệu chẳng có cái thùng nào sót dấu tay anh. Anh bảo, người dân quanh tuyến phố ấy trông thấy anh thường xuyên, vì anh chỉ chọn đường to, sáng, đông đúc, tránh trộm cướp, gặp phải kẻ xấu. Một mình anh thì chẳng lo, nhưng còn bé con trên lưng nữa. Hân bây giờ là một phần nguồn sống, hi vọng, hạnh phúc của anh còn lại trong tay, ngoài ra, anh có gì nữa đâu?…

Chiếc xe đạp cà tàng Khiêm mới mua lại từ 2 tháng trước, chiếc cũ đã bị mất cắp ở nhà trọ

Tối nay, anh đã đi 3 vòng để gom rác
Tay anh từng đeo đầy vàng ngọc, lái xe mui trần, nhưng giờ nó đen đúa, gân guốc vì bới thùng rác mỗi ngày

Cư dân mạng xem ảnh chụp hai bố con anh lang thang trên đường, cứ trách sao để con bé còn nhỏ mà theo bố khổ thế, quần áo chẳng đủ ấm, đầu thì vẹo cả một bên. Anh biết điều ấy chứ, anh cũng thương con lắm chứ, nhưng bây giờ đến 100 ngàn để mua áo cho con anh cũng không đủ, trong túi chỉ có vài đồng nhàu nhĩ kiếm được từ chỗ chai lọ người ta vứt đi, áo len anh mặc cũng cũ sờn mỏng dính. Mong ước duy nhất mỗi ngày của anh chỉ là các con được ăn no, mạnh khỏe…

Hiện tại bố con anh Khiêm đang thuê trọ ở phía sau chợ đầu mối Long Biên, hoàn cảnh khó khăn nên dù đang nuôi 3 con nhỏ anh cũng chấp nhận ở nơi tồi tàn, để chúng có chỗ ăn ngủ đàng hoàng, trú mưa tránh nắng. Chủ nhà thương cảm nên lấy tiền anh rất rẻ, hàng xóm thuê trọ xung quanh cũng có vài người tốt bụng, thường giúp đỡ anh chăm sóc lũ trẻ, cho ít áo quần đồ ăn, trông chúng cho anh đi nhặt rác. Anh đã từng bị đuổi khỏi nhà trọ vì không có tiền, 4 bố con ngủ ngoài vỉa hè, nay đây mai đó, đến chiếc xe đạp mưu sinh cũng bị ăn cắp mất, chiếc xe cũ nát anh đang đi là tích cóp mãi mới mua lại được cách đây 2 tháng. Anh công an khu vực cũng biết chuyện, quen 4 bố con anh nên tháng nào cũng ghé qua thăm, cho 200 ngàn, tuy không nhiều nhưng đó là tấm lòng của người ta, Khiêm rất biết ơn những ai đã và đang chia sẻ với anh trong cơn hoạn nạn.

Rất nhiều người gọi điện cho Khiêm, nói sẽ giúp đỡ, nhưng anh không mong chờ nhiều
Ban ngày, anh ở nhà trông các con, tối khi 2 đứa lớn đi ngủ anh mới cõng bé Hân đạp xe ra đường

Ngồi trò chuyện với anh được một lúc mà không biết bao nhiêu lần điện thoại reo, toàn người lạ gọi điện hỏi thăm, xin địa chỉ anh ở để gửi tặng đồ dùng, sữa bánh cho các con. Có người tận bên Mỹ cũng gọi về, anh không có tài khoản ngân hàng nên họ cũng cố gắng tìm cách để giúp ông bố trẻ có thêm chút tiền bỉm sữa. Vài người thì gọi bảo anh đi làm việc này việc khác, nhưng giờ anh đi cả ngày thì lũ trẻ sẽ ra sao? Đâu phải anh kiêu hay sĩ diện, phải đặt mình vào vị trí của anh mới hiểu bản thân đang đối mặt với thực tại ra sao.

“Tôi thật sự rất cảm ơn những người có ý tốt giúp đỡ bố con tôi. Nhưng tôi cũng xin từ chối những ai hỏi han khiếm nhã, tôi không cầu xin sự thương hại của ai cả, tôi cũng không ngửa tay ăn tiền của ai, lợi dụng lòng tốt của ai để ăn trắng mặc trơn. Nói thật là người ta gọi điện nhiều lắm, nhưng tôi có nhận được cái gì đâu? Rất ít người tốt thực sự, nói là làm, còn lại thì hỏi suông thôi. Tôi cũng đâu mong chờ gì, nên tối nào cũng đạp xe đi nhặt rác, tôi còn khỏe mạnh, vẫn làm nuôi con được. Người ta nghĩ đúng nghĩ sai thế nào tôi chịu, ai muốn sự thật thì tìm đến tận nhà, tôi sẵn sàng cho nói chuyện với các cháu, chứng kiến chỗ bố con tôi ở luôn”.

Anh Khiêm cũng bức xúc vì có một vài người lấy bố con anh ra làm lý do để phục vụ mục đích khác. Đăng bài lên kể chuyện của anh, ảnh bố con anh, nhưng lại ghi số tài khoản chuyển tiền của người khác. Anh không rõ như thế nào, nhưng đến giờ anh cũng chưa nhận được sự ủng hộ nào quá lớn, mọi người chung tay giúp đỡ mỗi thứ một ít thôi, quần áo, sữa bột cho lũ trẻ. Anh buồn nhất là có người chửi mắng mình chỉ vì câu chuyện nhỏ thế này. Sữa anh được cho để chăm bé Hân, có loại mới có loại cũ, có hộp sắp hết hạn mà Hân chưa kịp ăn hết, anh muốn đem cho những gia đình nghèo khó khăn hơn, nhưng có người đến hỏi mua, anh bảo không bán, họ chửi anh là thằng sĩ diện. Anh nhắm mắt cho qua, nhẫn nhịn, vì cái tâm mình thế nào chỉ có mình hiểu, sữa anh được người khác tốt bụng đem tặng, anh cũng không thể đem ra bán lấy tiền, vì trân trọng, biết ơn sự biếu tặng ấy. Ai hiểu nhầm, cũng đành im lặng mà thôi.

Tạm biệt tôi để đi nhặt rác tiếp, bé Hân cứ tìm cách quay đầu nhìn, trông theo 2 bố con ai cũng ngậm ngùi

Chẳng mấy chốc mà cũng ngả về đêm, ngã tư thưa thớt hẳn, gió thổi lạnh hơn và cốc trà cũng nguội dần. Khiêm còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện lắm, tôi cảm nhận được sự khảng khái trong giọng nói của anh, quá khứ của anh khá phức tạp và nhiều biến cố, nhưng trải qua hết những chuyện đó, anh vẫn giữ bản tính ngay thẳng, có gì nói nấy. Anh bộc bạch hết những gì người ta hiểu nhầm về mình trên mạng , có thể đúng có thể sai, nhưng cuộc đời anh, cơ bản là như trên, chẳng có gì phải ngượng ngùng giấu diếm. Bé Hân ngáp một cái thật dài, bi bô gọi bố, anh đứng dậy xin phép “cho 2 bố con tiếp tục đi kiếm ăn”. Nhìn anh nhanh nhẹn cài lại chiếc địu, xốc con gái ngồi vững trên lưng, tôi cảm giác như bé Hân cũng luôn yên tâm khi được ở bên người đàn ông sẵn sàng gánh cả thế giới cho giấc ngủ yên bình của con gái.

Cô bán nước chép miệng nhìn theo. “Mấy tháng nay ngày nào cũng gặp 2 bố con nó, tối về khuya mỏi chân toàn ghé vào đây uống chén nước cho ấm bụng. Có hôm nó bảo thẳng, cô ơi cháu không có tiền, cho cháu nợ điếu thuốc mai cháu trả. Con bé con chẳng biết có được ăn đủ hay không, nhưng lần nào cho kẹo bánh cũng ngoan ngoãn ăn hết. Tội nghiệp lắm…”. Mắt tôi ươn ướt. Nghe hết chuyện của anh, tôi vẫn không tin là anh đối diện với sự thật cuộc đời mình bình thản như thế. Mà không bình thản sao được, số phận đã vậy rồi, mọi thứ đã xảy ra rồi. Chỉ cầu mong ngày mai của bố con anh sẽ tươi sáng hơn, biết đâu phép màu sẽ đến, để anh làm lại tất cả, bù đắp cho lũ trẻ tương lai hạnh phúc đủ đầy hơn…

Ai muốn giúp đỡ bố con anh Khiêm, có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại của anh: 0965335028, hoặc đến chợ đầu mối Long Biên để gặp.

Nguồn : lanhmanh.com

BÌNH LUẬN