Hàng ngàn trẻ em bị ép gia nhập các lực lượng vũ trang. Không có một tuổi thơ trọn vẹn, những đứa trẻ ở Nam Sudan bị buộc phải rời xa gia đình, cầm súng chiến đấu, bất chấp sự phản đối gay gắt đến từ khắp nơi trên thế giới
Trong năm 2018, nhân loại tiếp tục đối mặt với nhiều đau thương, mất mát từ các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, động đất, sóng thần. Bạo lực, xung đột và chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, hàng triệu người dân trên thế giới vẫn phải sống chung với bom đạn mỗi ngày. Bên cạnh đó, chính phủ các quốc gia cũng đang đau đầu tìm cách giải quyết các vấn đề về khủng bố, tị nạn, khủng khoảng nhân đạo,….
Tờ Washington Post đã bình chọn ra những bức ảnh tiêu biểu của các sự kiện quốc tế năm 2018.
Bác sĩ đang sơ cứu cho một nữ nạn nhân bị thương sau một cuộc đánh bom ở Ghouta, phía nam Syria. Toàn thân cô gái phủ kín tro bụi do tác động của quả bom. May mắn sống sót nhưng bị thương nặng ở phần đầu, vẻ mặt cô gái vẫn chưa hết kinh sợ sau những gì đã trải qua
Bé gái Ayesha Ahmed – 3 tuổi, nằm điều trị trong một bệnh viện tại Yemen. Thân hình queo quắt, lộ rõ từng đốt xương sườn, Ayesha chỉ là 1 trong 5 triệu trẻ em ở đất nước này đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng, trong đó 85.000 em đã tử vong. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương đã phản ánh sâu sắc tác động của cuộc nội chiến khốc liệt đã đẩy hàng triệu người Yemen vào tình trạng chết đói
Tình trạng bạo lực và bất ổn bao trùm đất nước Nam Sudan từ cuối năm 2013 khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar xảy ra. Kể từ đó, hàng ngàn trẻ em bị ép gia nhập các lực lượng vũ trang. Không có một tuổi thơ trọn vẹn, những đứa trẻ ở Nam Sudan bị buộc phải rời xa gia đình, cầm súng chiến đấu, bất chấp sự phản đối gay gắt đến từ khắp nơi trên thế giới
Vẻ đau đớn lộ rõ trên khuôn mặt của các thiếu niên Palestine khi chứng kiến cảnh người thân ra đi – hình ảnh được ghi lại trong một bệnh viện ở thành phố Gaza. Trong năm 2018, hàng nghìn người thương vong trong các cuộc đụng độ dữ dội Israel-Palestine tại khu vực dọc biên giới Gaza với Israel
Người đàn ông vẫn chưa hồi phục vết thương ở đầu và bắp chân, chống nạng đi trên khu vực thành phố Gaza. Kể từ khi tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Mỹ khai trương đại sứ quán tại thành phố này, bạo lực trở nên bùng phát giữa 2 phe Palestine và Israel.
Bé trai người Indonesia rớm nước mắt đau đớn. Mặc dù may mắn sống sót, trên gương mặt cậu bé chằng chịt những vết thương trong lúc chống chọi với các cơn sóng dữ. Trận động đất, sóng thần xảy ra hôm 23.12, ập vào khu vực đảo Sumatra và Java (Indonesia) đã cướp đi sinh mạng của gần 400 người, gần 1500 người bị thương và vẫn còn 128 người mất tích
Một ngôi đền của người Hồi Giáo bị nhấn chìm trong biển nước tại Palu, Indonesia. Sau thảm họa kép động đất – sóng thần tại Sulawesi hôm 28.9, người dân Indonesia liên tiếp hứng chịu đau thương, mất mát
Cháy rừng xảy ra vào tháng 11 vừa qua được coi là trận cháy rừng thảm họa nhất lịch sử California. Giới chức Mỹ xác nhận số người thiệt mạng trong vụ cháy lên tới 44 người. Trong ảnh là hình ảnh ngọn lửa nuốt sạch mọi vật cản trên đường đi, nhiều nhà cửa, ô tô, tài sản của người dân khu vực này bị cháy rụi hoàn toàn
Lũ lụt hoành hoành ở bang North Carolina, Mỹ sau khi cơn bão Florence đổ bộ vào nước này gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và khiến 5 người thiệt mạng. Cuộc sống của nhiều khu dân cư và hàng trăm ngàn người dân khu vực này rơi vào cảnh cô lập khi nước lũ lên nhanh.
Khung cảnh đường sá tan hoang, đổ nát sau siêu bão Michael lịch sử đổ bộ với sức gió mạnh nhất và tàn phá nặng nề khu vực Florida (Mỹ). Siêu bão đã khiến hàng triệu người phải sơ tán, hàng trăm nghìn hộ dân sống trong cảnh mất điện, gây ngập úng và quật đổ hàng loạt cây cối, cột điện
Bé gái 4 tuổi Camila Savioll Mejia, đi theo bố mẹ trong 1 đoàn xe caravan (đoàn xe chở người tị nạn) tại khu vực biên giới Mexico. Cuộc khủng hoảng di cư biên giới diễn ra tại các nước Trung Mỹ khi nhiều người tị nạn từ Guatemala, Honduras tới Mexico để sang Mỹ đã khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh không được đảm bảo an toàn và sức khỏe, thậm chí bị tách khỏi cha mẹ.
Hình ảnh dòng người di cư bị nhồi nhét trong các xe tải cũ kỹ, bụi bặm ở biên giới Mỹ – Mexico. Gần đây, chính phủ Mexico đã phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết khủng hoảng di cư biên giới
Một gia đình đi tị nạn tranh thủ nghỉ ngơi trên những chiếc xe tải chất đấy di cư. Hôm 26.12, tổng thống Donald Trump tuyên bố chính phủ sẽ không mở cửa cho đến khi nào thông qua ngân sách 5 tỉ USD xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người di cư trái phép. Cuộc sống của hàng ngàn người di cư từ các nước Trung Mỹ với mong muốn đặt chân tới Mỹ vẫn là một dấu hỏi lớn.
Vẻ đượm buồn hiện rõ trên gương mặt của một phụ nữ Syria trên đường lánh nạn chiến tranh. Khói lửa, bom đạn và thương vong triền miên đã khiến nhiều người dân đất nước này buộc phải rời bỏ quê hương. Ảnh chụp tại Arsal, Lebanon