Là chiếc in-ear cao cấp đầu tiên của hãng, mọi thứ trên E1001 đều được 1More chăm chút một cách khoa học và tinh tế.
1More vẫn được biết tới là cha đẻ của Piston 2.0 nổi danh một thời, liệu họ có thành công khi lấn sân sang phân khúc mới…
Sau quãng thời gian dài thành công với vai trò OEM cho các ông lớn (đặc biệt là Xiaomi với cái tên nổi danh Piston 2.0), hãng âm thanh non trẻ 1More đã quyết định lấn sân sang thị trường âm thanh khi trình làng những sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Đó là sự hồi sinh của 1More Piston Classic E1003 (vốn được xem là cha đẻ của Piston 2.0) hay chiếc in-ear Triple Driver đầu tiên của hãng có tên gọi 1More E1001.
Thực chất, kiểu thiết kế hybrid gồm 1 Dynamic & 2 Balanced Armature Drivers của E1001 là khá phổ biến hiện nay, song với mức giá 1,7 triệu đồng thì 1More dường như đang cố gắng “phá giá thị trường”. Tất nhiên, kết cấu tốt là chưa đủ để khẳng định rằng, âm thanh của chiếc in-ear này vượt mặt các so với các đối thủ lão làng như TTPod T2, Sony XBA-H1 hay Fidue A73.
Phong cách đóng hộp cổ điển trong một cuốn sách bìa cứng của E1001 lấy được khá nhiều thiện cảm của người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở phần cánh hộp là những công nghệ chế tạo cũng như quá trình thiết kế cặp tai nghe này, trong khi nhân vật chính nằm ở thân hộp bên phải, phía dưới là các hộp đựng phụ kiện đi kèm.
Phần nam châm đóng nắp hộp được làm bằng kim loại vàng sáng bóng
Thông số kĩ thuật của chiếc tai nghe này.
Trở kháng: 99dB
Độ nhạy: 32 ohm
Tích hợp microphone, cụm điều khiển media control
Jack chữ I 3.5 mm Gold Plated
Độ dài cable: 1.2m
Là chiếc in-ear cao cấp đầu tiên của hãng, mọi thứ trên E1001 đều được 1More chăm chút một cách khoa học và tinh tế. Sở hữu tông màu vàng – đen chủ đạo, housing được làm hoàn toàn bằng kim loại song vẫn giữ được trọng lượng chỉ hơn 17g cùng chất lượng gia công hoàn thiện tốt – chẳng có lý do gì để người dùng phải phàn nàn về thiết kế của chiếc tai nghe này.
E1001 sở hữu thiết kế bên ngoài bóng bẩy và khá bắt mắt
Mặt ngoài tai nghe có nhiều đường tròn đồng tâm, đặc trưng của những chiếc tai nghe của 1More hay trước đây là Piston 2.0
Vị trí bên tai trái, phải (L,R) in rõ ràng bên ngoài củ tai
Một trong điểm đáng lưu ý về thiết kế của E1001 là ống dẫn âm (nozzle) được đặt nghiêng 1 góc 45 độ thay vì thẳng 90 độ như các tai nghe cord-down truyền thống. Ưu điểm của nó là mang lại cảm giác đeo thoải mái, giảm áp lực lên tai song khả năng cách âm sẽ bị hạn chế phần nào (có thể khắc phục bằng việc chọn đúng tips). Ngoài ra, kiểu thiết kế này cũng gây đôi chút khó khăn với những người đã quen đeo tai nghe kiểu vòng qua vành tai.
Hai lỗ thoát âm thiết kế ở bên trong
Nhu cầu thưởng thức âm nhạc di động trên smartphone ngày càng phổ biến, 1More cũng đã tích hợp cụm điều khiển âm lượng & microphone tương thích với cả Android và iOS trên chiếc tai nghe của hãng. Điều khiến tôi hài lòng là cụm điều khiển này đã được đẩy lên cao gần với miệng của người sử dụng hơn, lúc di chuyển trên đường tôi có thể nghe gọi luôn chứ phải dùng tay kéo microphone lên hay xài kẹp áo.
Dây dẫn của E1001 chắc chắn, khá dày và bọc vải sợi Kevlar
Đầu jack chữ I được bọc kim loại có tác dụng chống gập gãy, đứt ngầm
Chưa dừng lại ở đây, cách mà hãng âm thanh non trẻ này đóng hộp phụ kiến cũng người dùng phải gật gù. Tất cả được đặt vào những chiếc hộp nhỏ bé, gọn gàng, bao gồm bộ tips đủ các size xếp thứ tự theo kích thước, kẹp áo, jack cắm vào hệ thống audio trên máy bay và cả một chiếc bao da may chỉ nổi rất đẹp để đựng chiếc in-ear này.
Điểm qua thông số kĩ thuật, trở kháng 32 Ohm và độ nhạy 98dB giúp E1001 không quá kén chọn trong việc phối ghép với nguồn phát. Trong phần đánh giá này, tôi đã sử dụng chiếc smartphone Xiaomi Redmi Note 3 Pro, máy nghe nhạc Shanling M1 vừa được trình làng và cuối cùng là smartphone nghe nhạc cao cấp Marshall London có giá hơn 14 triệu đồng.
Nếu đôi tai của bạn luôn tìm kiếm những chiếc in-ear đậm chất “cá tính”, tôi e rằng 1More E1001 chẳng phải là một sự lựa chọn phù hợp. Nhà sản xuất âm thanh này không hướng tới một thị trường, gu nhạc hay dải âm cụ thể nào – thay vào đó là sự cân bằng giữa các dải, dễ nghe và đánh tạp tốt.
Dù đã được trang bị 1 dynamic drivers cho mỗi kênh để phục vụ cho dải âm trầm song bass của E1001 lại đánh theo phong cách tròn trịa, xuống sâu, lượng bass chỉ ở mức vừa phải chứ không phô trương như một số tai nghe chuyên Pop, Dance, EDM khác.
Bass tập trung phần nhiều ở sub-bass, kéo đuôi một chút trong khi mid-bass và high-bass thiên về việc kiểm soát tốc độ, giúp nó không quá đuối sức khi trình diễn Pop, Rock với tiết tấu nhanh. Tựu chung, cách đánh bass thanh lịch, lượng-chất-tốc độ vừa phải này giúp E1001 chơi được đa dạng thể loại nhạc dù nó không gây quá nhiều ấn tượng với người nghe ngay từ những phút ban đầu.
Dải âm trung mà chiếc in-ear này thể hiện lại có phần đối lập với những “anh bạn” khác trong cùng phân khúc: đặt lùi, chơi nhẹ và chi tiết tốt. Không còn là dải mid tiến sáng đẩy từng câu hát ca sĩ vào chính giữa đỉnh đầu người nghe, E1001 thiên về âm hơi thay vì âm giọng, tập trung phần nhiều sự ngọt ngào, dày dặn vào low-mid.
Giờ đây Alan Jackson cùng Remember When như một lời thủ thỉ, tâm tình nhẹ nhàng chứ không chan chứa quá nhiều cảm xúc, hay chất giọng cao vút của Yao Si Ting bỗng chốc hiền dịu hơn, sibalance được hạn chế phần nào vì high-mid khá nhẹ và tự nhiên. Dù theo hướng lùi song dải âm này vẫn giữ được độ chi tiết khá tốt, sự liền mạch, thoanh thoát và đôi chút airy.
Cuối cùng, dải âm treble cũng được định hướng theo chất âm chung của tai nghe: lượng ở mức trung bình, đầm ngọt và không tắt quá sớm. So với các tai nghe dành cho treble-head thường được boost nhiều năng lượng, E1001 khá hiền, tốc độ chơi hơi cao nên kém nổi bật song nó giữ được độ thực cao, tự nhiên và thoải mái. Nhìn chung dải cao thiên về sự nhẹ nhàng, dễ nghe còn nếu muốn phần này nhiều hơn, người dùng có thể phối tai nghe với các nguồn nhạc sáng, có treble nhiều lượng thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tuy vậy, điểm trừ đáng tiếc cho E1001 là phần âm trường, tách lớp sân khấu chưa thật sự xuất sắc, khi so sánh với anh bạn Fidue A73 trong cùng phân khúc. Thực tế soundstage của chiếc in-ear này chủ yếu dàn trải về bề ngang 2D, bên cạnh sự tác động của dải mid lùi khiến cho giọng ca sĩ đôi khi bị hòa vào dàn nhạc cụ.
Dù sở hữu chất âm không quá đặc biệt, song với phong cách đóng hộp lẫn thiết kế khá cao cấp, sự cân bằng giữa 3 dải âm và đánh tạp ổn – E1001 là sự lựa chọn không đến nỗi nào khi người dùng kiếm tìm một trải nghiệm mới.
Cá nhân tôi cho rằng, mức giá hơn 2 triệu Đồng mà 1More “set” cho chiếc tai nghe cao cấp đầu tay của hãng là hợp lý. Thành công với chiếc Piston 2.0 trước đây là chưa đủ để nhà sản xuất âm thanh này đặt quá nhiều tham vọng ở phân khúc cao hơn, nơi mà Shure, Fidue hay Sony đã khẳng định được vị thế của mình
Xin cảm ơn cửa hàng Xuân Vũ Audio đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình thực hiện bài viết này.
Nguồn: GEnk