Nhìn lại những cơn bão khủng khiếp đã càn quét Việt Nam trong lịch sử

0
2494

Cơn bão Mirinae đổ vào khu vực Thái Bình – Ninh Bình ngày 27/7/2016, nó khiến 30 ngôi nhà bị sập, 25.000 nhà tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện, 21 người bị thương, 67 tàu thuyền bị chìm đắm.

Theo các số liệu thống kê cho thấy, trong suốt nhiều năm qua, nước ta liên tục phải gánh chịu những cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước. Hãy cùng nhìn lại những cơn bão khủng khiếp đổ bộ vào nước ta nhiều năm qua:

Bão Linda – 1997

Bão Linda hay còn gọi là bão số 5, xảy ra vào tháng 11/1997, cơn bão đã đổ bộ một cách rất mau lẹ và tàn khốc vào một phần nhỏ của Bình Thuận tới Cà Mau, một khu vực cả trăm năm qua không có bão. Bão Linda đã làm chết và mất tích trên 3.000 người, phá hủy hơn 3.500 tàu thuyền đánh cá, tổng thiệt hại ước tính lên tới 7.000 tỷ đồng.

Bão Chanchu – 5/2006

Bão Chanchu (bão số 1) đã đổ bộ vào tháng 5/2006, dù cơn bão chỉ đi qua vùng biển ngoài khơi xa, không tiến vào vùng biển gần bờ, nhưng đã làm cho 265 ngư dân miền Trung chết và mất tích, hàng chục tàu đánh cá xa bờ bị phá hủy và nhấn chìm.

Bão Xangsane – 9/2006

Bão Xangsane ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực miền Trung, làm 68 người chết và mất tích, 527 người bị thương, gần 270.000 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 1.287 hec-ta đất nông nghiệp bị hư hại, 65.000 gia cầm chết và hơn 700 thuyền đánh cá bị chìm. Hàng trăm kilomet đường giao thông, kênh mương, hàng ngàn cột điện, hàng triệu mét dây cáp điện, điện thoại bị hỏng, gãy đứt. Tổng thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra gần 10.150 tỉ đồng.

Bão Xangsane đi qua còn gây lũ, cuốn trôi 150m bờ kè sông Vu Gia, phá thành một cửa sông mới rồi chảy vào khu vực Đồng Miếu dẫn ra sông Quảng Huế. Khoảng 1.370 hộ dân ven sông hai xã thuộc huyện Đại Lộc – Quảng Nam bị đe doạ tính mạng, tài sản.

Nguồn nước sinh hoạt của Đà Nẵng bị nhiễm mặn. Cho tới nay thì Xangsane là siêu bão mang tới ảnh hưởng nặng nề nhất ở Việt Nam.

Bão Durian – 12/2006

Bão Durian là một siêu bão vào Biển Đông ngày 1/12/2006, làm 50 người chết, 55 người mất tích và làm bị thương 409 người tại 12 tỉnh thành mà nó đi qua. Ngoài ra, bão cũng đã làm sập, đổ và tốc mái hơn 119.300 căn nhà, làm chìm 888 tàu, thuyền (riêng tỉnh Bình Thuận bị thiệt hại đến 820 thuyền).

Bão Lekima – 10/2007

Bão Lekima ngày 3/10/2007 đã tràn vào địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cơn bão đã làm ít nhất 37 người thiệt mạng, 24 người mất tích và 145.000ha lúa, hoa màu bị hư hại; gần 9.500 nhà bị đổ, sập; gần 130.000 nhà, công cộng bị ngập, hư hỏng; khối lượng đất bị sạt lở: 412.118m3; kênh mương bị sạt lở: 32.000m; cột điện bị gãy đổ: 3.709 cột; dây điện bị đứt: 162.700m; nhiều tuyến đường bị hư hại nghiêm trọng… Tổng thiệt hại lên tới khoảng 600 tỷ đồng.

Bão Mekkhala – 9/2008

Bão Mekkhala đã đổ bộ vào nước ta ngày 30/9/2008, với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 đã tiến sâu vào địa phận tỉnh Quảng Bình. Cơn bão khiến cho 3 người chết, 14 người mất tích, 13 người bị thương; bị sập, đổ trôi 164 nhà, 6.172 nhà bị tốc mái và hư hại; 38 tàu, thuyền bị chìm, tổng thiệt hại lên tới 108 tỷ đồng.

Bão Ketsana – 9/2009

Cơn bão Ketsana được so sánh ngang với siêu bão Xangsana. Nó tàn phá 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khiến cho 163 người chết, 17 người mất tích và 629 người bị thương; 21.614 nhà bị sập, trôi; 258.264 nhà hư hại và 294.711 nhà bị ngập. Ngoài ra, bão lũ còn gây thiệt hại rất nặng về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi… Tổng thiệt hại ước tính 14.014 tỷ đồng.

Bão Conson – 7/2010

Bão Côn Sơn đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định với tốc độ gió từ 75 đến 117km/h (tương đương cấp 11, cấp 12). Đuôi bão quét qua khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão làm 80 người chết, 99 người bị mất tích… Tổng thiệt hại khoảng 77,8 triệu USD (khooảng 1.633 tỉ đồng).

Bão Sơn Tinh – 10/2012

Tối 28/10/2012, bão Sơn Tinh mạnh lên cấp 11, đi dọc bờ biển các tỉnh Ninh Bình tới Hải Phòng làm ít nhất 3 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, điện mất trên diện rộng. Đến 10g sáng ngày 29/10/2012, thống kê sơ bộ cho thấy ít nhất đã có 3 người chết, 7 người mất tích và 5 người bị thương, 330m đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La, thuộc Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị đánh sập.

Bão Haiyan – 11/2013

Bão Haiyan là 1 trong số những siêu bão mạnh nhất lịch sử thế giới. Sau khi càn quét tại Philippines thì siêu bão đột ngột thay đổi đường đi và đổ bộ vào khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh sáng sớm ngày 11/11/2013, khiến 13 người chết, 81 người bị thương. Siêu bão đã đánh chìm 1 tàu cá của ngư dân Phú Yên, làm hỏng 4 phương tiện của các tỉnh Hải Phòng, Phú Yên.

Bão Mirinae – 7/2016

Cơn bão Mirinae đổ vào khu vực Thái Bình – Ninh Bình ngày 27/7/2016, nó khiến 30 ngôi nhà bị sập, 25.000 nhà tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện, 21 người bị thương, 67 tàu thuyền bị chìm đắm.

Bão Doksuri – 9/2017

Ngày 15/9 vừa qua, cơn bão số 10 có tên Doksuri đã quét qua 6 tỉnh miền Trung nước ta. Qua thống kê sơ bộ thì có 8 người chết, gần 120.000 ngôi nhà bị tốc mái, 33 nhà bị sập, 6.200 nhà bị ngập, cột truyền hình cao hơn 100m bị đổ sập điện mất trên diện rộng, 10 chiếc tàu thuyền bị đắm, 1.000ha cây và hoa mầu bị thiệt hại.

Đây chỉ là những cơn bão điển hình gây thiệt hại nặng nề cho người dân, thậm chí có những cơn bão dù đã xảy ra nhiều năm trước nhưng cho tới nay, bà con vẫn còn đang phải khắc phục hậu quả do nó để lại, vậy mà những cơn bão khác vẫn tiếp tục đổ về gây nên thiệt hại rất lớn. Và không chỉ có người dân ở những vùng hay bị bão đổ bộ trực tiếp mà cả người dân ở các khu vực lân cận cũng luôn phải đề phòng và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để giữ an toàn cho bản thân vào mùa mưa bão.

Ảnh: Internet

BÌNH LUẬN