“Không ngừng phát triển, không ngừng đi lên, chúng ta chưa bao giờ có đỉnh”: Tự đặt giới hạn cho bản thân thì khác gì bóp chết năng lực của mình
01. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: “Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh”
Từng xuất hiện trên tờ tạp chí danh tiếng Forbes sau sự kiện lọt top những tỷ phú giàu nhất thế giới, vị tỷ phú có tâm có tầm – chủ tịch Tập đoàn VinGroup – ông Phạm Nhật Vượng đã trở thành nguồn năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang nung nấu ước mơ khởi nghiệp. Từ trường học, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng, những căn hộ hạng sang, chuỗi siêu thị bán lẻ, trung tâm thương mại đình đám,… nay lấn sân cả ngành công nghệ ô tô, xe điện, sự phát triển của VinGroup đang ngày một mở rộng khắp các lĩnh vực mà tưởng chừng không có điểm dừng. Để làm được điều này, vị tỷ phú luôn luôn tâm niệm rằng: “Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh.”
Chính câu nói đó đã là kim chỉ nam cho mọi hoạt động mở rộng phát triển của ông Phạm Nhật Vượng khi điều hành tập đoàn. Ông luôn tìm mọi cách để nỗ lực học hỏi, ngày càng đi lên. Mà càng học hỏi và đi lên, ông càng biết cách để phát triển bộ máy thay vì tự đặt ra giới hạn, hạn chế tiềm lực của bản thân.
Trí óc của con người là những cỗ máy đầy quyền năng. Một khi đã quyết định một điều nào đó nằm ngoài khả năng của mình thì chúng ta rất khó để vượt qua rào chắn tự tạo ấy. Lấy ví dụ như khi một cô gái nói: “Tôi sẽ chẳng khi nào có mối quan hệ nào tốt đẹp cả.” Chắc chắn là cô ấy đúng. Bất cứ khi nào cô quen một người bạn mới, một cách vô ý thức, cô lại tự tạo những lý do để người bạn mới phải xa lánh cô. Nếu trễ hẹn, cô sẽ nói: “Tôi luôn trễ hẹn”. Nếu có chuyện bất đồng, cô sẽ nói: “Tôi hay cãi lắm”. Sớm hay muộn cô sẽ tự tay phá hủy mọi mối quan hệ xung quanh rồi tự nhủ: “Lại thế, các mối quan hệ của mình luôn chả ra gì”.
02. Đừng tìm lý do, đừng tự giới hạn
Có rất nhiều người luôn cho rằng thành công cần cực kỳ thông minh và may mắn, rồi tự cho rằng mình không thể làm được điều ấy ngay từ đầu.
Một nhà văn Trung Quốc Lý Thượng Long đã từng chia sẻ rằng, vài năm trước, ông và đồng nghiệp Tiểu Phương đều là giáo viên tiếng Anh trong một thành phố. Ban ngày lên lớp, buổi tối ở nhà chuẩn bị, cuộc sống lặp đi lặp lại giống như một chiếc đồng hồ cố định. Mà đến bây giờ, Tiểu Phương vẫn chỉ là giáo viên tiếng Anh, còn Lý Thượng Long đã trở thành một đạo diễn, một nhà văn có tiếng.
Tiểu Phương tới chúc mừng cùng câu nói: “Anh may mắn thật đấy!”
Nhưng thực tế đằng sau là gì? Khi hai người mệt mỏi tan trường, về đến nhà, Tiểu Phương thì nằm lăn trên sofa bật tivi, Lý Thượng Long thì bật máy tính tiếp tục làm việc. Khi người khác đang nghỉ ngơi giải trí, ông miệt mài sáng tác thêm từng dòng văn. Khi đồng nghiệp đã lên giường say ngủ, ông vẫn ráng thức đêm chuẩn bị sơ đồ ý tưởng. Những ý tưởng sáng tác, những ghi chép thông tin tìm hiểu được ông viết chi chít trong cuốn sổ tay tùy thân bên người. Thay vì thỏa mãn với hiện tại, ông chỉ không ngừng học hỏi, cố gắng và ngày một phát triển bản thân. Chính nỗ lực đó mới là thứ đem tới thành công cho Lý Thượng Long chứ không phải hai chữ “may mắn”.
Trong khi đó, đồng nghiệp Tiểu Phương vẫn ngày ngày nhàn nhã đi làm, về đến nhà thì trách công việc quá mệt mỏi, chỉ lo đi chơi, ăn uống và xem tivi để thư giãn, rồi sau đó oán trách mình không đủ may mắn thành công như người ta. Chúng ta có thể gặp rất nhiều người như vậy trong cuộc sống. Khi đối mặt khó khăn và không muốn thừa nhận nó, họ sẽ tự động đưa ra một cái cớ bào chữa cho bản thân. Và khi bào chữa trở thành thói quen, mọi người đã tự đặt ra giới hạn, kìm hãm tiềm năng của chính mình.
Doanh nhân và cũng là một nhà văn, nhà diễn giả người Mỹ Jim Rohn đã nói: “Excuses are the nails used to build a house of failure” (Tạm dịch: Lý lẽ bào chữa là những cái đinh xây nên ngôi nhà thất bại).
03. Không ngừng học hỏi và phát triển
HBO từng quay một bộ phim tài liệu với tiêu đề, “Trở thành Warren Buffett”. Vị tỷ phú người Mỹ luôn thức dậy vào 6h45 sáng mỗi ngày để đọc tin tức từ báo Wall Street Journal, USA Today và tạp chí Forbes. Sau đó, đa số thời gian còn lại trong ngày của Warren Buffett cũng được dùng để đọc thêm báo cáo tài chính, các loại sách vở tri thức trong văn phòng của mình. Nơi làm việc của ông không có máy tính, không có điện thoại thông minh, chỉ có những kệ sách ngăn nắp phía sau ghế làm việc và những tờ báo trải đầy trên bàn.
Dù đã trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới, Warren Buffett vẫn ngồi đó, đọc và học mỗi ngày. Đó đã trở thành thói quen và niềm tin của cuộc đời ông, theo chân ông từ khi còn là một chàng trai trẻ cho tới lúc trở thành ông già tóc bạc trắng.
Nhờ có bộ phim tài liệu này, chúng ta nhận ra rằng: Muốn đạt được những thành tựu phi thường trong cuộc sống, nhất định phải không ngừng học hỏi, không ngừng vươn cao. Tiềm năng phát triển của một người không bao giờ có điểm giới hạn.