Múa cột không những mang lại lợi ích về làm đẹp mà nó còn giúp cho người phụ nữ phát huy những kỹ năng chưa được phát hiện.
Mua cột (Pole dance) trước đây trong con mắt của nhiều người là một bộ môn khá khêu gợi, thậm chí có phần không đứng đắn. Những diễn viên múa cột không được công nhận như những nghệ sĩ thực thụ mà chỉ đơn giản là những cô gái trình diễn trong các quán bar, hộp đêm.
Múa cột ngày nay là một môn nghệ thuật thể thao và có khả năng sẽ được đưa vào thi đấu tại Olympic.
Hiện nay, múa cột được đưa vào giảng dạy ở những trung tâp rèn luyện cơ thể, điều đó khẳng định lợi ích của bộ môn này đối với việc làm đẹp. Những cô gái hiện đại theo đuổi bộ môn này không chỉ bởi lợi ích rèn luyện cơ thể mà còn nhiều lợi ích khác.
Trò chuyện với thầy Long Nguyễn, giáo viên bộ môn múa cột với kinh nghiệm 4 năm giảng dạy mới biết được những lợi ích không ngờ từ bộ môn này.
Múa cột là một bộ môn đòi hỏi rất nhiều thể lực và sự khéo léo.
Múa cột giúp cải thiện toàn bộ các nhóm cơ, tăng độ dẻo dai và sức mạnh cho cơ bắp, tăng cường khả năng thăng bằng và phản xạ cơ thể.
Ví dụ chỉ với một động tác leo cột. Ban đầu tay sẽ chịu lực, cơ bắp tay trước và sau sẽ hoạt động. Quá trình nâng cơ thể lên thì kết hợp thêm cơ bụng và lưng. Sau khi đã lên cột thì chân sẽ là phần trụ lại trên cột, kích thích cơ đùi và bắp chân hoạt động. Kết hợp với khả năng thăng bằng và các nhóm cơ từ bụng trở xuống để bỏ 2 tay và trụ vững trên cột. Điều này giải thích rõ ràng nhất cho việc nói múa cột là bộ môn rèn luyện toàn diện.
Học viên trong một lớp học của thầy Long Nguyễn.
Dù vậy cũng không thể nói rằng chỉ cần tập múa cột thì không cần tập thêm bất cứ môn thể thao nào. Thầy Long Nguyễn chia sẻ: “Múa cột không giúp người tập thư giãn, thả lỏng các nhóm cơ bị căng như Yoga hay bơi lội”.
Tác dụng rèn luyện cao đi cùng với quá trình luyện tập không hề đơn giản. Người học múa cột cần có quyết tâm mới có thể theo đuổi bộ môn này. Ngoài chi phí và thời gian, các chấn thương ngoài da là điều mà bất cứ ai ngày đầu học múa cột cũng gặp phải.
Qúa trình tập luyện múa cột khá khó khăn hơn những bộ môn khác vì đòi hỏi tính kỹ thuật cao cũng như nhiều chấn thương ngoài da trong lúc tập luyện.
Trong quá trình tập sẽ chịu rất nhiều cơn đau ngoài da cho đến bầm tím do phải tiếp xúc và va chạm mạnh với cột, gây mất thẩm mỹ cho đôi chân trong thời gian đầu. Đây cũng là lý do ngăn cản nhiều người đến với bộ môn này.
Với cường độ vận động cao cho một buổi tập, múa cột đốt cháy calo không thua kém gì một bài tập cardio. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa 2 bộ môn này đó chính là cardio thiên về chuỗi chuyển động đều còn múa cột thuộc nhóm kỹ thuật chuyên sâu.
Kết quả của quá trình rèn luyện bộ môn này sẽ mang đến nhiều điều tích cực nhất là cho phái đẹp.
“Tối thiểu, người tập sẽ mất tầm 1 tháng, 1 tuần/ 3 buổi để có thể hoàn thành 1 bài múa hoàn chỉnh. Một buổi múa cột trung bình từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi bao gồm 15 phút khởi động, 10 phút tập lực, còn lại là tập kỹ thuật hoặc kết nối kỹ thuật” – thầy Long Nguyễn chia sẻ.
Theo đuổi bộ môn múa cột, người tập sẽ được rèn luyện phát triển cơ bắp, tăng cường sự dẻo dai và tính linh hoạt cho cơ thể, tăng khả năng cảm thụ âm nhạc và tính kiên trì.
Với phụ nữ nói riêng, ngoài những yếu tố rèn luyện cơ thể, múa cột còn giúp thay đổi suy nghĩ về phái yếu, phát triển nhiều khả năng bên trong mà phụ nữ nghĩ mình không làm được như: kỹ năng thăng bằng, kỹ năng sử dụng cơ bắp hợp lý hay kỹ năng tiếp đất khi gặp sự cố.
Theo Bích Bông (Dân Việt)