Suy cho cùng, thứ tốt nhất chưa hẳn là thứ hợp với ta nhất. Và chỉ khi bạn tìm thấy cho mình một đôi giày vừa chân, bạn mới có thể bước đi vững vàng trên con đường nhân sinh thuộc về mình.
Câu chuyện thứ nhất: “Thỏi vàng tốt hay nắm đất tốt?”
Có lần, một vị cao tăng hỏi người Phật tử:
“Thí chủ cảm thấy một thỏi vàng tốt hay một nắm đất tốt?”.
Người Phật tử nhanh chóng trả lời:
“Tất nhiên là thỏi vàng tốt hơn nắm đất rồi”.
Cao tăng nghe xong, mỉm cười và hỏi lại:
“Vậy nếu thí chủ là một hạt giống thì sao?”.
Vị Phật tử trầm tư một hồi, cuối cùng cũng giác ngộ được đạo lý mà cao tăng muốn nói, liền cúi đầu hành lễ một cách đầy cảm kích.
Bài học rút ra: Trên thế gian này, vốn không có thứ nào hoàn toàn tốt, cũng chẳng có thứ gì hoàn toàn xấu. Đó vốn là những quy chuẩn mà con người chúng ta tự đặt ra dựa trên nhãn quan của mình.
Thực tế, thứ tốt nhất trên đời vốn là thứ thích hợp với chúng ta, còn những thứ không thuộc về ta, không dành cho ta, dù giá trị của nó to lớn đến đâu, quý giá nhường nào, thì chung quy vẫn chỉ như những phù hoa thoáng qua trên con đường nhân sinh ngắn ngủi mà thôi…
Chuyện thứ hai: Ai mới là người sai?
Có hai người nọ cãi nhau cả ngày trời chỉ vì một câu hỏi: Ba nhân tám rốt cục bằng bao nhiêu? Một người nói kết quả chắc chắn bằng 24, người kia lại cố sống cố chết cãi bằng được là 21.
Sau một hồi tranh cãi gay gắt, cả hai người quyết định đi cáo quan. Quan huyện nghe xong ngọn nguồn câu chuyện, liền nổi giận hạ lệnh:
“Đem kẻ nói ba nhân tám bằng hai tư kia lôi ra đánh 20 trượng”.
Người này không phục, bất mãn nói:
“Rõ ràng kẻ kia mới là người nói sai, vì sao quan lại đánh tôi?”
Quan huyện trả lời:
“Dù ngươi trả lời đúng, thế nhưng ngươi lại vì một chuyện cỏn con này mà tranh cãi với kẻ kia cả ngày trời, rồi còn làm kinh động tới quan phủ, vậy thì ngươi có khác gì kẻ ngu ngốc? Không đánh ngươi thì còn đánh ai?”.
Bài học rút ra: Chuyện vô ích nhất trên đời chính là bỏ thời gian ra tranh luận cùng những kẻ vô lý. Một khi đã bị cuốn vào cuộc tranh cãi vô bổ ấy, dù cho bạn có đúng thì chắc chắn vẫn phải chịu thiệt.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì dù cho lý lẽ mà bạn đưa ra có chính xác và đúng đắn tới đâu, bạn cũng không thể cãi lại một người chuyên ăn nói hàm hồ.
Muốn không trở thành người bị thiệt, hãy khắc cốt ghi tâm đạo lý đối nhân xử thế sau: Một khi đã gặp phải tiểu nhân thì chớ phí thời giờ so đo, một khi đã gặp phải chuyện rắc rối thì chớ phí tâm sức dây dưa.
Chuyện thứ ba: Tâm sinh tướng
Một ngày nọ, cậu con trai nhỏ trong nhà bỗng dưng dành cho mẹ mình lời khen tấm tắc:
“Mẹ ơi, hôm nay mẹ rất đẹp!”
Người mẹ lấy làm lạ, liền hỏi lại:
“Vì sao con đột nhiên lại nói như vậy?”
Cậu bé híp mắt cười, hồn nhiên trả lời:
“Bởi vì cả ngày hôm nay mẹ không hề tức giận dù chỉ một lần”.
Bài học rút ra: Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân tin vào quan niệm “Tâm sinh tướng”. Suy cho cùng, tướng mạo của con người chính là tấm gương phản chiếu thế giới nội tâm và nhân cách của chính họ.
Muốn sở hữu một ngoại hình ưa nhìn và dễ dàng có được cảm tình của người khác, bạn chỉ cần giữ cho tâm tính bình hòa, hạn chế tức giận, cố gắng không sân si.
Hết thảy những điều ấy chẳng những khiến cho bạn có được một dung nhan ưa nhìn, bắt mắt, mà còn khiến bạn tỏa ra một khí chất thu hút. Bởi không phí thời gian và tâm sức vào những thứ tiêu cực vốn là vẻ đẹp của sự thông minh và khôn khéo.