Giảng viên Ngoại thương: 200.000 ông cử, bà thạc thất nghiệp, đại học không phải là “tấm vé” vững chắc để có việc làm

0
854

Đối với những học sinh không có khả năng học lên cao, chúng sẽ vào trường nghề.

“Bất cứ chuyện gì xảy ra với bản thân mình mà không thuộc về tội ác thì đều là lỗi tại mình”, PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại thương nhận xét.
Không phải ai cũng cần học đại học

Việt Nam hiện có 90 triệu dân, trong đó 60 triệu lao động. Số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội năm 2014 cho biết, cả nước có 7,3% lao động có trình độ đại học trở lên, ứng với khoảng 5 triệu người, khoảng 200.000 người trong số đó chưa có việc làm (4%). Số lượng cử nhân, này luôn được duy trì trong thời gian vừa qua. Đây cũng là câu chuyện làm nóng rất nhiều diễn đàn, hội thảo.

Lý giải câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp tăng mạnh trong những năm trở lại đây, PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại Thương cho rằng không phải ai cũng phù hợp để học lên cao và tấm bằng Đại học không phải là “tấm vé” vững chắc để có việc làm.

Theo bà, khi con số 200.000 cử nhân, thạc sỹ được công bố, dư luận phần đông đã đổ lỗi cho Nhà trường vì không trang bị đầy đủ kiến thức cho sinh viên. Phần khác dư luận lại phê phán Bộ và Đào tạo đã mở quá nhiều trường Đại học, Cao đẳng (hiện Việt Nam có 2.450 trường).

“Tôi luôn muốn tìm hiểu các em có đang học vì bản thân hay không, hay vì người khác”, bà nói.

Theo đó, ở Việt Nam, tấm bằng đại học là ước mơ của mọi gia đình, bất kể nó thuộc ngành nghề gì. Chính bởi vì thế, đến tận khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn không rõ là mình học gì, làm gì, nên làm cái gì, thậm chí nhiều trường hợp phó mặc cho số phận đưa đẩy.

Nhìn ra nước ngoài, bà Ánh cho biết học sinh được hướng nghiệp từ rất sớm, ngay từ những năm cấp 2, cấp 3 để xem bản thân các em có khả năng, ham thích những cái gì. Bởi lẽ, không phải đứa trẻ nào cũng thích thú, phù hợp với đại học.

“Đối với những học sinh không có khả năng học lên cao, chúng sẽ vào trường nghề. Trường nghề trong tư duy của họ không có ý nghĩa là thấp kém”, bà nói.

Còn ở nước ta, “Chúng ta thiếu một chương trình định hướng chuyên nghiệp, vì thế, sinh viên không biết mình thích cái gì. Các em chọn trường một cách cảm tính và chịu sự tác động lớn từ bố mẹ. Thêm vào đó, chúng ta cũng quá cứng nhắc. Nếu như ở Mỹ, trong 2 năm đầu, sinh viên được học các môn đại cương, cơ sở, sau đó mới quyết định chọn ngành thì ở Việt Nam lại làm ngược lại: vào trường đã phải chọn khoa, ngành, sau đấy không thay đổi được nữa”, TS. Ánh cho biết.

Trên thực tế, trong những năm trở lại đây, hoạt động hướng nghiệp đã được một số trường đại học tổ chức cũng như tự phát ở một số nhóm cá nhân. Tuy nhiên, những vấn đề được hỏi đáp vẫn chỉ là chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hay đầu ra của trường.

“Tuyệt nhiên không có ai hỏi đến tính cách của đứa trẻ ấy là gì, ước mơ nó ra sao để tư vấn ngành nghề ”, TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho biết.

Nhưng thất nghiệp, lỗi vẫn tại bản thân

Chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường là một nguyên nhân khiến cho sinh viên ra trường thất nghiệp, năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, theo vị giảng viên Ngoại thương này thì đấy chỉ là một phần lí do. Lý do quan trọng nhất chính là bởi bản thân của sinh viên.

“Nếu cuối cùng, phải chọn quy trách nhiệm, thì phải quy cho bản thân các em. Bởi lẽ, gặp bất cứ chuyện gì thì trách nhiệm đầu tiên phải ở mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, TS. Ánh nhận xét.

Theo bà, sinh viên phải biết “tự lo lấy thân”, phải biết được cái mình muốn và tìm cách thực hiện nó chứ không phải chăm chăm đi đổ lỗi. Trường học xét cho cùng là nơi cung cấp dịch vụ, “thuận mua, vừa bán”, tất cả chương trình học được thông báo từ trước và phụ huynh, sinh viên đã chấp nhận nó.

“Nếu cảm thấy nó không phù hợp thì có thể quay lưng lại, nếu tất cả cùng thực hiện điều đó, nó sẽ tạo sức ép thay đổi. Còn như bây giờ, tất cả đều đang có vẻ tốt. Bạn đang cắm đầu cắm cổ chi tiền cho những thứ mà bạn nghĩ là không xứng đáng vậy thì đừng mong có gì thay đổi. Điều này cũng tương tự bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội”, TS. Ánh nhận xét.

Mặt khác, TS. Ánh cũng cho biết không phải sinh viên nào cũng chăm chỉ, chịu khó học tập trên giảng đường. Nhiều người ở năm cuối đại học không có khả năng soạn thảo văn bản một cách tử tế, “điều này thậm chí còn xảy ra ở những người đang làm tiến sĩ, vậy làm sao thị trường lao động chấp nhận được những người này?”, bà đặt câu hỏi.

Do đó, TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng để xin được việc, điều quan trọng là phải đảm bảo biết mình muốn cái gì. Như vậy sẽ tự bù đắp những thứ mình thiếu, mình cần, việc học tập rèn luyện những kỹ năng cần thiết liên quan. Đấy chính là cách thức duy nhất để trở nên có giá trị trên thị trường lao động.

Theo Đức Minh
Trí thức trẻ

BÌNH LUẬN