Suốt nhiều năm qua, người dân nghèo từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về Dubai để tìm kiếm việc làm tại các công trường
UAE là đất nước nổi tiếng với sự giàu có và xa hoa bậc nhất thế giới, thế nhưng ẩn đằng sau nó là những góc khuất thầm lặng mà có lẽ không nhiều du khách biết được khi đặt chân đến đây.
Sonapur là một khu trại lao động ở ngoại ô Dubai, nằm tách biệt khỏi chốn phồn hoa đô hội dát vàng, khỏi những tòa nhà chọc trời, và khỏi sự giàu có có thể sờ thấy được ở đây. Mỉa mai thay, Sonapur còn có nghĩa là Thành phố Vàng trong tiếng Hindi, và nó là nơi sinh sống của hơn 150.000 công nhân, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, và Trung Quốc, quây quần trong những khu nhà tập thể chật chội, mất vệ sinh, nóng bức, và với đồng lương còm cõi.
Dubai hoa lệ đang che giấu những góc khuất vô cùng tàn nhẫn.
30 năm về trước, phần lớn diện tích ở Dubai chỉ là sa mạc khô cằn. Thế nhưng bây giờ nó đã trở thành một trong những trung tâm thương mại và địa điểm du lịch sang chảnh bậc nhất thế giới, ngày càng phình to về kích thước và độ giàu có. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu ngầm rằng có ba tầng lớp người chủ yếu sinh sống ở Dubai, đó là Emirati (công dân UAE), người ngoại quốc sinh sống và làm việc tại đây, và tầng lớp lao động đã xây dựng nên thành phố này, cũng là tầng lớp thấp bé nhất.
Suốt nhiều năm qua, người dân nghèo từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về Dubai để tìm kiếm việc làm tại các công trường và mỏ dầu ngày một mọc lên như nấm ở đây. Thế nhưng ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay, hộ chiếu của họ liền bị tịch thu và họ bị đưa tới Sonapur, một nơi thậm chí còn không có tên trên bản đồ, rồi dễ dàng bị trói buộc và điều khiển.
Những người công nhân này phải làm việc trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Họ buộc phải làm việc dưới cái nóng thiêu đốt của sa mạc, nơi mùa hè nhiệt độ có thể lên đến đến 50oC, với đồng lương chỉ có khoảng 800 AED (gần 5 triệu đồng) mỗi tháng và 14 giờ làm việc mỗi ngày. 500 AED (3 triệu đồng) trong số đó sẽ được gửi về quê nhà cho gia đình, và họ phải chật vật sống với số tiền ít ỏi còn lại. Thậm chí có khi họ hết hợp đồng nhưng không được gia hạn, bị quịt lương đến vài tháng, và không biết phải kêu ai.
Rời khỏi công trường, các công nhân này trở về những khu nhà tập thể chật chội và bẩn thỉu, nơi 6-8 người chen chúc nhau trong một phòng ngủ có 6 giường, đồ đạt cũ kỹ và hư hỏng, nấu nướng và ăn uống trong những gian bếp mất vệ sinh, nơi người và vật nuôi chen lấn nhau đi ra đi vào.
Những gian bếp chật chội và bẩn thỉu.
Điều kiện nấu nướng và ăn uống rất mất vệ sinh.
Người và vật nuôi chen chúc với nhau.
Một khu nhà tập thể dành cho công nhân.
Họ phải ngủ trong những căn phòng như thế này.
Thế nhưng, tất cả những điều đó đều là góc khuất bí mật mà không một người dân nào ở UAE muốn cho thế giới biết đến. Thậm chí chúng còn là điều bí mật đối với cả những người phương Tây ngoại quốc sinh sống và làm việc ở đây, đi trên những chiếc xe bóng loáng và ngồi trên những tòa nhà chọc trời, mỗi tháng được hưởng mức lương cũng trên trời. Chúng bị che dấu hoàn toàn khỏi báo chí, khỏi các phương tiện truyền thông, và khỏi ánh mắt tò mò của thế giới.
Chỉ đến khi một nhiếp ảnh gia người Iran có tên Farhad Berahman tìm cách vào được đây và tiếp cận với những con người tha hương nghèo khổ này, bức màn bí ẩn về những góc khuất tăm tối đó của Dubai mới dần được hé lộ. Vì khu vực này bị kiểm soát khá chặt chẽ nên Farhad chỉ có thể chụp những tấm ảnh này vào ban đêm và những lúc an ninh lỏng lẻo.
“Sau khi gặp gỡ những công nhân và bắt đầu tìm hiểu họ, tôi nhận ra rằng họ rất sợ tôi,” Farhad cho biết. “Nhưng sau đó, một người trong số họ biết tiếng Anh đã cho tôi biết rằng họ tưởng tôi là người của chính phủ nên thấy sợ hãi.”
Một công nhân Trung Quốc kêu gọi giúp đỡ vị bị quịt tiền.
Farhad cho biết anh bị bắt một lần và bị dọa đưa đi gặp cảnh sát vì khu vực này cấm chụp ảnh, thế nhưng sau đó anh thoát được nhờ nói dối rằng mình chỉ là khách du lịch đi lạc. Trở về sau chuyến đi này, Farhad cho biết anh hy vọng rằng những tấm ảnh anh chụp được sẽ giúp thế giới hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra quanh họ, và nếu có ai đó cảm thấy xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn này, họ có thể làm điều gì đó để giúp đỡ.
“Tôi nghĩ rằng việc đối xử với con người quá tàn nhẫn là vi phạm nhân quyền, thế nhưng điều đó vẫn còn tồn tại quanh chúng ta. Tôi không thể bắt người khác phải suy nghĩ như thế nào về những tấm ảnh này, nhưng tôi tin rằng bản thân chúng đã tự nói ra được rất nhiều điều.”
Họ tự chế ra trò chơi này để giải trí.
Bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập.
Một khu chợ tồi tàn, đồ ăn rất rẻ.
Có lẽ Dubai không phải chỉ có vàng như người ta vẫn tưởng.
(Ảnh: Daily Mail)
Theo Yan