Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia trước việc cây phong lá đỏ vừa được trồng trên một số tuyến phố ở Hà Nội.
Cây phong lá đỏ được Hà Nội trồng thử nghiệm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. (Ảnh: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội).
Nói về việc Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ trên một số tuyến phố như Láng, Trần Duy Hưng, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp cho rằng, muốn trồng một loại cây trên đường phố Hà Nội thì trước tiên phải có sự thử nghiệm trước, phải trồng thử xem cây đó có thích hợp với điều kiện đất đai của Hà Nội hay không. Nếu nó phù hợp thì mới đem ra trồng đại trà, còn nếu không nó sẽ chết lụi ở trong vườn ươm.
Ông Cường cho rằng, một loại cây đưa từ vùng ôn đới đến vùng nhiệt đới thì bản thân nó đã có sự khác biệt hoàn toàn về đất đai, khí hậu cho nên phải có sự thử nghiệm. Không thể cứ thấy cây phong đẹp đẹp, hay hay mà đem ra trồng được, như vậy là không thích hợp.
“Ở Hà Nội, chúng ta biết rằng tầng nước ngầm rất cao, đào xuống 50-60cm thôi là đã có nước ngầm, câu hỏi đặt ra là cây đó có thích nghi được không? Rồi vấn đề khi hậu, như năm 2017 vừa rồi Hà Nội có đợt nắng tới 42 độ, liệu một loại cây nhiệt đới như phong lá đỏ có chịu được hay không? Không ai khẳng định được việc này cả” – chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường khẳng định.
Cũng theo ông Cường, nếu không thử nghiệm trước mà đem ra trồng ồ ạt, trong trường hợp cây không thích ứng được mà chết thì sẽ gây tổn hại lớn cho ngân sách.
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng khi trồng bất cứ loại cây nào cũng phải thử nghiệm. “Phải rất thận trọng khi trồng loại cây này, bởi thứ nhất đó là loại cây nhập ngoại, thứ hai phải xem cây đó có sống được trong khí hậu của Việt Nam hay không, thứ ba phải xem nó có ảnh hưởng đến những vấn đề khác hay không. Ví dụ, cây này rụng lá rất nhiều sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và công việc cho người quét rác” – GS.TS Hoàng Xuân Cơ phân tích.
Trước đó, tại hội thảo về cây xanh, hồ nước diễn ra sáng 13.1, ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) cho biết, khí hậu nước ta rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới. Chủ tịch Hà Nội cho rằng khoảng một năm nữa chúng ta hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được cây phong này. Và theo ghi nhận, hàng trăm cây phong lá đỏ có đường kính khoảng 25cm đã được đánh chuyển về trồng tại đường Trần Duy Hưng. Loại cây thuộc xứ lạnh này cũng được trồng ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ trên khoảng đất dải phân cách.
Nguồn: Lao Động