Phán quyết của tòa Tối cao sẽ mở ra một kỷ nguyên mới xung quanh cuộc chiến bản quyền thiết kế.
Mới đây, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đứng về phía Samsung trong cuộc chiến pháp lý với Apple. Phán quyết này có thể thay đổi hoàn toàn bản chất của các bằng sáng thế thiết kế.
Sau thời gian nghị án tương đối ngắn, tòa Tối cao đã thống nhất đứng về phía Samsung trong cuộc chiến pháp lý với Apple.
Tòa Tối cao đã phán quyết rằng những bằng sáng chế nhỏ lẻ sẽ chỉ mang ý nghĩa nhỏ lẻ chứ không bao quát toàn bộ như những gì luật pháp quy định hiện tại. “Đây là một kết quả tốt”, Sarah Burstein, giáo sư tại Đại học Luật Oklahoma chia sẻ. “Đây chính xác là những gì tôi hy vọng họ sẽ thực hiện”.
Hiện tại, vụ kiện tụng giữa Apple và Samsung sẽ được chuyển lại phía tòa Liên bang để có phán quyết cuối cùng. Samsung có thể hoặc không nhận về hàng trăm triệu USD nhưng phán quyết của tòa Tối cao sẽ ảnh hưởng tới tất cả những công ty nộp bằng sáng chế thiết kế trong nhiều năm tới. Dưới đây là bài phân tích về những gì đã xảy ra và tại sao nó lại quan trọng như thế của Fast Company.
Ban đầu, Apple yêu cầu Samsung đền bù tới hơn 1 tỷ USD cho những thiết hại hãng phải gánh chịu. Năm 2015, số tiền được rút xuống còn 930 triệu USD nhưng Samsung vẫn chưa muốn hoàn trả.
Điều gì đang bị đe dọa?
Trong tháng 12/2015, Samsung đã bị buộc phải trả Apple toàn bộ lợi nhuận của 19 thiết bị mà tòa Liên bang cho rằng vi phạm bằng sáng chế của Apple. Tổng số tiền lên tới 548 triệu USD. Tuy nhiên, Samsung hy vọng lấy về được 399 triệu USD. Như bạn thấy, Samsung không bị buộc tội sao chép iPhone. Thay vào đó, họ bị cáo buộc xâm phạm ba bằng sáng chế thiết kế gồm: Bằng sáng chế cho góc tròn phía trước của iPhone, bằng sáng chế cho góc bo tròn cộng thêm với cạnh bo tròn của iPhone và bằng sáng chế cho lưới biểu tượng ứng dụng bạn thấy trên iOS.
Những sáng chế này có vẻ chỉ là các chi tiết nhỏ nhưng tiền lệ pháp lý kỳ lạ tồn tại hàng thế kỷ khiến người xâm phạm một sáng chế dù nhỏ nhất cũng phải bồi thường toàn bộ lợi nhuận của thiết bị vi phạm. Do vậy, Samsung phải bồi thường cho Apple toàn bộ lợi nhuận của các thiết bị vi phảm bản quyền.
Nhờ đệ trình lên tòa Tối cao, Samsung hy vọng rằng họ có thể chứng minh rằng nhừng sáng chế nhỏ lẻ này không đáng để họ phải bồi thường tổng số 548 triệu USD. Hành động này của Samsung còn thách thức tiền lệ pháp lý về sức mạnh của các bằng sáng chế thiết kế đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Điều gì đã xảy ra tại tòa Tối cao?
Tòa Tối cao đã phán quyết rằng một “article of manufacture” bên trong một sáng chế thiết kế không nhất thiết là một sản phẩm hoàn chỉnh, mâu thuẫn với lập luận của Apple và lịch sử của luật sáng chế thiết kế. Thay vào đó article of manufacture có thể chỉ là một phần của sản phẩm. Và kết quả là, nếu ai đó xâm phạm một bằng sáng chế thiết kế, người sở hữu sáng chế thiết kế ấy sẽ chỉ bồi thường một phần lợi nhuận.
Theo luật sáng chế thiết kế của Hoa Kỳ, article of manufacture là một trong bốn thứ có thể được cấp bằng sáng chế thiết kế.
Đáng chú ý là tòa Tối cao không hề phán quyết Samsung sẽ phải bồi thường cho Apple bao nhiêu và cũng không chỉ ra những vi phạm của Samsung chiếm bao nhiêu phần trăm lợi nhuận. Phán quyết của tòa Tối cao sẽ mở ra một kỷ nguyên mới xung quanh cuộc chiến bản quyền thiết kế.
Ai là người quyết định rằng phong cách bo tròn mang tính biểu tượng của Apple chiếm 1% lợi nhuận của Samsung hoặc 10%, hay 99%? Làm thế nào để đưa ra những lập luận như Samsung đã làm? Các công ty sẽ phải cung cấp những bằng chứng nào? Tất cả những câu hỏi trên cần phải được xem xét một cách cẩn thận khi có một trường hợp cụ thể để các thẩm phán có thể xác định chủ sở hữu bằng sáng chế gốc xứng đáng nhận được bao nhiêu lợi nhuận từ công ty vi phạm.
Thay vì tự mình thử nghiệm, tòa Tối cao đẩy vụ án Samsung và Apple trở lại tòa Liên bang để họ quyết định xem Samsung phải bồi thường cho Apple bao nhiêu. “Tòa Tối cao gửi tin nhắn tới tòa Liên bang rằng: “Các anh đã tính sai nhưng chúng tôi sẽ không tính lại””, Burstein nói. Để tính ra khoản phí cuối cùng mà Samsung phải bồi thường tòa Liên bang có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm.
Phán quyết của tòa Tối cao có ý nghĩa như thế nào với dân thiết kế?
Đích đến cuối cùng của mọi cuộc tranh chấp là tòa Tối cao nhưng chẳng một ai, kể cả Apple và Samsung, có thể đưa ra được một giải pháp hoàn chỉnh.
“Thẳng thắn mà nói đây là cách tốt nhất để giải quyết vụ tranh chấp này”, Burstein chia sẻ. “Mọi thứ sẽ rối tung nếu tòa Tối cao tự mình tính chi phí bồi thường mà Samsung phải trả bởi họ không chuẩn bị cho việc này”. Trong lịch sử, tòa Tối cao đã từng mất tới 40 năm để xử lý tranh chấp pháp lý xung quanh thiết kế đồng phục của các đội nữ cổ động.
Hiện tại, tòa Liên bang sẽ có thời gian để nghĩ ra một cách tiếp cận mới nhằm chứng minh và phân tích giá trị của từng sáng chế thiết kế. Và tiền lệ này không chỉ ảnh hưởng tới những phiên tòa tiếp theo trong cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung mà còn định hình cách xử lý cho những tranh chấp bằng sáng chế tại tòa án trong nhiều năm tới.
“Có thể họ sẽ thiết kế một quy tắc khiến bằng sáng chế trở nên ít giá trị hơn”, Burstein nói. “Tôi chắc chắn rằng có nhiều người muốn các bằng sáng chế thiết kế bị hủy bỏ nhưng điều đó sẽ không trở thành sự thật. Trong 99% các trường hợp, tôi nghĩ các công ty vẫn sẽ vướng vào các vụ tranh chấp pháp lý về sáng chế thiết kế và họ vẫn sẽ sợ vi phạm sáng chế của các hãng khác”.
Nguồn : cafebiz