Đến nay, sau sáu khoá, chương trình TFI đã tạo ra hơn 60 công ty khởi nghiệp, huy động hơn 20 triệu USD từ các quỹ và có tổng định giá hơn 100 triệu USD, trong đó có Appota, S3, Kyna, Beeketing, Atadi, Monkey Junior.
1. Trần Mạnh Công, 30 tuổi
Đồng sáng lập, Topica Founder Institute
Đưa chương trình ươm tạo khởi nghiệp Topica Founder Institute (TFI) tại Mỹ về Việt Nam năm 2011, Trần Mạnh Công cùng đội ngũ xây dựng mạng lưới hơn 80 cố vấn, những nhà sáng lập có kinh nghiệm tham gia ươm tạo các dự án khởi nghiệp, cùng mạng lưới hơn 50 quỹ đầu tư quốc tế thường xuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của Topica.
Đến nay, sau sáu khoá, chương trình TFI đã tạo ra hơn 60 công ty khởi nghiệp, huy động hơn 20 triệu USD từ các quỹ và có tổng định giá hơn 100 triệu USD, trong đó có Appota, S3, Kyna, Beeketing, Atadi, Monkey Junior.
Công cũng tham gia đầu tư, quản trị ở một số công ty công nghệ tài chính như Tima, BankGo hay F88. Công tốt nghiệp ngành cử nhân Quốc tế học, ĐH Hà Nội.
2. Phạm Anh Đức, 29
Sáng lập và điều hành công ty cổ phần Vicare
Phạm Anh Đức là CEO và sáng lập của ViCare, nền tảng tra cứu thông tin y tế và kết nối người dùng và các dịch vụ y tế tại Việt Nam. Đi vào hoạt động cuối năm 2015, hiện nay, Vicare.vn có cơ sở dữ liệu kết nối với khoảng 50.000 cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên toàn quốc; 43.000 bác sĩ, có 150.000 lượt câu hỏi và tư vấn của bác sỹ.
Từ 100.000 USD vốn ban đầu, sau 8 tháng thành lập, Vicare nhận vốn của hai quỹ đầu tư quốc tế là CyberAgent Ventures (Nhật) và Pix Vine Capital (Singapore) với số vốn 525.000 USD. Đầu năm 2018, Vicare đang thực hiện vòng gọi vốn tiếp theo.
3. Bùi Quang Huy, 30
Đồng sáng lập, COO, Rikkeisoft
Bùi Quang Huy đồng sáng lập công ty Rikkeisoft năm 2012 chuyên sản cung cấp dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Huy phụ trách sản xuất, điều phối nguồn lực, chăm sóc khách hàng, tuyển dụng, đào tạo và đảm nhận các chức vụ CTO đến COO từ lúc thành lập đến nay.
Là công ty 100% vốn Việt Nam, Rikkeisoft đang làm việc với trên 85 đối tác Nhật Bản, với hơn 500 dự án. Rikkeisoft có bốn năm liên tiếp được hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam bình chọn là một trong 50 doanh nghiệp IT hàng đầu Việt Nam (2014 – 2017) và ba năm liên tiếp nhận giải Sao Khuê cho lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin gia công xuất khẩu phần mềm (2015 – 2017). Huy tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại ĐH Ritsumeikan (Nhật Bản).
4. Nguyễn Văn Quang Huy, 28
Đồng sáng lập và CTO, Holistics
Nguyễn Văn Quang Huy là đồng sáng lập kiêm Giám đốc kĩ thuật (CTO) của Holistics, công ty cung cấp dịch vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu và phân tích báo cáo (Business Intelligence – BI Platform) cho khách hàng doanh nghiệp. Holistics giúp khách hàng tự động hóa hoàn toàn quy trình tổng hợp dữ liệu và xuất báo cáo mỗi ngày. Công ty có khách hàng trên 16 nước, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á, trong đó có Grab và Traveloka.
Bên cạnh việc kinh doanh, Huy cùng một người bạn thành lập Grokking Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ phát triển cho các lập trình viên và kỹ sư CNTT Việt Nam. Đến nay, Grokking đã tổ chức hơn 20 buổi chia sẻ chuyên sâu với chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm trong ngành, thu hút từ 50-100 người tham dự mỗi buổi. Huy từng thực tập tại Facebook (2011), và làm việc tại Viki, công ty khởi nghiệp được tập đoàn Rakuten (Nhật Bản) mua lại, với vai trò trưởng nhóm kĩ sư hạ tầng dữ liệu. Huy tốt nghiệp loại giỏi ngành Khoa học máy tính, ĐH quốc gia Singapore (NUS).
5. Nguyễn Khôi, 27
Sáng lập, CEO, WeFit
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính viện Công nghệ Illinois (Illinois Institute of Technology), trong bốn năm thực hiện các dự án khởi nghiệp, sau một vài thất bại, Nguyễn Khôi đồng sáng lập Edumall, sàn giao dịch về các khoá học trực tuyến tại Đông Nam Á.
Sau khi thoái vốn và rút ra khỏi công việc điều hành của Edumall vào tháng 8/2016, Khôi và các cộng sự thành lập WeFit vào tháng 9/2016. Đây là ứng dụng được xây dựng theo nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ, phục vụ cả hai đối tượng là người tập và các đơn vị cung cấp dịch vụ thể dục.
Người dùng đăng ký thành viên của WeFit, trả phí hội viên là có thể tham gia tập luyện tại hơn 500 địa điểm tại Hà Nội và TP. HCM. Wefit giúp khách hàng có nhiều lựa chọn về việc tập luyện, được trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn và giúp các phòng tậpcó thêm người tập vào các khung giờ còn chỗ trống. Hiện tại của WeFit hợp tác với hơn 550 đối tác là các phòng tập lớn nhỏ ở Hà Nội và TP. HCM, với doanh thu trong năm 2017 đạt 700 ngàn đô la Mỹ.
6. Lưu Thế Lợi, 27
Lưu Thế Lợi là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Kyber Network, mô hình sàn giao dịch tiền mã hoá, doanh nghiệp vừa huy động được 52 triệu USD từ hơn 21.000 thành viên tại hơn 100 quốc gia.
Trước Kyber Network, Lợi phát triển Oyente, ứng dụng phân tích an ninh mã nguồn mở cho các hợp đồng thông minh (những điều khoản và thực thi thỏa thuận của hệ thống máy tính bằng cách sử dụng công nghệ chuỗi khối – blockchain) của đồng tiền Ethereum giúp các nhà phát triển dễ dàng xác minh hợp đồng thông minh của họ. Lợi cũng đồng sáng lập SmartPool, một giao thức đào chung (pooled mining) tiền điện tử phi tập trung.
Lưu Thế Lợi từng nhận học bổng nghiên cứu khu vực châu Á của viện Nghiên cứu Microsoft. Anh tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và vừa hoàn tất bằng tiến sĩ trong lĩnh vực blockchains và tiền điện tử tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS).
7. Dương Quỳnh Phương, 30
Dương Quỳnh Phương là Phó chủ tịch NSI Ventures, quỹ đầu tư chuyên đầu tư vòng A/B vào các công ty khởi nghiệp đã chứng minh được mô hình kinh doanh và có doanh thu.Ở Việt Nam, Topica là khoản đầu tư đầu tiên mà Phương phụ trách, bên cạnh khoản đầu tư vào Oway, công ty công nghệ trong ngành du lịch và giao thông vận tải của Myanmar.
Ngoài công việc đầu tư, Phương cũng là cố vấn cho các dự án khởi nghiệp. Cô là một trong ba nhà sáng lập SheVC, cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm nữ khu vực châu Á thành lập vào tháng 4/2017, đang phát triển ở chín thành phố châu Á, thu hút hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm (VC) nữ tham gia mạng lướivới mục tiêu tạo nên tiếng nói có ảnh hưởng cho phụ nữ trong giới đầu tư mạo hiểm.
8. Hà Thị Tú Phượng, 25
METUB hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ quảng bá, phân tích lượng truy cập và phát triển nội dung trên nền tảng YouTube. METUB, một trong bốn công ty đối tác tại Việt Nam được YouTube công nhận, giúp cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam (trong đó có các nghệ sĩ) tiếp cận tới khán giả trong và ngoài nước.
Tháng 2/2016, công ty nhận được đầu tư từ WebTVAsia – công ty giải trí, sản xuất, phân phối nội dung truyền thông kỹ thuật số có trụ sở tại Malaysia có chi nhánh tại chín nước trên toàn châu Á. Hiện tại METUB Network đang quản lý và phát triển hơn 800 kênh nội dung trên YouTube với hơn một tỷ lượt xem hằng tháng. Thời còn là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2010 – 2014, Phượng là một trong tám đại sứ sinh viên Google, cơ hội giúp cô biết đến khái niệm YouTube Partner và mở ra con đường kinh doanh của riêng mình.