Café lâu nay mà người ta nói rằng trộn thêm bột đậu nành hay bột bắp thì tôi cho rằng không phải là café bẩn mà là café pha chế. Giống như làm bánh, bạn có thể cho thêm loại bột khác vào và đó là thị hiếu người Việt Nam nhưng vấn đề là đảm bảo chất lượng ra sao.
Ông Trần Quang Trung (phải) tại sự kiện do Soha.vn tổ chức ngày 28/12. Ảnh: Soha
Đó là chia sẻ của ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai?. Sự kiện diễn ra tại TP HCM ngày 28/12.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, người điều phối chương trình, nhà báo Bùi Ngọc Hải, phó tổng biên tập Trí thức trẻ nêu vấn đề rằng: Đã có nhiều người uống café 8 nghìn ở Sài Gòn, café 8 nghìn thì có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
“Trước hết, tôi phải nói rằng, tôi là dân nghiện café, 40 năm uống café. Một ngày tôi không uống café là thiếu một lượng cafein. Tôi nói đến cá nhân tôi là người tiêu dùng café. Cơ thể tôi thiếu café và tôi phải đi tìm đến café nhưng là café thật. Khi tôi nghiện rồi, tôi uống và biết đâu là café thật”, ông Trung nói.
Ông Trung nói tiếp: “Quay lại câu hỏi của anh, tôi nghĩ rằng không phải pha nguyên chất cả hạt café thì là café sạch. Tôi không đi nhiều quốc gia nhưng tôi nghĩ phin café chỉ có mỗi ở Việt Nam. Hiện nay, người ta thường pha bằng công nghiệp. Họ cho nguyên hạt tự xay và chế biến trong khách sạn. Đó là loại café chua. Nhiều người Việt Nam nghiện café thì không dùng loại này”.
Lãnh đạo Hiệp hội An toàn thực phẩm dẫn giải: Tại Thụy Sĩ, Nhật Bản hay Việt Nam, người ta trộn café với hạt đậu nành. Hạt đầu nành có một số chất dinh dưỡng nhưng quan trọng là đậu nành khử được cái chua của hạt café nguyên chất.
Ông Trung cho rằng dân nghiện café như ông uống café nguyên chất thì thấy chua và không hợp. “Đi nước ngoài đến khách sạn 5 sao, tôi không uống được loại đó và phải ra quán uống café trộn. Quốc tế cho phép, luật pháp cho phép trộn café. Vấn đề là anh pha trộn để đảm bảo chất lượng như thế nào. Luật quốc tế quy định cafein là bao nhiêu vì ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Có loại café cao quá thì phải giảm bớt đi. Như tôi, vài năm nữa có thể do sức khỏe, tôi phải uống café nhưng không có cafein”, ông Trung giải thích thêm.
Người đàn ông lục tuần đề cập đến chuyện thị trường ở ngoài quán cóc quá nhiều, không kiểm soát được chất lượng, họ có thể mua hóa chất, hương liệu và chỉ cho rất ít café thì giá thành giảm.
Ông kể thêm về thói quen uống café của bản thân: Café trong khách sạn tôi không uống được và lương tôi cũng không đủ để uống. Tôi vẫn uống ở quán nhỏ nhỏ ở ngoài và ở Hà Nội, tôi thấy 8-10 ngàn vẫn đảm bảo. Một số quán café moca ở Hà Nội, tôi vẫn uống thường xuyên. 60 tuổi vẫn chưa thấy ung thư.
Lãnh đạo Hiệp hội khẳng định café lâu nay mà người ta nói rằng trộn thêm bột đậu nành hay bột bắp thì tôi cho rằng không phải là café bẩn mà là café pha chế. Giống như làm bánh, bạn có thể cho thêm loại bột khác vào và đó là thị hiếu người Việt Nam.
Phần cuối câu trả lời, ông Trung ví von: Tôi cho rằng nếu không có trộn café thì không còn ly café tanh tách bên cửa sổ trời mưa lay bay, các nhạc sĩ không thể sáng tác được bài thơ hay bài hát lãng mạn được. Do đó, Việt Nam vẫn phải dùng café trộn đó.