Những chú voi con hoảng sợ này sau đó bị nhốt vào một cái lồng như một nhà tù thu nhỏ. Chúng bị bỏ đói, không cho uống bất cứ giọt nước nào, xung quanh đều là những âm thanh đáng sợ khác đến mức không có phút giây nào được nghỉ ngơi.
Du lịch cưỡi voi đã và đang thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan,… Tuy nhiên, sự thật đằng sau hình thức du lịch hấp dẫn này lại khiến nhiều người rùng mình.
Ngành du lịch hấp dẫn
Du lịch ở các quốc gia châu Á luôn thu hút đông đảo các du khách phương Tây bởi nét độc đáo trong văn hóa, ẩm thực và kèm theo đó là nhiều hoạt động thú vị, trong đó, cưỡi voi, hay chụp hình với voi là hình thức được ưa chuộng hơn cả. Người ta ước tính rằng du lịch bằng cách cưỡi voi thu hút 800.000 người Anh đến thăm Ấn Độ mỗi năm và 880.000 người đến Thái Lan, Sri Lanka, Bali và Trung Quốc.
Nhờ vào sự hiếu kỳ và nhu cầu ngày càng cao của du khách, hình thức du lịch với những chú voi này đem về món lợi nhuận lớn cho các công ty du lịch. Người ta ước tính rằng số tiền mà công ty thu về có thể lên đến 100 triệu euro mỗi năm. Trong các lễ hội Ấn Độ, một chú voi có thể kiếm được số tiền bằng khoảng tiền lương trung bình của một công nhân làm trong 2 tuần.
Nhiều du khách hứng thú với việc chụp ảnh cùng những chú voi hiền lành.
Cuộc sống đầy đòn roi của những chú voi đáng thương
Tuy nhiên, đằng sau những màn biểu diễn làm thỏa mãn, hài lòng du khách lại là một cuộc sống đầy đòn roi của những chú voi đáng thương.
Đầu tiên, những chú voi con sẽ bị bắt ngay từ khi mới được sinh ra. Đau lòng hơn là khi chúng phải chính mắt chứng kiến mẹ mình bị bắn chết ngay trước mặt, thậm chí bất cứ những con voi trưởng thành nào trong bầy muốn can thiệp cũng đều bị bắn chết. Người ta ước tính cứ mỗi chú voi con bị bắt, có đến 7 hoặc 8 voi trưởng thành bị giết hại.
Những chú voi con hoảng sợ này sau đó bị nhốt vào một cái lồng như một nhà tù thu nhỏ. Chúng bị bỏ đói, không cho uống bất cứ giọt nước nào, xung quanh đều là những âm thanh đáng sợ khác đến mức không có phút giây nào được nghỉ ngơi.
Chúng còn bị đánh bằng búa, dùi cui, bị đâm bởi những cái roi có gai sắt nhọn. Gần 50% số voi bị bắt chết do bị hành hạ, 10% chết do quá hoảng sợ và đau đớn. Những chú voi nào mạnh mẽ vượt qua khoảng thời gian “địa ngục” ấy cũng phải sống nửa đời còn lại trong nỗi lo sợ, ám ảnh tột cùng.
Những chú voi bị bắt về từ nhỏ và luôn trong tình trạng bị giam cầm.
Không những vậy, chúng còn bị đánh đập hết sức dã man.
Đằng sau màn biểu diễn ngắn ngủi lại là chuỗi ngày dài bị đánh đập, hành hạ của những chú voi tội nghiệp.
Vào buổi tối, những chú voi này lại một lần nữa bị xiềng xích và tra tấn. Điều này vẫn cứ tiếp diễn cho đến khi chúng không thể chịu đựng được nữa mà chết đi. Mới đây trang The Sun đã tiết lộ cảnh ngộ của chú voi Gajraj và gây ra một cú sốc lớn trên toàn cầu. Gajraj phải chịu đựng sự giam lỏng và hành hạ trong suốt 50 năm để làm nguồn thu hút khách du lịch ở một ngôi đền miền Tây Ấn Độ.
Gajraj phải chịu đựng sự giam lỏng và hành hạ trong suốt 50 năm để làm nguồn thu hút khách du lịch ở một ngôi đền miền Tây Ấn Độ.
Trên thực tế vẫn còn có hàng nghìn chú voi ở các quốc gia châu Á khác phải chịu đựng cuộc sống chẳng khác gì “địa ngục trần gian”. Người ta tính toán rằng, hiện nay, số lượng voi còn lại chỉ có 40.000 con, giảm hàng triệu con so với cách đây vài thế kỷ, một phần tư số này đang bị giam giữ.
Ông Duncan McNair, CEO của Hội cứu trợ voi Châu Á nói rằng: “Trên thực tế, bất cứ chú voi nào dù là biểu diễn xiếc hay để cưỡi cũng phải trả qua quá trình “huấn luyện” khắc nghiệt này. Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến một chú voi con bị đánh bởi cái gậy có những đầu kim loại sắt nhọn đang la hét trong đau đớn”.
Nhiều du khách lầm tưởng rằng những chú voi này “trông rất ổn” và “vui vẻ” khi gặp họ nhưng thật sự không phải. Du khách sẽ không bao giờ hiểu được những chú voi đang biểu diễn trước mắt họ hay phương tiện họ đang cưỡi phải trải qua những đau đớn như thế nào. Ông McNair nói: “Nếu nhìn kỹ vào những chú voi này, bạn sẽ thấy được sự đau khổ trong ánh mắt và vẻ ngoài của chúng”. Ông giải thích thêm: “Một phản ứng tâm lý có thể dễ nhận thấy được là đầu của những chú voi sẽ lắc lư qua lại và vẻ mặt lộ rõ sự mệt mỏi, kiệt sức”.
Nhiều du khách lầm tưởng rằng những chú voi này “trông rất ổn” và “vui vẻ” khi gặp họ nhưng thật sự không phải.
Khi nào khách du lịch trên khắp thế giới còn có nhu cầu chụp hình cùng với loài động vật to lớn này hay muốn trải nghiệm cảm giác cưỡi trên lưng voi thì những chú voi đáng thương vẫn phải chịu đựng sự hành hạ trong một thời gian dài. Nếu chúng ta không nâng cao ý thức cộng đồng và “ép” các nhà chính sách vào cuộc để giúp thay đổi ngành du lịch “tàn ác” này, không sớm thì muộn sẽ chẳng còn bất kỳ một con voi nào ở châu Á nữa.
Khi nào khách du lịch trên khắp thế giới còn có nhu cầu cưỡi voi thì những chú voi đáng thương vẫn phải chịu đựng sự hành hạ trong một thời gian dài.
Khi nào khách du lịch trên khắp thế giới còn có nhu cầu cưỡi voi thì những chú voi đáng thương vẫn phải chịu đựng sự hành hạ trong một thời gian dài.
Niềm vui của du khách nhưng lại là sự đau đớn của những chú voi.
McNair cùng nhóm bạn của mình đã kêu gọi hành động từ chính phủ Anh hãy làm việc cùng với chính phủ Ấn Độ để giải quyết nạn bạo hành voi này. Họ đề nghị sẽ có hình thức cấm quảng cáo hay bán vé đến bất cứ hoạt động nào có liên quan đến những chú voi châu Á trừ khi họ có thể chứng minh được không hề có sự bạo hành nào xảy ra với những chú voi này. McNair tin rằng điều này sẽ giúp giảm thiểu lượng khách du lịch tham gia vào hoạt động này.
Tháng 10 vừa qua, trang web du lich lớn nhất trên thế giới, Tripadvisor, đã gỡ bỏ tất cả bài quảng cáo về dịch vụ cưỡi voi. Điều này cũng được áp dụng với những hình thức du lịch có sử dụng động vật hoang dã, động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều website ở Anh vẫn quảng cáo và bán vé du lịch động vật như thế này.
Du lịch cưỡi voi – thú vui mạo hiểm
Không chỉ gây nguy cơ tuyệt chủng cho loài voi, hình thức du lịch này còn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của nhiều du khách lẫn người quản tượng. Vào tháng 2 năm ngoái, du khách Gareth Crowe, 36 tuổi đến từ Renfrewshire đã thiệt mạng khi bị chú voi giẫm lên trong chuyến đi tham quan rừng nhiệt đới tại Thái Lan.
Cưỡi voi hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn an toàn và thông minh cho cả bạn và gia đình.
Đây không phải là ví dụ duy nhất cho việc những chú voi này hóa “điên” khi làm việc quá sức. Theo tin tức kể lại, sau vụ việc, chú voi trên đã bị hành hạ cả đêm. Người dân địa phương có thể nghe tiếng hét của chú cách đó từ rất xa và kéo dài suốt hàng tiếng đồng hồ. Thế nhưng vài ngày sau đó, công ty du lịch lại để chú quay lại “công việc” chở khách du lịch. Điều này chứng tỏ họ không hề quan tâm hay có bất cứ biện pháp bảo vệ nào cho an toàn của du khách.
Một trường hợp khác là của Atork tại làng Pu Tang thuộc tỉnh Mondulkiri phía đông bắc Campuchia, con voi đực 60 tuổi đã giẫm chết người quản tượng sau khi được tháo hết xích sắt để chụp ảnh cùng những vị khách. Atork tỏ ra không hứng thú với việc chụp ảnh và bỏ vào rừng để lẩn trốn. Khi Choeung Team, người quản tượng đuổi theo, nó tấn công ông bằng vòi trước khi giẫm đạp lên mình người quản tượng đến khi ông tắt thở.
Tương lai nào cho những chú voi khốn khổ?
Ngành du lịch có sử dụng động vật nói chung, hay hình thức du lịch cưỡi voi nói riêng là mối nguy hại to lớn đến sự tồn tại của loài vật đó. Muốn chấm dứt tình trạng hành hạ những chú voi đáng thương này, chúng ta cần có biện pháp nâng cao ý thức của du khách trong việc bảo vệ động vật, để chúng sống với bản chất tự nhiên của mình thay vì phải dùng bạo lực để ép chúng phục tùng.
Chúng ta nên để những chú voi được sống với bản chất tự nhiên của mình thay vì phải dùng bạo lực để ép chúng phục tùng.
(Ảnh: Internet)