Cảnh báo nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam

0
722

Để chủ động phòng chống cúm A/H5N1, H7N9…ở người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên người và trên đàn gia cầm tại , Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh này đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Virus cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người và có thể lây từ người sang người. Mặc dù, nhiều năm qua Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như đàn gia cầm nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào nước ta là rất lớn.

Từ tháng 12/2016 đến gần giữa tháng 1/2017, tại Trung Quốc ghi nhận ít nhất 83 trường hợp nhiễm cúm AH7N9, trong đó có gần 30 người tử vong vong vì căn bệnh này. Dịch cúm AH7N9 bùng phát tại Trung Quốc từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được. Trong khi đó, việc giao lưu đi lại giữa người dân 2 nước Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới vẫn xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi tại các điểm giám sát cúm trọng điểm và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện kịp thời các ca bệnh. Tuy nhên, điều đáng lo ngại là trong mùa Đông Xuân, khí hậu lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi bùng phát các dịch cúm nguy hiểm như cúm A/H5N1, H7N9 với nguy cơ biến chủng của virus cúm rất cao: “Khi khí hậu lạnh, ẩm thì bệnh cúm thường phát triển và lây lan mạnh. Có một vấn đề đáng quan tâm ở bệnh cúm là sự biến chủng của virus gây bệnh rất lớn và rất nhanh.

Trên thế giới đã từng xảy ra những đại dịch cúm, gây tử vong hàng triệu người nên rất đáng lo ngại. Bệnh cúm A ở người có 2 tuýp N và H tạo nên nhiều chủng cúm khác nhau. Từ năm 2003 đã bùng phát dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Đến năm 2009 thì xuất hiện đại dịch cúm A/H1N1 và đến năm 2013 thì dịch cúm A/H7N9 cũng rất nguy hiểm”- ông Trần Đắc Phu nói.

Để chủ động phòng chống cúm A/H5N1, H7N9…ở người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời./.

BÌNH LUẬN