Câu trả lời đến nay vẫn chưa rõ nhưng với những nhân vật trong chính quyền của ông Trump tính đến thời điểm này thì có một điều chắc chắn rằng
Khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump dần hình thành và sắp đi vào hoạt động, câu hỏi được đặt ra là liệu “Tổng thống thực sự” của nước Mỹ là ai? Người nào quyền lực nhất đằng sau ông Trump? Mike Pence, Reince Priebus hay Steve Bannon?
Vị trí nào trong nội các của ông Trump có quyền lực nhất? Nguồn: VOX
Theo chuyên gia của Foreign Policy, đây chắc chắn là một cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông Donald Trump đã thể hiện đặc quyền Tổng thống của mình và chuẩn bị chính sách đối ngoại ngay từ khoảnh khắc ông đắc cử thay vì ngồi chờ đến lúc chính thức tuyên thệ nhậm chức hay người tiền nhiệm rời đi. Mặc dù những “cơn bão” bài viết trên Twitter của ông Trump khiến không ít người bị “mê hoặc” nhưng phần thú vị nhất trong quá trình chuyển giao quyền lực này là chi tiết các vị trí trong nội các của chính phủ Washington tương lai mà vị Tổng thống tỷ phú lựa chọn.
Truyền thống từ lâu đời của Washington là các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Tổng thống sẽ lần lượt xuất hiện, có thể là hàng ngày, với một cách khá phô trương, trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử tháng 11 cho tới ngày nhậm chức vào tháng 1. Không ngoại lệ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cho thấy ông sẽ biến Nhà Trắng dưới thời mình trở thành một trong những cấu trúc phức tạp nhất thời gian gần đây, bất chấp bài học từ các đời lãnh đạo trước và ngày càng giống với tổ chức kinh doanh mà vị tỷ phú này đã hình thành trước đó. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi rằng: “Ai sẽ thực sự là người chịu trách nhiệm quản lý các công việc hàng ngày trong chính phủ Mỹ tới đây?”.
Thật trùng hợp khi năm 2017 sẽ đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày tái tổ chức chính phủ Mỹ kể từ thời kỳ đổi mới bộ máy chính quyền. Năm 1947, chính quyền Harry Truman đã mang đến một loạt thay đổi để tiếp nối nỗ lực từ thời Franklin D. Roosevelt, đó là quản lý nội cách của mình bằng cách “tay trái cần phải biết công việc của tay phải là gì”. Kết quả là, Đạo luật An ninh Quốc gia 1947 ra đời, thành lập một cơ quan trung tâm tại Nhà Trắng để thu thập và sắp xếp các thông tin tình báo, lời khuyên gửi tới Tổng thống, đảm bảo sự chỉ đạo của Tổng thống được tiến hành một cách đúng đắn. Cơ quan này gọi là Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Cùng với NSC, một cơ quan trọng tâm khác cũng được tạo ra để giải quyết các tin tức tình báo trong chính phủ Mỹ, được gọi là Cơ quan tình báo Trung tâm. Đạo luật cũng kết hợp nhiều bộ ngành quân sự riêng biệt thành Bộ Quốc phòng và tạo ra một cơ quan mới gọi là Bộ Không quân. Đây được xem là bước phát triển của chính phủ Hoa Kỳ hiện đại.
Kể từ đó, cấu trúc này vẫn được duy trì. Sức mạnh của các cơ quan trên giảm sút hầu hết là do kết quả của việc các Tổng thống quản lý chúng như thế nào. Vì dụ, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, sự thay đổi lớn trong cấu trúc chính phủ Mỹ đã dẫn đến việc ra đời của Bộ An ninh nội địa (DHS), Văn phòng giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) và Hội đồng An ninh nội địa (HSC). Tuy nhiên, vai trò của DHS bị đan xen vào các cơ quan sẵn có của chính phủ và bị coi là một ý tưởng hỗn loạn và không cân nhắc kỹ. Tương tự, ODNI cũng có nhiệm vụ giống như CIA và cố cải thiện tình hình bằng cách cho thêm một tầng quản lý và phân tích các thông tin tình báo, đây cũng không phải là ý tưởng tốt.
Vậy cho đến nay chính quyền của ông Trump đã có được những gì?
Tuần trước, nhóm chuyển giao của ông Trump tiết lộ việc thành lập một cơ quan Nhà Trắng mới, gọi là Hội đồng Thương mại quốc gia (NTC) để giám sát các hoạt động tương tự như Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Hôm qua (27/12), nhóm này lại tuyên bố sẽ tái thành lập HSC như một cơ quan riêng biệt. Và nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump tiếp tục khiến nhiều người choáng váng khi thông báo sẽ tạo ra một vị trí gọi là “đặc phái viên chuyên về đám phán quốc tế” do Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổ chức Trump, đồng thời cũng là một luật sư, chịu trách nhiệm.
Các vị trí chủ chốt trong chính quyền Trump (từ trái sang): Mike Pence, Reince Priebus và Steve Bannon. Nguồn: CDN
Như vậy, cho đến nay, đã có bốn hội đồng liên ngành chính trong Nhà Trắng, là NSC, NEC, NTC và HSC. Có ít nhất 5 cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, là NEC, NTC, đại diện đàm phán quốc tế mới, USTR và Bộ Thương mại. Nhiều người cũng sẽ nhầm lẫn giữa NSC (có thể giải quyết các mối đe dọa khủng bố ở nơi bắt nguồn) và HSC (chịu trách nhiệm các mối đe dọa an ninh Mỹ). Không chỉ vậy, chính phủ Hoa Kỳ còn có khá nhiều các quan chức hàng đầu trong cộng đồng tình báo (giám đốc tình báo quốc gia, giám đốc CIA…), những người sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo 17 cơ quan tình báo khác nhau. Sự chồng lấn, khó xử, thiếu liên lạc và kể cả cạnh tranh, đối đầu chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một số tương đồng trong Tổ chức Trump, khi tập đoàn này hoạt động theo hướng công ty sinh lời, không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm mà nắm trong tay hàng trăm công ty khác cùng các đơn vị hoạt động độc lập. Song, điểm mấy chốt trong cấu trúc này là một bàn tay kết nối ở trên đỉnh, tức là người đứng đầu điều khiển tất cả. Vậy ai là người sẽ thực hiện điều đó trong chính quyền của ông Trump?
Báo cáo từ Tổ chức Trump cho hay vị tỷ phú này không thực sự là một người quản lý các công việc hàng ngày. Ông tập trung vào xây dựng thương hiệu, trở thành gương mặt đại diện, là người gửi thông điệp. Ông chỉ trực tiếp thực hiện một vài quyết định trong những bản hợp đồng chủ chốt về ngành xây dựng, còn lại sẽ là do các quản lý của ông chịu trách nhiệm.
Và không có lý do gì để phủ nhận đó cũng là những công việc của ông trong chính phủ Mỹ. Ông Trump đã từng nói nhiều lần rằng, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ đóng một vai trò lớn trong việc giám sát các chính sách nội địa và ngoại địa. Thêm vào đó, Tổng thống đắc cử đã bổ nhiệm xung quanh mình các cố vấn cấp cao như Steve Bannon và Kellyanne Conway để gửi gắm thông điệp tới báo chí và thế giới.
Trong quá khứ, khi các Tổng thống Mỹ muốn quản lý Nhà Trắng thì hầu hết công việc được giao cho Chánh Văn phòng. Vấn đề của ông Trump là vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng mà ông bổ nhiệm, Reince Priebus lại hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn để thực hiện vai trò này. Ông Reince Priebus không về có kinh nghiệm hành chính, kinh nghiệm về an ninh quốc gia hay kinh tế quốc tế. Và tất nhiên, với vị trí và trọng trách của mình, ông Reince Priebus, người gác cổng, có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất trong Nhà Trắng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng nhân vật số hai thực quyền ngày càng tăng, từ ông Al Gore, Dick Cheney cho tới Joe Biden, thì rất có thể Mike Pence sẽ tiếp nối truyền thống và làm cho vị trí Phó Tổng thống trở nên quyền lực hơn bao giờ hết. Hay liệu quyền hành có rơi vào tay Cố vấn Cấp cao và Chiến lược, người có thể “rỉ tai” Tổng thống Trump bất kỳ lúc nào như ông Steve Bannon? Và cũng loại trừ một hội đồng cố vấn trong Nhà Trắng, trong đó có cả con rể, con gái Jared Kushner và Ivanka Trump, mới là lãnh đạo thực sự của nước Mỹ.
Câu trả lời đến nay vẫn chưa rõ nhưng với những nhân vật trong chính quyền của ông Trump tính đến thời điểm này thì có một điều chắc chắn rằng, mối khối lượng lớn quyền lực sẽ nằm trong tay một số nhân vật mà người dân Mỹ không hề muốn trở thành lãnh đạo.
Theo Tuệ Minh
Infonet