Đừng coi thường những cảnh báo tương lai, người ta hay xem nhẹ những điều chưa đến, nhưng rồi 5-10 năm nữa, hậu quả sẽ khiến những nhà lãnh đạo tinh anh nhất cũng phải bàng hoàng. Người trẻ rồi sẽ phát triển, sẽ là những người điều hành đất nước, đừng để thái độ sống ỷ lại, yêu thích sự an toàn làm “lụi tàn” cả một thế hệ.
Các hãng xe ôm công nghệ chỉ vừa thâm nhập thị trường Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây và chỉ thí điểm trên một vài thành phố lớn. Được cho là giúp mang đến cuộc sống sung túc, ấm no hơn, cải thiện thu nhập cho phần lớn tài xế, nhưng càng ngày, xe ôm công nghệ càng tạo nên nhiều bất cập.
Độ tuổi làm xe ôm công nghệ cũng khá đa dạng, có người đã vào tuổi trung niên, có người chỉ mười tám đôi mươi và những thanh niên trẻ nằm giữa hai khoảng đó. Nhiều người đang lo lắng rằng, việc ngày càng trẻ hoá đội quân áo xanh chính là khơi nguồn cho việc lụi tàn của một thế hệ Việt.
Có ý kiến đánh giá công việc này đang khiến người trẻ thụ động, không thích vươn lên, không thích phát triển, trì trệ và yêu thích sự an toàn. Đây là công việc kiếm tiền ngay, tiêu xài ngay, chẳng ai quản lý về thời gian hay kỷ luật cụ thể. Người ta chỉ tìm đến việc này như giải pháp tức thời. Thế thì quả là nguy hiểm thật!
Họ không chọn sự cạnh tranh, ràng buộc, phải rèn luyện trong môi trường tập thể và kỷ luật. Chạy vài cuốc xe khi thiếu tiền, ngày “vui” thì làm, ngày “buồn” thì nghỉ, chẳng cần lo chuyện phải phát triển nghề nghiệp ra sao, rèn luyện tay nghề hay học hỏi thêm những điều mới. Chỉ vậy là đủ, và cũng chỉ vậy là đã thấy tương lai “tăm tối” như thế nào.
Trong thời đại hội nhập, con người không chỉ phải cạnh tranh với con người trên thế giới, mà còn phải cạnh tranh với cả… robot trong tương lai. Khi robot dần thay thế trong… rất nhiều công việc, vị trí và sự cạnh tranh của chúng ta sẽ ngày càng khốc liệt. Thế hệ trẻ phải là những người nắm rõ điều này, vậy nhưng họ đang chọn sự an toàn quá mức cho mình.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là công việc tạm thời, nhưng lâu dài chúng sẽ tạo nên một thái độ sống khác. Họ quen dần với kiểu sống tự do, không tìm thấy sự cầu tiến, hay động lực cạnh tranh mới. Chưa kể đến việc không ai biết được tương lai các hãng xe ôm này sẽ tồn tại ở thị trường Việt Nam được bao lâu, rồi tương lai của những người trẻ này sẽ là gì.
Ở các nước khác, các công việc tay chân nhẹ nhàng không đòi hỏi quá nhiều trình độ hay chất xám được nhường cho những người trung niên, đã sắp về hưu. Giờ đây người trẻ cũng đổ ra đường, cạnh tranh khiến cho cuộc sống họ thêm phần khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ của những thanh niên “lưng dài vai rộng” phải là đi đầu, tìm tương lai mới, để gánh vác, để cạnh tranh. Đừng lãng phí chất xám và sức lực của mình.
Nếu chỉ xem đây là một công việc tạm thời để trải nghiệm, hãy trải nghiệm đủ, rồi thôi. Người trẻ nên làm việc mình yêu thích, không cần phải quá cao siêu, tìm kiếm một công việc phù hợp và luôn có ý thức trau dồi kỹ năng, kiến thức…
Đừng coi thường những cảnh báo tương lai, người ta hay xem nhẹ những điều chưa đến, nhưng rồi 5-10 năm nữa, hậu quả sẽ khiến những nhà lãnh đạo tinh anh nhất cũng phải bàng hoàng. Người trẻ rồi sẽ phát triển, sẽ là những người điều hành đất nước, đừng để thái độ sống ỷ lại, yêu thích sự an toàn làm “lụi tàn” cả một thế hệ.