Tuổi thơ của các bé ngày nay “lạc trôi” khác xa với thời 8X, 9X như thế nào?

0
1916

1/6, ngày những đứa trẻ của thời hiện tại vui mừng trông chờ quà bánh đồng thời cũng là lúc những “đứa trẻ” của thời quá khứ bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Thời gian nhanh như một cái chớp mắt, chỉ khoảng mấy mươi năm mà sự khác biệt đôi lúc khiến ta giật mình. Bắn bi, tắm mưa, chơi đồ hàng… dần trở thành kỉ niệm thân thương của thế hệ 8X, 9X nhưng là khái niệm xa lạ hoặc chẳng mấy với thời “công nghệ”.

Học hành
Ngày trước, chuyện học hành với lũ trẻ khá nhàn hạ. Chỉ phải học chính khóa một buổi, thời gian còn lại là “gia sản” riêng để thỏa thích vui đùa. Đến trường chỉ cần mang bút, thước, tẩy và vài quyển vở được bọc bằng giấy báo, hay sang lắm là giấy gói quà. Cứ sáng sớm lũ trẻ í ới gọi nhau đi học, rồi cứ thế vừa cuốc bộ vừa đùa nhau chí chóe trên đường đến lớp. Với nhiều thời gian vui chơi, học hỏi từ cuộc sống, trẻ em ngày trước mang trong mình những kí ức sâu đậm và kỹ năng sống dồi dào hơn hẳn trẻ thời nay.

Ngày trước đi học ở trường chỉ cuốc bộ, “xịn” lắm mới được gia đình cấp cho xe đạp.

Hiện tại, từ cấp tiểu học, trẻ đã phải đi học thêm, về là làm bài tập đến tối. Tỉ lệ cận thị cũng tăng cao và nhiều nguy cơ gặp vấn đề về cơ xương khi phải mang vác cặp sách nặng khi còn nhỏ. Với lịch học dày đặc, ba mẹ đưa rước tận nơi, thậm chí, mãi khi lên đến cấp 3, nhiều em vẫn không biết đi xe đạp.

 Trẻ em lớn đa phần đều được bố mẹ đưa đón.

Trò chơi
Thuở trước, bọn trẻ vui chơi với nhau chỉ cần dây thun, con diều, vài ba hòn bi, viên đá là đã râm ran tiếng cười. Trò chơi dân gian chính là sợi dây gắn kết tuổi thơ của bọn trẻ. Những trò chơi phổ biến của các bé trai hồi đó là thả diều, đánh quay, bắn bi; con các bé gái đặc biệt yêu thích trò là nhảy dây và chơi chuyền. Hoặc đôi khi chỉ cần một khoảng sân rộng, là cả lũ nhóc có thể chơi đủ trò như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan.

 Ít điều kiện vui chơi nhưng kỉ niệm tuổi thơ vẫn ngập tiếng cười.

Những trò chơi giản đơn, , đòi hỏi tinh thần tập thể, khéo léo thời trước đã dần trở nên xa lạ với trẻ hiện nay. Khi muốn lũ trẻ ngồi im, không làm phiền mình, người lớn chỉ cần đưa chúng một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng là chúng có thể “ngoan ngoãn” hàng giờ liền. Những bé tầm mới 4-5 tuổi đã có thể lên youtube xem phim hoạt hình. Những gia đình khá giả hơn có thể tốn tiền triệu để mua cho bé các bộ đồ chơi điện tử, bộ sưu tập xe đồ chơi, búp bê hay đến các trung tâm giải trí thiếu nhi.

 Cuộc sống càng hiện đại, các em chẳng còn mấy bận tâm với trò chơi dân gian tập thể.

Ăn quà vặt
Mì trẻ em, ô mai đất, kẹo C, kem ống huyền thoại… chính là những món không thể thiếu ở các cửa hàng tạp hóa, căn-tin trường học xưa kia. Bọn trẻ có thể nhín chút tiền ăn sáng mua tí quà vặt nhâm nhi cùng lũ bạn giờ ra chơi hay lén lút “tiêu thụ” trong giờ học. Thuở ấy, chỉ cần vài ngàn đồng lả đã có thể sở hữu cây kem, cây kẹo kéo và được phong thành “đại gia” trong mắt lũ bạn.

 Những thức quà vặt “huyền thoại” một thời.

Thời nay, danh sách ăn vặt có vẻ dài hơn từ các món Đông – Tây, Âu – Á nhưng đi kèm với điều này là giá cả cũng đắt đỏ hơn. Thức ăn nhanh với gà rán, khoai tây chiên, pizza là “tình yêu” của trẻ em thời nay. Ngoài ra, chúng còn mê tít các loại nước ép, trà sữa, nước ngọt, phô mai, xúc xích.

 Thức ăn nhanh là món ăn yêu thích của đa phần giới trẻ ngày nay.

Khoảng cách thế hệ phản ánh sự thay đổi của xã hội và cuộc sống. Các trò chơi dân gian dần xa lạ với trẻ em thời nay và được thay thế bằng ipad, máy game điện tử, khu vui chơi và những ngày hè đâm đầu vào lớp học bồi dưỡng văn hóa. Chẳng ai có thể phủ nhận vòng xoay của thời gian cũng vô tình khiến lối sống thay đổi và tạo nên những kỉ niệm tuổi thơ riêng biệt của từng thế hệ.

1/6, ngày những đứa trẻ của thời hiện tại vui mừng trông chờ quà bánh đồng thời cũng là lúc những “đứa trẻ” của thời quá khứ bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Ảnh: Internet.

BÌNH LUẬN