Made in China 2025 cũng thúc đẩy các bước đột phá trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đứng đầu trong tương lai.
Made in China 2025 là gì?
Chính quyền Trung Quốc đã công bố chiến lược “Made in China 2025” vào tháng 5 năm 2015 nhằm cải thiện ngành công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc. Đường lối thực hiện chỉ mới được hoàn thiện vào tháng trước bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, với sự tham gia của hơn 20 phòng ban của Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đây là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về một nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu, đầu tư và nhiều hơn vào các dịch vụ, sản xuất công nghiệp thông minh.
Chiến lược 10 năm này nhằm dịch chuyển kinh tế Trung Quốc từ sản xuất cần nhiều nhân công và giá trị thấp sang sản xuất nhiều giá trị gia tăng hơn, thông qua các kế hoạch đổi mới, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tăng cường cơ sở công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển các thương hiệu Trung Quốc và thực hiện sản xuất công nghiệp xanh.
Made in China 2025 cũng thúc đẩy các bước đột phá trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đứng đầu trong tương lai.
Lý do của hướng đi mới này là lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cần phải chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất của nước này để có thể tiếp tục theo kịp hoặc vượt qua các nước phát triển khác. Mặt khác, một số ngành công nghiệp có mức lương thấp từng đóng vai trò quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc trong 30 năm qua như hàng dệt may giá rẻ và lắp ráp thiết bị điện tử cơ bản đã bắt đầu chuyển sang các địa điểm khác ở châu Á như Campuchia, Việt Nam và Bangladesh.
Những mục tiêu tham vọng?
Mục tiêu thay thế sản phẩm nhập khẩu của một số ngành công nghiệp vào năm 2020 và 2025 (Nguồn: MERICS)
Mục tiêu của Made in China 2025 nhằm tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Hiện nay, con số này tương đối thấp đối với những hàng hóa công nghệ cao, trong khi sản phẩm nước ngoài chiếm trung bình hơn 50%. Thậm chí, Trung Quốc còn phụ thuộc hoàn toàn một số loại hàng hóa như những hệ thống điều khiển số cao cấp và các bộ phận thủy lực cao cấp vào nước ngoài.
Để giảm bớt sự phụ thuộc này, Bắc Kinh tập trung vào xây dựng các trung tâm đổi mới, đề xuất tới năm 2020 sẽ thành lập được 15 trung tâm đổi mới sản xuất và sẽ mở rộng lên 40 vào năm 2025. Các trung tâm này sẽ xây dựng nền tảng cho phát triển công nghiệp, giúp phát triển công nghệ, hỗ trợ sản xuất thông minh và tạo ra các vật liệu mới. Chúng sẽ sử dụng nguồn vốn từ cả nhà nước và tư nhân. Các trung tâm đổi mới sẽ tập trung vào các công nghệ trong nước, thay vì nước ngoài, vì những lý do an ninh, mặc dù đã được lưu ý rằng điều này có thể hạn chế những công nghệ có thể đem ra áp dụng.
Các công ty cũng được khuyến khích để sáng tạo nhiều hơn, vì số lượng các công ty sáng tạo cạnh tranh toàn cầu như Alibaba và Xiaomi, đang bị hạn chế về số lượng. Những sản phẩm sáng tạo dựa trên khoa học và kỹ thuật trước đây vẫn ở mức thấp ở Trung Quốc do thiếu nguồn vốn cho những nghiên cứu dài hơi.
Trong khi các trung tâm đổi mới có thể giải quyết được vấn đề này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì cũng cần khuyến khích các nguồn vốn mạo hiểm cho các doanh nghiệp tư nhân để phát triển sản phẩm nếu cần thiết. Đầu tư cho cả doanh nghiệp công và tư có thể giúp Trung Quốc hoàn thành một trong những mục tiêu của “Made in China 2025”: tăng chi tiêu nghiên cứu và phát triển lên 1,68% doanh thu hoạt động vào năm 2025, từ dưới 1% năm 2015 và 1,26% vào năm 2020.
Mối lo ngại của các doanh nghiệp nước ngoài
Mặc dù “Made in China 2025” có vẻ tuyệt vời đối với những doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty nước ngoài lại tỏ ra lo ngại.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc gần đây đã công bố báo cáo “China Manufacturing 2025: Putting Industrial Policy Ahead of Market Forces” (tạm dịch: Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc 2025: Đặt chính sách công nghiệp lên trước những động lực của thị trường). Báo cáo này đã chỉ trích các khoản trợ cấp của chính phủ cho các ngành công nghệ cao ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng những công này sẽ có thể cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài không được chống lưng bởi ngân sách của chính phủ.
Một nghiên cứu của Mercator Institute for China Studies (MERICS) được công bố vào tháng 12 năm 2016 ủng hộ ý kiến này. Trong nghiên cứu này có nói “trong khi các công ty công nghệ cao của Trung Quốc được hưởng sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ, thì các đối thủ nước ngoài tại Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt các rào cản liên quan đến tiếp cận thị trường và những trở ngại trong hoạt động kinh doanh của họ: việc đóng của thị trường công nghệ thông tin, không nằm trong kế hoạch trợ cấp của chính phủ, an ninh dữ liệu thấp và việc thu thập dữ liệu mạnh mẽ của nhà nước Trung Quốc.”
Thực chất, các công ty nước ngoài đã phải đối mặt với những vấn đề này, và những ưu tiên với các công ty nội địa thông qua “Made in China 2025” chỉ làm cho chúng trở nên trầm trọng hơn. Dù thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố trong bản báo cáo của ông cho quốc hội rằng các công ty nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận với cấp phép, tiêu chuẩn và việc thu mua của nhà nước, chính phủ Trung Quốc còn cần phải làm nhiều hơn nữa để trấn an các công ty nước ngoài rằng quốc gia này sẽ “chơi” theo quy tắc chung của toàn cầu.
K.Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ