Tác giả Marissa Levin, nhà đồng sáng lập Successful Culture International, chia sẻ rằng nhiều khi cô thực sự cảm thấy bất mãn với các giám đốc điều hành.
Tất cả chúng ta, ai rồi cũng sẽ có lúc lâm vào cảnh bế tắc hay thấy bất mãn với mọi thứ, cố mãi nhưng vẫn chẳng thể tìm ra lối thoát cho bản thân. Những lúc như vậy, chủ động là điều quan trọng nhất mà bạn cần phải nhớ: chủ động tìm kiếm, chủ động thay đổi… Và lộ trình 4 bước này sẽ là một trợ lực hữu ích để bạn làm điều đó
“Bậc thầy phát triển bản thân” Jim Rohn từng nói: “Nếu không thích nơi mình đang đứng, hãy đi tới nơi khác. Bạn chẳng phải là một cái cây”. Câu nói này có vẻ đã quá đơn giản hóa ý tưởng nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta trong khi mọi thứ vẫn chưa thực sự ổn. Tuy nhiên, nó lại chỉ ra một điều vô cùng chí lí: Nếu bạn không hài lòng với hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại của mình thì đừng chỉ ngồi đó, hãy chủ động làm điều gì đó ngay đi!
Tác giả Marissa Levin, nhà đồng sáng lập Successful Culture International, chia sẻ rằng nhiều khi cô thực sự cảm thấy bất mãn với các giám đốc điều hành. Những người này thường thấy bản thân như đang bị mắc kẹt nhưng lại không thể tìm ra giải pháp nào để thoát khỏi tình trạng hiện tại của mình.
Những lúc như vậy, cô thường nói với họ rằng một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ chạm tới “những điểm giới hạn” của bản thân. Đó là khi mà nỗi đau của việc ở lại, “dậm chân tại chỗ” lớn hơn nỗi đau của việc thay đổi, là khoảnh khắc mà chúng ta nhận ra nỗi đau mình chịu đựng khi giải thoát bản thân khỏi một tình huống khó khăn để khám phá những điều mới mẻ là đáng giá.
Theo Marissa, có rất nhiều thứ khiến chúng ta phải bứt phá và chạm tới điểm giới hạn. Ví dụ, sự lãnh đạo phi đạo đức và những xung đột về lợi ích cá nhân đã khiến một khách hàng của cô cuối cùng phải tìm cách thoát ra, từ bỏ công việc đang làm. Nhưng một khách hàng khác lại vì khoản tiền lương cao và sự linh hoạt của vị trí công việc đang đảm nhiệm mà lựa chọn tiếp tục làm việc tại nơi đó dù thường xuyên phải chịu thiệt thòi và bị coi nhẹ.
Ảnh minh họa
Việc đưa ra các quyết định thay đổi, thoát khỏi hoàn cảnh đầy bất mãn hiện tại để tiến tới một cuộc sống thỏa mãn mong muốn của bản thân luôn rất khó khăn. Bởi chúng đòi hỏi sự cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng về mặt tác động đối với cả hai phía cá nhân và công việc, cũng như những người tham dự vào “bộ phim cuộc đời” của chúng ta. Chúng bao hàm cả việc chúng ta phải buông bỏ những gì đã biết rõ để mạo hiểm dấn thân vào những “vùng đất mới”, và thường cần có sự hy sinh ngắn hạn để đạt được những lợi ích lâu dài.
Một trong những khách hàng của Marissa đã phải yêu cầu một cuộc trò chuyện trực tiếp để nhận ra rằng tình hình hiện tại của anh không “bình thường” chút nào. Anh sống và làm việc trong một môi trường tồi tệ quá lâu và bị gạt ra ngoài quá nhiều đến mức mất đi quan điểm cá nhân về một môi trường làm việc thú vị, và về cả giá trị cá nhân của mình. Nhưng may mắn là anh chịu lắng nghe những quan sát và khẳng định của Marissa về giá trị của bản thân anh cũng như các lựa chọn của anh.
Chúng ta, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, đều sẽ dễ dàng rơi vào hoàn cảnh tương tự như người khách hàng kia. Vì thế, khi nhận ra bản thân đã tới lúc cần xem xét và thay đổi môi trường, hoàn cảnh mà mình đang sống và làm việc, hãy thực hiện 4 bước sau để tìm ra con đường đi đúng đắn nhất cho bản thân:
1. Tạo ra một viễn cảnh cho cuộc sống của bạn
Ảnh minh họa
Hãy thử tưởng tượng một chút! Bạn thấy mình ở đâu và như thế nào trong 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng kể từ bây giờ? Bằng cách suy nghĩ trước mọi thứ như vậy, bạn sẽ bắt đầu thấy được những khả năng của cuộc sống mà không có bất cứ điều gì có thế kéo bạn tụt lại, hay làm giảm giá trị của bạn.
2. Đánh giá kỹ lưỡng những người xung quanh bạn, bao gồm những người ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc giá trị bản thân bạn
Khi bắt tay vào thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ, bạn cần chú ý tới một số điều quan trọng, đặc biệt là những người xung quanh bạn, những người mà bạn vẫn giao thiệp hàng ngày. Nếu mọi người đang cố gắng đánh giá thấp bạn, bạn có quyền lựa chọn việc làm ngơ và bỏ qua họ. Ý kiến của họ chỉ có ý nghĩa khi bạn nghĩ vậy mà thôi!
3. Rèn luyện bản thân mình
Kiến thức là sức mạnh, đặc biệt là trong những khoảng thời gian thiếu chắc chắn, thiếu an toàn và thay đổi liên tục. Những quyết định khó khăn, phức tạp cần phải có kiến thức, số liệu và lôgic để cân bằng với yếu tố cảm xúc.
Ảnh minh họa
Những quyết định mang tính cảm xúc như hấp tấp nghỉ việc trong khi chưa tìm được công việc mới có thể tốt trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ gây ra trở ngại cho kế hoạch lâu dài của bạn.
4. Xây dựng kế hoạch hành động
Khi bạn đã rèn luyện bản thân và tạo ra một hệ thống hỗ trợ vững chắc, hãy vạch ra cho mình một kế hoạch để thay đổi hoàn cảnh hiện tại thành hoàn cảnh mà bạn mong muốn. Việc này có thể tốn nhiều thời gian bởi bạn đang không hướng tới một nơi mà bạn chỉ ở lại trong chốc lát. Vì thế, hãy cứ kiên trì và rồi bạn sẽ tới đích, sẽ tạo ra được cuộc sống mơ ước của mình.
Kết lại, bạn phải luôn nhớ một điều quan trọng rằng tất cả mọi thứ chỉ là tạm thời, cuộc sống chẳng có điều gì là vĩnh cửu, kể cả những khoảng thời gian tưởng như vô tận trong cuộc sống của chúng ta. Thêm vào đó, những kinh nghiệm mà chúng ta cóp nhặt được sẽ là “vũ khí” để chúng ta có thể đương đầu với những gì sắp xảy đến.
Những điều tuyệt vời đang chờ đón bạn khi bạn nhận ra rằng “nơi bạn đang đứng” hiện tại không phải là điểm đến cuối cùng và bạn có đủ khả năng để khơi dậy tiềm năng, chạm tay tới sự thành công và hạnh phúc lớn nhất của mình.