Có những cảnh phim đã bị thay đổi đến mức không còn nhận ra tác phẩm nguyên gốc, và đôi khi lại khiến chúng ta không khỏi bật cười.
Có khá nhiều bộ phim anime Nhật Bản đã bị ban kiểm duyệt biên tập để có thể công chiếu cho phù hợp với độ tuổi của các em thiếu nhi.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn giữ suy nghĩ rằng phim hoạt hình là sản phẩm chỉ dành cho trẻ con. Tuy nhiên, với Nhật Bản thì khác hẳn. Phim hoạt hình vẫn được coi là một tác phẩm dành cho mọi đối tượng, với nhiều lứa tuổi, giới tính và vị trí xã hội. Như thành công của bộ phim hoạt hình Kimi no Na wa (tựa Việt: Tên cậu là gì?) là một minh chứng rõ ràng cho tư duy của người Nhật trong sản xuất phim hoạt hình.
Chính vì phim hoạt hình Nhật không chỉ dành riêng cho trẻ em nên khi được công chiếu ở các quốc gia khác, những bộ phim này phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao. Có những cảnh phim đã bị thay đổi đến mức không còn nhận ra tác phẩm nguyên gốc, và đôi khi lại khiến chúng ta không khỏi bật cười.
Bạn có biết rằng mối quan hệ của nàng Thủy thủ sao Thiên Vương và Thủy thủ sao Hải Vương thực chất là mối quan hệ đồng tính? Đây chính là tình tiết khiến Thủy Thủ Mặt Trăng bị biến thể nhiều nhất so với nguyên tác. Vì ngay cả quốc gia có tư tưởng thoáng như Mỹ, tình yêu đồng tính vẫn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, được cho là không phù hợp để đưa vào các sản phẩm dành cho thiếu nhi. Từ đó, các nhà kiểm duyệt phim đã “gắn” mối quan hệ… chị em họ vào hai cô nàng này, thậm chí có lúc, một trong hai cô nàng còn bị… đổi giới tính thành nam.
Tình yêu đồng tính vẫn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm. (Ảnh: Game8)
Cảnh bạo lực, có “đầu rơi máu đổ” cũng không thể vượt ải kiểm duyệt khi nhóm biên tập sẽ sử dụng kĩ thuật đồ họa để tự “cầm máu” cho nhân vật, hoặc bôi đen phần máu. Vì thế, nếu bạn xem một bộ anime, đến những chỗ “đáng ra phải đổ máu” nhưng ai nấy cũng “vui tươi phơi phới” thì… tự hiểu nhé.
Che cảnh ghê rợn bằng chấm tròn đen. (Ảnh: Game8)
Nếu bạn đang xem phim và thấy những vệt sáng, chấm mờ, chấm đen xuất hiện một cách khó hiểu thì đó chính là cách nhà kiểm duyệt can thiệp vào cảnh bạo lực đấy.
Bây giờ bạn đã hiểu được công dụng của những vệt sáng kì lạ này? (Ảnh: Game8)
Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng khâu chỉnh sửa đôi khi được thực hiện cực kì công phu đến mức khó nhận ra. Chẳng hạn như với cảnh phim này, khâu kiểm duyệt đã phải vẽ lại hình ảnh, xóa bỏ vết máu, thay đổi tông màu của cảnh để giảm bớt cảm giác bạo lực.
Một pha “lau máu” tuyệt đỉnh của bộ phận kiểm duyệt. (Ảnh: Game8)
Ngoài ra, những hình ảnh được cho là gây ảnh hưởng xấu đến thiếu nhi như thuốc lá, rượu bia hay các loại vũ khí sẽ “biến hóa khôn lường” như thế này đây.
Thuốc lá biến thành kẹo mút. (Ảnh: Game8)
Ban kiểm duyệt làm việc rất cẩn thận và gần như soi từng chi tiết nhỏ xíu trong mỗi phân cảnh. Như trong cảnh phim bên dưới, nhân vật nữ sinh “quên” cài dây an toàn, cũng được ban biên tập vẽ thêm vào để khuyến khích các em nhỏ về thói quen bảo vệ bản thân cực kì cần thiết này.
Thêm thắt dây an toàn cho nhân vật. (Ảnh: Game8)
Để tránh trường hợp PR miễn phí cho một nhãn hàng, cửa hiệu vô tình trùng tên nào đó, các thể loại bảng biểu, biển hiệu cũng “bỗng dưng biến mất”.
Biển hiệu chỉ còn lại hình quyển sách cũng đủ hiểu. (Ảnh: Game8)
Cả những chữ cái Nhật Bản cũng bị xóa đi để tạo cảm giác thân thuộc cho đối tưởng khán giả bản địa.
Xóa tiếng Nhật tạo sự thân thuộc cho người bản địa. (Ảnh: Game8)
Cũng từ yếu tố gọi là “thích nghi văn hóa” ấy mà đã nảy sinh khá nhiều tình huống “cười vỡ bụng”. Chẳng hạn, nhân vật Brock trong Pokemon, tuy cầm hộp cơm nắm – một món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản – nhưng phần phụ đề lại ghi là “mấy cái bánh donut này ngon quá”. Có chiếc bánh donut nào mang hình tam giác, làm từ gạo mà lại không có lỗ tròn ở giữa không nhỉ?
Cầm cơm nắm nhưng khen bánh donut? (Ảnh: Game8)
Không phải ai cũng hiểu được ý đồ có phần “quái dị” của các họa sĩ, nhà làm phim Nhật Bản. Vì thế, ở nhiều khung hình, những khung thoại hay hình ảnh thể hiện suy nghĩ của nhân vật bị lược bỏ.
Cái gì khó quá thì… mình cho qua. (Ảnh: Game8)
Khoe da thịt cũng là một trong những “đặc sản” của phim hoạt hình Nhật – cụ thể là trong những bộ phim hoạt hình dành cho người lớn. Dẫu có nhập đến quốc gia phương Tây hay Mỹ, những cảnh hở hang cũng sẽ bị che bớt, cắt bỏ hoặc làm mờ. Đôi khi là vẽ thêm quần áo để nhân vật đỡ “sexy” hơn.
Hở một tí cũng không được đâu. (Ảnh: Game8)Bộ đồ bơi đã qua biên tập, chỉnh sửa cũng khá đẹp chứ nhỉ? (Ảnh: Game8)
Theo yan