Sao người trẻ cứ chạy theo trào lưu làm gì trong khi cái cơ bản là ý thức thì lại ngày càng đi xuống

0
1447

Đã mang tiếng là người trẻ thì làm ơn hãy khoác lên mình những chiếc áo “tử tế”: tử tế cả về hành động lẫn ý thức, bởi chỉ có như thế thì bạn mới trưởng thành.
Người trẻ và khả năng chạy đua đường dài với mọi xu hướng

Nhạy bén, hiện đại, tiếp thu cái mới rất nhanh là những đặc điểm dễ nhận biết của người trẻ. Cũng bởi vậy mà họ có một khả năng đặc biệt mà một khi ra khỏi cái ngưỡng đôi mươi, người ta chẳng còn lại nữa, đó là khả năng bắt kịp xu hướng.

Hàng loạt các xu hướng trên thế giới, trải dài từ phim, chụp ảnh, ẩm thực, cho tới học hành trải nghiệm đều được người trẻ bắt kịp vô cùng nhanh. Chạy theo xu hướng như một cuộc đua ngầm của tuổi thanh xuân, nếu ai không đủ nhạy và đủ ngông để đi theo các xu hướng, họ ngay lập tức sẽ bị đánh tụt về độ chịu chơi, cũng như lãng phí mất một phần hay ho mà tuổi thanh xuân ngắn ngủi cần có.

Tôi cũng là một người trẻ, và tôi cũng đứng trong cái vòng ảnh hưởng chung của những người trẻ khác. Nhưng cũng có đôi lần tôi tự thấy mình giống như đang sắp bị đào thải ra khỏi cái thế-giới-trẻ đang rất ồn ào, náo nhiệt và sôi động được các bạn trẻ hào hứng xây đắp lên làm thành làm lũy.

Ví dụ, có món ăn ngon ở đâu là người trẻ quyết truy cùng diệt tận tại nơi mà nó xuất hiện. Tuổi trẻ có mấy đâu, tận hưởng, trải nghiệm được bao nhiêu thì cứ trải nghiệm.

Đơn giản, thử nhìn vào ăn mì cay trong năm 2016 mà xem.

Chỉ là một bát mì cay đơn giản với bảy cấp độ, mà nó có thể phủ sóng thành cả chuỗi cửa hàng bán mì cay ở khắp các con phố, trong đường hay ngoài ngõ.

Hoặc mấy món cực kỳ đơn giản như khoai lắc, trái cây lắc. Cho một nhúm trái cây, lắc với gia vị, thế là ra món mới. Nhưng vì mới nên lại bán chạy vô cùng. Phục vụ người trẻ mà, cái gì mới là cái đấy ra tiền.

Rồi thì các trào lưu chụp ảnh nữa, chẳng trào lưu nào mà người trẻ không đem về, và không biến nó thành xu hướng nhiếp ảnh mới mà đến người trưởng thành cũng phải tấm tắc khen ngợi về sự .

Nắm tay nhau đi khắp thế gian, chụp ảnh Food Decor, chụp ảnh Street style, chụp ảnh kỷ yếu có ý tưởng concept đàng hoàng, thay vì thuần tuý là mặc bộ đồ cử nhân lên người rồi bò ra Thành cổ, ra công viên xếp chữ như trước kia. Nếu để đong đếm các kiểu chụp ảnh bây giờ của người trẻ, có mà đến ngày mai cũng chưa xong hết.

Đấy, người trẻ Việt giờ hiện đại và quốc tế lắm, cũng giỏi giang vô cùng. Nhưng đâu đó, người ta vẫn buồn vì một thứ mãi chẳng mới nổi theo năm tháng: ý thức.

Bắt kịp trào lưu thì giỏi đấy, hay đấy, nhưng “ý thức” của người trẻ thì… chịu thua

Bất cứ sự việc gì cũng có hai mặt của nó, cho nên việc tạo ra xu hướng rồi chạy theo xu hướng của người trẻ Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bên cạnh những điều tích cực như đem đến một làn gió mới thổi qua cuộc sống sinh nhai đã quá đỗi nhọc nhằn, thì điều tiêu cực ôi thôi cũng đầy một rẫy.

MV Lạc Trôi mới đây nhất của Sơn Tùng MTP có nhiều phân cảnh được quay ở chùa Linh Quy Pháp Ấn (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Lạc Trôi gây bão không chỉ vì nó được cộp mác Sơn Tùng MTP, hay giai điệu bắt tai mà còn vì MV quá đẹp, quá liêu trai, quá ẩn ảnh ẩn hình, ở góc quay nào bắt bừa cũng thấy lung linh. Thế là người trẻ Việt bắt đầu săn lùng bằng được ngôi chùa này để được một lần trải nghiệm cái cảm giác “Ta lạc trôi giữa đời” trong cái chốn bồng lai tiên cảnh nơi cao nguyên Lâm Đồng ấy.

Và sau nhiều ngày bất đắc dĩ đón tiếp bao nhiêu quan khách , chùa Linh Quy Pháp Ấn một lần nữa lại lên báo, nhưng không phải vì cảnh đẹp, vì chuyện hay, mà vì cảnh tan hoang bẩn thỉu đến rợn người. Gây ra chuyện này, chẳng ai khác chính là giới trẻ chăm đi nhưng không chăm ý thức.

Giữa nơi tôn nghiêm bậc nhất, thuộc về một tôn giáo, một nơi đáng lẽ phải đem lại cho người ta cảm giác thanh tịnh và vỗ về tâm hồn, kể cả người ta có theo Phật hay không, nay náo loạn, ồn ã, vô duyên hết cỡ.

Rải khắp chùa Linh Quy Pháp Ấn là những biển thông báo có ghi dòng chữ nhắc nhở khách quan nên giữ trật tự và đừng xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, sau khi đã nổi tiếng, chùa lại rơi vào cảnh chẳng còn uy nghiêm như trước, cộng thêm việc các sư thầy, chú tiểu ngoài việc tu tập quét dọn thông thường còn phải chạy theo để dọn hậu quả mà du khách vô ý thức tới xả ra.

Trong bài viết của nữ tác giả Khải Đơn, người đã từng có dịp tới ghé thăm chùa Linh Quy Pháp Ấn sau khi MV Lạc Trôi của Sơn Tùng được tung ra, chị có hỏi sư thầy tại chùa về tình hình của Linh Quy Pháp Ấn sau khi nổi tiếng. Và câu trả lời mà Khải Đơn nhận được không đem lại cảm giác vui vẻ cho lắm.

“Nhà chùa biết đông khách, nên đã chuẩn bị sẵn những thùng phuy đựng rác bằng nhựa xanh, to lớn lắm, ghi rõ ràng “xin cho tôi rác”, mà sao mọi người vẫn xả rác. Các chú tiểu, chư tăng trong chùa phải liên tục đi nhặt rác không hết. Tôi giờ nào ngồi thiền xong đi lại, thấy rác cũng nhặt. Chỉ mong khách tới chùa xin bỏ rác vào thùng, chứ cả chùa làm không xuể.”

Nhiều người đã trèo hẳn lên ngồi… ngay dưới mặt tượng Phật tại chùa Linh Quy Pháp Ấn (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Mà không phải chỉ chùa Linh Quy Pháp Ấn, mà bất cứ địa danh nào, chỉ cần đẹp một chút, nên thơ một chút “trót” bị bưng lên báo, lên mạng xã hội là y như rằng vài tháng sau sẽ thấy giới trẻ kéo đến ùn ùn, và rồi khi giới trẻ đi, các cảnh sắc thiên nhiên sẽ hoang tàn như bãi chiến trường với toàn rơm rác, chai lọ mà giới trẻ tha lên từ vùng trung tâm thành thị.

Túi nilon, cốc nhựa đựng nước vương vãi khắp các bãi cỏ xung quanh quảng trường Lâm Viên.

Cái cảm giác được đặt chân tới một địa danh đang được cư dân mạng share điên đảo thì lại chả thích với sướng đến điên đảo tâm hồn à? Nên là ừ thì chúng mình thích thì chúng mình cứ đi thôi, chúng mình còn trẻ thì chúng mình phải tận dụng mà đi ngắm, đi xem, tới khi chập choạng đầu ba còn phải vắt chân lên cổ mà sống cuộc sống bận rộn tuổi trưởng thành.

Chẳng phải tự dưng mà ở nhiều địa điểm du lịch, dân địa phương lại ghét khách tham quan đến vậy. Mặt tắt mày tối chăm chút cảnh quan, để rồi người ta tới, rồi chà đạp lên mồ hôi công sức của mình, không ai thấy vui hết.

Rồi đến đêm Giao Thừa vừa rồi nữa. Năm nay không bắn pháo hoa nên lượng người đổ xuống Bờ Hồ không nhiều như những năm trước. Nhưng không phải thế mà cảnh quan sạch đẹp hơn, mà vẫn giữ phong độ tan hoang như ngày nào.

Vẫn rác, vẫn chai lọ, vẫn túi ni-lông rải khắp tuyến phố. Cũng chẳng phải chỉ ở Bờ Hồ, bất cứ chỗ nào người trẻ có thể tụ tập ngồi với nhau là có rác đầy ở đấy. Lần này, hình ảnh tan hoang được chia sẻ rộng rãi nhất chính là hình ảnh quảng trường Lâm Viên của Đà Lạt sau đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán vừa xong.

Quảng trường Lâm Viên sau một đêm Giao Thừa bão tố.
Ngày xửa ngày xưa ở thời vua Hùng, Mị Châu đi rải lông vũ cho Trọng Thuỷ kiếm tìm thì ngày nay, người trẻ đi đâu là rải rác tới đó, như một bằng chứng để người ta biết rằng mình đã từng ở đây.

Không phải quy chụp người trẻ nào cũng vô ý thức, bởi vẫn còn nhiều tấm gương các bạn sau khi kết thúc một sự kiện nào đó cùng chung tay giúp cô lao công nhặt rác, quét đường. Nhưng đó vẫn là thiểu số, mà thiểu số thì chưa đủ sức mạnh để thay đổi cả một cộng đồng.

Kể ra, đầu xuân năm mới mà phải bàn đến việc ý thức “không bao giờ mới nổi” của người trẻ Việt thì chẳng vui vẻ gì. Nhưng hiện thực thế nào thì chúng ta phải nhìn nhận đúng như thế ấy.

Người trẻ dù sao cũng là những người sở hữu trí thông minh nhanh nhạy, hiểu và bắt kịp theo trào lưu mới rất nhanh. Cho nên vấn đề bây giờ chỉ còn nằm ở chỗ người trẻ nên biết chọn lọc để theo đuổi, làm mới mình bằng cái gì, khi ngay việc đơn giản là giữ ý thức, các bạn vẫn đang trầy trật?

Để công bằng mà nói, thực sự tôi cảm thấy rất vui khi các địa danh đẹp đẽ của Việt Nam được đưa hình ảnh đến với giới trẻ qua những MV, cảnh phim. Đây cũng như là cách thức để quảng bá du lịch Việt Nam đến với chính người dân trong nước và cả nước ngoài tốt nhất, tuy nhiên đừng để mỗi lần các địa danh này tạo nên cơn sốt du lịch thì chính người dân địa phương, và cả chúng ta, lại phải sốt sắng lo sợ rằng cảnh sắc thiên nhiên sẽ nhanh chóng bị huỷ hoại.

Đừng có cái gì mới cũng hay, cũng tài, nhưng chạy xu hướng lại chẳng đến nơi đến chốn, để người ta phải cười cho. Đã mang tiếng là người trẻ thì làm ơn hãy khoác lên mình những chiếc áo “tử tế”: tử tế cả về hành động lẫn ý thức, bởi chỉ có như thế thì bạn mới trưởng thành.

BÌNH LUẬN