Phát hiện hóa thạch chim nguyên vẹn trong hổ phách gần 100 triệu năm

0
528

Xác chim non 99 triệu năm tuổi là chim hoàn chỉnh nhất tìm thấy từ mỏ ở Myanmar mà các nhà từng biết tới.

Cơ thể bị đè ép của con chim nhỏ sống cách đây 99 triệu năm được phát hiện bọc trong một phiến hổ phách đục ở Myanmar, National Geographic hôm 2/2 đưa tin. Dù nhiều con chim tìm thấy trong hổ phách Myanmar trước đây gây chú ý hơn về hình dáng, không có mẫu vật nào chứa nhiều xương như con chim chưa trưởng thành này. Hóa thạch của nó bao gồm phần sau hộp sọ, phần lớn xương sống, mông, các bộ phận cánh và đùi.

Con chim mới phát hiện cũng đặc biệt bởi các nhà có thể nhìn rõ hơn cấu tạo bên trong của sinh vật tiền sử nhỏ tuổi, theo đồng tác giả Ryan McKellar ở Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan tại Regina, Canada.

“Khối hổ phách mờ đục, chứa nhiều dằm gỗ nhỏ. Có vẻ như nó được tạo ra ở bên trên hoặc gần nền rừng”, McKellar nhận xét. Điều này có nghĩa hình dáng bên ngoài của con chim không đặc sắc nhưng bên trong cơ thể lại thú vị hơn nhiều. “Khi chuẩn bị cho nghiên cứu ở Myanmar, họ đánh bóng nửa mặt trước của mẫu vật, cho phép chúng tôi quan sát khoang ngực và hộp sọ”, McKellar nói.

Phát hiện giúp bổ sung vào bộ sưu tập đặc biệt những hóa thạch kỷ Phấn trắng từ mỏ hổ phách ở phía bắc thung lũng Hukawng ở Myanmar. Trong vài năm qua, khu vực này cung cấp một số hóa thạch cánh chim đẹp mắt, chiếc đuôi còn nguyên lông của một con khủng long ăn thịt nhỏ và bộ xương của một con chim mới nở. Tháng 12 năm ngoái, các nhà nghiên cứu thậm chí còn tìm thấy xác những con ve hút máu khủng long trong hổ phách.

Lida Xing, tác giả chính của nghiên cứu mô tả chi tiết mẫu vật trên tạp chí Science Bulletin, chia sẻ lần đầu tiên trông thấy con chim được bán làm đồ trang sức ở Myanmar năm 2015, tim ông đập rất nhanh. Nhóm nghiên cứu gặp may khi có thể mua lại con chim cho Viện Cổ sinh vật học Dexu ở Triều Châu, . Những con chim bọc hổ phách đôi khi có thể được bán với mức giá 500.000 USD, vượt ngoài khả năng của các nhà khoa học, theo Xing, nhà cổ sinh vật học ở Đại học Khoa học Địa chất tại Bắc Kinh.

Phục dựng con chim mắc kẹt trong khối nhựa cây sau này hóa thành hổ phách. (Ảnh: National Geographic).

Dựa trên kết quả phân tích, nhóm nghiên cứu kết luận con chim nhỏ tuổi dính vào dòng nhựa cây khi còn sống hoặc đã chết. Độ ẩm khiến nhựa cây sủi bọt nhẹ, sau đó tạo ra khối hổ phách đục. Một số xương và mô mềm bị mất và trầm tích mắc lại bên trong những khoảng trống.

Con chim dài khoảng 6 cm. Cấu trúc lông và xương cho thấy đó là một con enantiornithine, loài chim nguyên thủy đã tuyệt chủng cùng với khủng long không biết bay 66 triệu năm trước. “Dù mới nở, chúng đã có đầy đủ lông trên cánh và đuôi. Chúng có cột sống yếu, do đó có thể không phải loài bay cừ khôi”, McKellar suy đoán.

Khi còn sống, con chim có răng ở mỏ và cơ thể màu nâu hạt dẻ hoặc màu hạt óc chó, với đám lông xù ở đầu và cổ. Điều đáng tiếc là hóa thạch thiếu mất hai đặc trưng giúp nhận dạng loài là chiếc mỏ đầy răng và móng vuốt trên cánh. Các nhà nghiên cứu cho rằng con chim non có thể bị thú săn mồi tấn công và rơi khỏi tổ xuống nhựa rỉ ra từ cùng thân cây. Một số mẩu thực vật và con gián mắc trong khối hổ phách có thể có nguồn gốc từ chiếc tổ.

Theo VNE

BÌNH LUẬN