Cà độc dược còn gọi là mạn đà la (hoa trắng), tên khoa học là Datura metel, thuộc họ Cà (Solanaceae). Dù trong cà độc dược có dược tính, tuy nhiên không thể tùy tiện dùng nó được.
Trúc đào, thầu dầu, ngô đồng hay huỳnh anh là những loại cây thường được trồng làm cảnh trong các trường học hay thậm chí là nhà ở nhưng lại chứa chất độc gây hại cho con người.
Đây đều là những loại cây cảnh quen thuộc, bạn có thể thấy nó hằng ngày trên các con đường đi làm hoặc ngay chính trong vườn nhà bạn cũng đang trồng loại cây này. Hãy lưu ý nó nhất là khi trong nhà có trẻ em các bạn nhé.
Cây cà độc dược (Datura alba Lour)
Cà độc dược còn gọi là mạn đà la (hoa trắng), tên khoa học là Datura metel, thuộc họ Cà (Solanaceae). Dù trong cà độc dược có dược tính, tuy nhiên không thể tùy tiện dùng nó được. Cây có độc tính cao nên chỉ dùng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Các hóa chất trong cà độc dược như scopolamine và atropine khi bị ngộ độc, có hiện tượng giãn đồng tử, mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, môi miệng khô, khô cổ đến mức không nuốt và không nói được. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong do hôn mê.
Cây thông thiên (Thevetia peruviana)
Thông thiên hay còn gọi là huỳnh liên, là loài cây thuộc họ Trúc đào. Cây có chứa nhiều chất độc ở hoa, lá, quả và hạt. Các độc tố bao gồm: thevetin, neriin, glucozid… có thể gây tử vong ở người. Chúng ta vẫn thường thấy loại cây này trong công viên hoặc vườn nhà trồng để làm cảnh. Nó thật sự gây nguy hiểm cho con người cần phải thật cẩn thận khi trong nhà có loại cây này.
Trúc đào (Nerium indicum Mill)
Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), có tên khác là đào lê. Có dược tính tuy nhiên cần phải có sự hiểu biết rõ về đặc tính của cây mới có thể dùng trong y học. Toàn bộ các bộ phận của cây đều có độc nên người trồng phải thật sự cẩn trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ hiếu động. Đáng kể nhất trong số các chất độc này là oleandrin và neriin, đều là các glicosid tim mạch. Chúng có mặt trong toàn bộ các bộ phận của loài cây này, nhưng chủ yếu tập trung trong nhựa cây.
Các bộ phận của loại cây này đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà chứa chất độc rất nguy hiểm. Chúng gây ức chế toàn bộ các enzim hô hấp. Chỉ cần ăn phải từ 10-20 lá trúc đào, một người lớn cũng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng và chỉ cần một chiếc lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em.
Ngô đồng (Jatropha podagrica)
Ngô đồng cảnh trông dáng rất đẹp, còn gọi là dầu lai lá sen, cây ngô đồng, ngô đồng cảnh, sen lục bình (danh pháp hai phần: Jatropha). Là một loài thực vật có hoa thuộc chi Dầu mè, họ Đại kích. Nó là một loài đặc hữu của vùng nhiệt đới châu Mỹ nhưng đã được trồng làm cảnh ở khắp nơi trên thế giới.
Hoa của cây có màu đỏ, nở quanh năm. Cả cây chứa chất độc curcin trên toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt. Curcin gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải. Loại cây này không hiếm ở Việt Nam, thường được bán rộng rãi ở những cơ sở cây kiểng.
Cây huỳnh anh (Allamanda cathartica)
Thuộc họ Trúc đào, là một trong những loài thực vật độc. Chất độc của nó có trong toàn bộ thân cây gồm hoa, lá, hạt và nhựa mủ. Loại hoa này thường thấy ở những bờ rào, trồng để trang trí ở cổng. Đã từng có những trường hợp trẻ em bị ngộ độc được ghi nhận trên thế giới do chơi đùa, ngậm nhai cây, hoa hoặc nuốt phải nhựa cây. Triệu chứng ngộ độc khi trẻ ăn phải sẽ gây ra rối loạn tiêu hoá, gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Nhựa cây này còn độc đến mức sẽ ảnh hưởng đến trẻ có cơ địa mẫn cảm khi chỉ cần sờ vào nó gây viêm da làm nổi hồng ban, mề đay trên da. Gia đình nào đang trồng loại cây này và có con nhỏ nhớ lưu ý cẩn thận.
Cây thầu dầu
Hay còn gọi là cây đu đủ tía (Ricinus communis). Những người ngộ độc từ cây này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật lâu, suy tạng gây tử vong. Người ta có thể chiết dầu từ nhân hạt, khi ép dầu, chất độc ricin không tan trong dầu nên nằm lại trong bã hạt (khô dầu). Vì vậy, bã hạt thầu dầu rất độc, không dùng làm thức ăn cho gia súc, chỉ cần 3g bã này đủ giết chết một con bò trưởng thành. Nhân hạt thầu dầu chứa dầu béo 45 – 50%, protein 12 – 16% (trong đó có 3 – 5% ricin và một số chất khác như ricinin,…). Chất ricin rất độc dối với động vật có vú, độc gấp 7 lần aconitin. Ăn một hạt thầu dầu đủ để gây nôn mửa, ăn 3 – 4 hạt có thể làm chết một trẻ em, ăn 14 – 15 hạt làm chết một người lớn.
(Ảnh: Internet)