Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của “Võ lâm minh chủ” Kim Dung

0
697

Ông xếp thứ 64 trong danh sách các đại gia giàu có nhất Hong Kong. Trong thập niên 90, giới báo chí, truyền thông Hong Kong ca tụng là “”.

Nhà văn Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94. Ông có một sự nghiệp văn chương hiển hách với 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp và là một bậc thầy của nghệ thuật tiểu thuyết . Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những thế hệ độc giả châu Á say mê những cuốn tiểu thuyết võ hiệp kinh điển của ông.

Kim Dung cùng người vợ thứ 2 Chu Mai sáng lập nên tờ Hong Kong Minh báo từ năm 1959 và được coi là ông trùm báo chí của xứ Hương Cảng về sức mạnh và quyền lực.

Khi ra mắt Minh báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ có 100.000 HKD. Kim Dung là tổng biên tập còn Chu Mai là phóng viên duy nhất. Trải qua rất nhiều khó khăn, năm 1991, Minh báo lên sàn cổ phiếu và được định giá 870 triệu KHD, trong đó Kim Dung sở hữu 60%.


Năm 1992, Minh báo đạt lợi nhuận năm 100 triệu HKD. Tài sản của Kim Dung lúc này ước tính lên tới 120 triệu HKD. Ông xếp thứ 64 trong danh sách các đại gia giàu có nhất Hong Kong. Trong thập niên 90, giới báo chí, truyền thông Hong Kong ca tụng Kim Dung là “võ lâm minh chủ”.

Kỳ tài văn chương

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hải Ninh, Chiết Giang. Họ Tra là một gia tộc hiển hách, thời nhà Thanh đã sản sinh ra 7 tiến sĩ. Đích thân vua Khang Hy từng ban tặng câu đối ca ngợi tài năng kiệt xuất của gia tộc cho tông miếu nhà họ Tra: “Đường Tống dĩ lai cự tộc, Giang Nam hữu số nhân gia”.

Gia tộc họ Tra thuộc dòng danh gia vọng tộc và có rất nhiều văn nhân nổi tiếng. Thi nhân Từ Trí Ma nổi danh cũng chính là anh họ của Kim Dung. Ông lớn lên trong sự giàu có của giới quý tộc, lại nhận được điều kiện tuyệt vời nên từ nhỏ đã bộc lộ tài năng, nổi tiếng học sâu hiểu rộng.

Khi còn học trung học, Kim Dung đã cùng 2 người bạn học tập hợp tài liệu viết thành cuốn sách tham khảo riêng dành cho học sinh thi chuyển cấp bậc sơ trung học. Cuốn sách này sau đó được bán rất chạy ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Đây có thể coi là cuốn sách đầu tay cho nghiệp viết lách của Kim Dung.

Năm 31 tuổi, Kim Dung làm biên tập viên cho tờ New Evening Post của Hong Kong. Ông tiếp quản việc viết tiếp loạt truyện kiếm hiệp dài kỳ đang dang dở cho tờ báo và bắt đầu con đường sáng tác tiểu thuyết võ hiệp từ đây. Tác phẩm đầu tiên của ông là Thư Kiếm Ân Cừu Lục.


Kim Dung đã nhận rất nhiều giải thưởng lớn trong cuộc đời, trong đó có Huân chương Tự Kinh và giải thành tựu trọn đời.

Các tác phẩm kiếm hiệp tiếp theo của Kim Dung đều trở thành hiện tượng thu hút độc giả. Năm 1958, công ty điện ảnh Nga My đã chuyển thể tác phẩm Anh hùng xạ điêu thành bộ phim dài 2 tập, đánh dấu bản chuyển thể phim đầu tiên từ tiểu thuyết của ông.

Nhờ sự thành công của bộ phim chuyển thể đầu tiên, Kim Dung mới tiếp tục thực hiện ước mơ của mình là thành lập tờ báo riêng vào năm 1959. Trong giai đoạn đầu tiên, Minh báo phát triển vô cùng khó khăn. Tờ báo chủ yếu dựa vào loạt truyện dài kỳ Thần điêu đại hiệp để thu hút độc giả. Ban ngày, ông dùng bút danh Tra Lương Dung để viết các bài báo về xã hội, chính trị. Buổi tối ông lại miệt mài sáng tác tiểu thuyết võ hiệp ly kỳ.

Ngòi bút sắc sảo của ông đã dần dần đưa Minh Báo trở thành tờ báo uy tín đối với giới trí thức Hong Kong. Thời đó, rất nhiều độc giả không hề biết nhà văn Kim Dung và nhà báo Tra Lương Dung chính là một người.

Sau bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất sự nghiệp Lộc đỉnh ký sáng tác từ năm 1969 đến 1972, Kim Dung dừng bút. Nhưng ông không quy ẩn giang hồ như nhiều nhân vật trong tác phẩm của mình mà bắt đầu sửa chữa các cuốn sách. Các yếu tố hoang đường, kỳ ảo, những nhân vật thừa thãi đều bị loại bỏ…

Đến năm 1999 đến 2006, ông lại sửa lại toàn bộ các tác phẩm một lần nữa. Có thể nói, trong hàng nghìn tác gia tiểu thuyết võ hiệp, ít có ai nghiêm túc với tác phẩm của mình như Kim Dung.

Cả đời ông dùng con chữ để mưu sinh, vừa là một nhà văn có sự nghiệp hiển hách, vừa là một tổng biên tập được nhiều người nể phục. Dù với tư cách là một văn sĩ hay một nhà báo, Kim Dung quả thật là bậc kỳ tài.

BÌNH LUẬN