Venezuela là một trong số những quốc gia đang phải gánh chịu nợ nần tuy nhiên điều này lí giải tại sao đồng tiền ảo như bitcoin lại trở nên quan trọng đến vậy.
Các loại tiền ảo như bitcoin luôn được coi là kênh đầu tư đầy mạo hiểm, thậm chí tại một số nơi như Venezuela thì tiền ảo còn được xem là rất nguy hiểm.
Hàng ngàn người dân Venezuela đang lén lút đào bitcoin (đồng tiền mới đây có giá lên tới gần 5.000 USD) để mưu sinh và cũng vì thế mà họ phải đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù.
Venezuela từng là quốc gia chứa nhiều rủi ro nhất khu vực Nam Mỹ và giờ đây đất nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng thậm chí phải đứng trước nguy cơ “nội chiến” và những cuộc biểu tình đẫm máu ở các trung tâm thành phố. Đây có lẽ là quốc gia nợ nhiều nhất thế giới với GDP “lao dốc không phanh”. Tỷ lệ lạm phát của quốc gia được Qũy Tiền tệ Quốc tế dự báo sẽ tăng lên mức 1.100% trong năm nay và đứng đầu thế giới. Thậm chí tình trạng siêu lạm phát khiến nhiều điểm giao dịch dùng cân để đếm tiền.
Thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu trở nên khan hiếm. Cảnh xô lấn, chen đẩy diễn ra thường xuyên tại các cửa hàng, siêu thị của Venezuela. Nhiều người còn phải đi bới rác tìm thức ăn để sinh sống qua ngày.
Đồng bolivar của Venezuela đang rơi tự do khi giá trị của nó đã giảm tới 99,4% kể từ năm 2012.
Thế nhưng đồng bitcoin, ethereum và một số đồng tiền ảo khác lại liên tục tăng với tốc độ chóng mặt. Chúng hoàn toàn độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tình hình kinh tế, chính trị của bất cứ quốc gia nào. Đây là lý do làm sao tiền ảo lại có sức hút đối với Venezuela đến vậy.
Trong thế giới tiền ảo, các “thợ mỏ” sẽ sử dụng máy tính để thực hiện giao dịch điện tử và lưu lại trong sổ kế toán. Sau đó, những thông tin này sẽ được xác nhận và chuyển sang “sổ cái” điện tử được công bố công khai. Khi một ai đó đào tiền ảo, họ được trả cho chính sự nỗ lực của mình. Một người đàn ông 29 tuổi giấu tên có nickname “Brother” chia sẻ mức lương 43 USD/tháng từ một công việc nhà nước không đủ để nuôi sống gia đình anh. Chính điều này đã hối thúc anh sử dụng máy tính của công ty một cách bất hợp pháp để đào bitcoin. Sau đó không lâu Brother xin nghỉ việc và tự đầu tư thiết bộ đào bitcoin ở nhà.
“Vì con gái, tôi bất chấp mạo hiểm. Tôi phải làm điều này vì con bé”- Brother chia sẻ.
Câu chuyện của Brother đại diện cho biết bao cảnh đời khác ở Venezuela bất chấp mạo hiểm thậm chí có thể phải ngồi tù chỉ vì miếng cơm manh áo.
Qúa trình đào tiền ảo không thực sự được trực quan cho lắm vì vậy nhiều người đã tự mày mò, tìm hiểu thông qua các kênh Youtube. Randy Brito hiện đang điều hành diễn đàn Bitcoin Venezuela nhằm hướng dẫn mọi người cách đào tiền tiền ảo. Trên thực tế, Brito điều hành diễn đàn này từ Tây Ban Nha do từ năm 14 tuổi anh đã phải bỏ trốn cùng gia đình. Cộng đồng này ban đầu chỉ có 10 thành viên nhưng cho đến nay con số ấy đã tăng lên 10.000.
Số lượng người dùng trên sàn giao dịchVenezuelan Bitcoin trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016 tăng vọt từ vài trăm người lên 85.000 người.
Brito cho biết “Nhiều người khó lòng có thể tồn tại với đồng lương ít ỏi từ công việc của mình, ngay cả khi họ là những giáo sư, tiến sỹ. Vì vậy họ coi việc đào tiền ảo như một nguồn thu nhập vô cùng quan trọng để nuôi sống gia đình”.
Theo thống kê của trang LocalBitcoins.com cho biết chỉ tính riêng trong tháng 7, số lượng tiền bitcoin giao dịch ở Venezuela đã tăng gấp đôi so với 2 tháng trước lên mức hơn 1,15 triệu euro.
Mặc dù đây là một nguồn thu nhập thiết yếu nhưng mối hiểm họa luôn rình rập họ. Vì vậy, hoạt động đào bitcoin và một số đồng tiền khác được thực hiện một cách lén lút.
Rào cản tiền ảo tại Venezuela
Thực ra đào tiền ảo ở Venezuela hoàn toàn hợp pháp, tuy nhiên cảnh sát lại bắt giữ những thợ đào tiền ảo. Vậy lý do ở đây là gì?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2016 khi 2 thợ đào tiền ảo là Joel Padron và Jose Perales bị bắt vì tội ăn cắp điện và buôn lậu. Số lượng máy tính mà hai người này sử dụng để đào tiền ảo lên tới 11.000 máy.
Số lượng người bị bắt kể từ đó tăng lên đáng kể. Khi được hỏi lý do do tại sao giới chức Venezuela lại mạnh tay siết chặt hoạt động đào tiền ảo đến vậy thì một thám tử cho biết có nhiều trường hợp bị nghi là “khai thác tài nguyên mà không có giấy phép”.
Cảnh sát ráo riết truy tìm những thợ đào tiền ảo vì họ cho rằng chính những người này đang lợi dụng giá điện rẻ để sử dụng điện không đúng mục đích.
Tuy nhiên, một số thợ đào tiền ảo cho rằng chính phủ Venezuela coi tiền ảo như một mối đe dọa đối với đồng bolivar vốn đang rất yếu.
Trong một bài viết trên trang Reddit, một thợ đào bitcoin chia sẻ “nhiều thợ đào bitcoin đang phải ngồi tù bị buộc tội khủng bố, rửa tiền, tội phạm máy tính và hàng loạt các tội danh khác. Mọi chuyện thật điên rồ, tôi không muốn lãng phí cuộc đời mình vì tiền”.
Một năm trước, Tego Sanchez đã dành hết số tiền tiết kiệm cả đời anh để mua thiết bị đào tiền ảo. Giờ đây, số tiền kiếm được từ công việc này chiếm tới 80% thu nhập của Tego Sanchez. Có thời điểm giá đồng ethereum đạt đỉnh, anh thậm chí có thể kiếm 20 USD/ngày. Tuy nhiên, người đàn ông 23 tuổi chia sẻ anh liên tục phải sống trong nỗi sợ hãi rằng mình sẽ bị bắt sau khi phải chứng kiến các bạn anh lần lượt phải ngồi tù.
Giới chức Venezuela theo dõi và phát hiện các thợ đào tiền ảo dựa trên lượng tiêu thụ điện ở các hộ. Các thiết bị đào tiền ảo thường tiêu thụ rất nhiều điện và cảnh sát sẽ theo dõi “số điện” của các hộ trên toàn quốc.
Nếu cảnh sát phát hiện lượng điện tiêu thụ ở hộ nào cao đột biến thì họ để ý và theo dõi hộ gia đình ấy nhiều hơn. Điều này lý giải tại sao nhiều thợ đào tiền ảo bị bắt vì tội gian lận internet và ăn trộm điện.
Để che mắt cảnh sát, một số thợ đào tiền ảo chia nhỏ hệ thống máy tính của mình ra các nơi khác nhau thay vì tập một chỗ ở chính căn hộ của mình. Họ “di tản” máy tính sang hàng xóm và chi trả toàn bộ tiền điện.
Venezuela là một trong số những quốc gia đang phải gánh chịu nợ nần tuy nhiên điều này lí giải tại sao đồng tiền ảo như bitcoin lại trở nên quan trọng đến vậy.
Theo Đức Quỳnh