“Em thấy lạc lối trên giảng đường đại học. Hiện em là sinh viên năm cuối ngành Tài chính kế toán, nhưng giờ em tự nhận thấy mình không hợp với ngành này”, Tùng – sinh viên Khoa Quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội – tâm sự với chúng tôi.
– Có bao nhiêu bạn bị bố mẹ hướng tới công việc mang tính ổn định, và sắp xếp sẵn công việc cho các bạn khi ra trường?
– Có bao nhiêu bạn vẫn còn mông lung chưa xác định nghề nghiệp tương lai?
Đây là 2 câu hỏi anh Lê Đình Hiếu – Trưởng nhóm Global Shapers TPHCM và là đồng sáng lập Học viện G.A.P, một trong 30 người trẻ tuổi nổi bật nhất Việt Nam (Danh sách top 30 under 30 do Forbes bình chọn) – đặt ra cho các bạn trẻ tham dự sự kiện Talent Hub – Tour De Job diễn ra cuối tuần trước.
Rất nhiều bạn trẻ giơ tay.
Tùng, em sinh viên năm cuối có vẻ mặt rất cương nghị trước 2 câu hỏi đó đều giơ tay thừa nhận.
Tùng cho biết, ngành Tài chính kế toán mà em đang theo học là do gia đình chọn lựa. Phải đến năm cuối đại học, em mới nhận ra mình thích ngành khác – ngành Marketing.
“Em thấy hiện tại mình nhận ra đã hơi chậm và không biết đâu là con đường hợp lý nhất: Chuyển ngành mới hay tiếp tục ngành cũ”, Tùng tâm sự.
Có ai đi học chỉ nhằm mục đích điểm danh như em?
Tùng không phải trường hợp duy nhất nhận ra mình đã lạc lối khi đã bước qua vài năm trên giảng đường đại học.
Xuân, sinh viên năm thứ 3 Học viện Tài chính, cũng bày tỏ trăn trở trước con đường đã chọn.
Chuyên ngành của em là Kế toán, sau một thời gian thực tập chuyên ngành này thì em phát hiện ra mình không hề thích ngành này.
Và cũng như Tùng, em cho rằng mình có niềm đam mê với ngành Marketing.
“Khi phát hiện mình đam mê một ngành khác, việc đến trường với em ngày ngàynặng nề vô cùng. Em đi học chỉ nhằm mục đích điểm danh”.
“Không biết các anh chị có cảm giác tương tự?”, Xuân ngậm ngùi.
Trước những băn khoăn khi lạc lối trên giảng đường đại học của các em, chị Cáp Thị Minh Trang – phụ trách nhân sự của Tập đoàn British American Tobacco (BAT) – thừa nhận không biết phải khuyên nhủ các em thế nào.
Về việc các em sinh viên năm 3, năm cuối có nên chuyển sang ngành mình thích, T.S Mai Anh, Giảng viên Khoa Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Đam mê Marketing của các em sẽ vững chắc hơn nếu các em tốt nghiệp ngành đang học.
“Đừng nên rũ bỏ hết công lao của mình sau ngần ấy năm học. Tiếc lắm! Đừng nghĩ kiến thức học trái ngành là bỏ đi. Như các em làm Marketing, về sau vẫn phải tính toán chi phí Marketing và cần phải sử dụng những kiến thức đã học”, TS. Mai Anh khuyên nhủ.
Ông Mai Anh cũng khuyên các em sinh viên khi đã xác định nghề nghiệp mình đam mê, nên xác định mục tiêu sẽ làm gì, năng lực cần bổ sung là gì.
“Năng lực là sự tổng hòa của Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ. Kiến thức chỉ là một phần thôi, nhưng quan trọng nhất là Kỹ năng và Thái độ – hai yếu tố mà sinh viên Việt Nam thua rất nhiều so với sinh viên nước ngoài hoặc các du học sinh”, TS. Mai Anh nhìn nhận.
Đăng bởi : Cafebiz