Chính vì vậy, nếu có cơ hội, hãy đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất có thể và coi đó là một hình thức tiết kiệm sớm để bạn có thể thoải mái, an nhàn lúc về già.
Dám cá trong số chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần ngồi xuýt xoa sao người này người kia trẻ vậy mà sao lại giàu có như thế.
Vậy thì thay vì ngồi một chỗ mà ngưỡng mộ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem họ đã làm gì để có thể thành công ở độ tuổi mà nhiều người vẫn chưa có gì cho riêng mình như vậy.
Nếu bạn làm được tất cả những lời khuyên dưới đây ở độ tuổi 20 thì dám chắc nếu không trở thành tỷ phú thì chắc chắn bạn cũng sẽ không phải là người nghèo.
1. Tiết kiệm tiền nhưng không giữ tiền
Có một lời khuyên không bao giờ cũ là hãy sống tiết kiệm cho đến khi bạn biết cách quản lý chi tiêu một cách hiệu quả nhất. Cứ cho là bạn kiếm được một công việc ổn định đi thì điều đó cũng không thể đảm bảo cho bạn một tương lai lâu dài được.
Có rất nhiều chi phí phát sinh và những cái “muốn” dễ dàng đốt hết số tiền lương mà bạn kiếm được như quần áo, giày dép mới, hợp mốt cho bằng anh bằng em, đổi xe mới, đám hiếu đám hỉ…
Chính vì vậy, tác giả cuốn “10 lời dạy về tiền bạc”, Liz Pulliam Weston khuyên bạn hãy cố gắng sống như một sinh viên nghèo cho đến khi bạn quản lý được những chi phí mới này.
Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là giữ tiền. Nếu được, hãy dùng số tiền tiết kiệm của bạn để đầu từ vào các tài khoản đảm bảo dài hạn và không rút nó ra ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp đó, bạn chỉ còn cách duy nhất là tăng nguồn thu.
2. Tập trung phát triển các nguồn thu nhập
Đừng chỉ trông chờ vào một nguồn thu cố định từ lương, hãy cố gắng mở rộng, phát triển nguồn thu của mình bằng cách đầu tư tiền tiết kiệm vào một công việc kinh doanh nho nhỏ nào đó ban đầu như mở shop online hoặc hùn vốn cùng bạn bè mở quán game, cà phê…
Nếu số tiền tiết kiệm lớn bạn cũng có thể nghiên cứu thêm về đầu tư bất động sản hay chứng khoán.
3. Đừng bao giờ tốn tiền cho việc khoe mẽ
Nhiều người trẻ chưa kiếm nổi một đồng tiền nhưng luôn thích tỏ ra mình là người có tiền với những điện thoại iPhone xịn, quần áo, đồng hồ, túi xách hàng hiệu được mua bằng tiền của bố mẹ hoặc tiền đi vay mượn.
Họ chạy theo những giá trị ảo mà quên mất rằng công việc mà họ làm mới là điều mang lại giá trị chứ không phải là những món đồ chỉ để khoe mẽ kia. Đừng bao giờ mua những thứ vượt quá thu nhập đảm bảo cho phép để rồi lại phải è cổ ra trả nợ mãi không xong.
4. Hạn chế dùng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng ngày nay không còn xa lạ gì với người dùng ngân hàng nữa, đặc biệt là những người trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi trong chi tiêu thì thẻ tín dụng giống như một con dao hai lưỡi bởi lúc đang tiêu sướng tay ít người nghĩ đến lãi suất và chi phí cao cực kỳ nếu không trả tiền đúng hạn.
Chính vì vậy, nếu không đừng được mà phải làm một cái thẻ tín dụng thì bạn nên hạn chế dùngtrừ các trường hợp thực sự khẩn cấp mà không còn cách nào khác để giải quyết.
4. Mua bảo hiểm và đảm bảo khoản dự phòng khẩn cấp
Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, mỗi người nên có một khoản dự phòng tối thiểu khoảng 3 triệu tiền mặt cho các trường hợp như đau bệnh bất ngờ. Nếu được hãy cố gắng tiết kiệm 6 tháng thu nhập để đề phòng trường hợp bị thất nghiệp đột ngột.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ bởi chỉ cần một tai nạn hay một cơn bạo bệnh cũng dễ dàng khiến bạn khánh kiệt nếu không có bảo hiểm chi trả.
6. Đầu tư phát triển bản thân
Khoản đầu tư an toàn nhất chính là đầu tư vào chính bản thân mình. Chính vì vậy, hãy nâng cao kiến thức của mình bằng cách đọc thật nhiều, học hỏi mọi lúc mọi nơi, hay thậm chí bỏ tiền ra để học nhưng khóa học mà bạn cho là xứng đáng.
Bạn có biết không tài phiệt Warren Buffet đã dành 80% thời gian trong ngày làm việc của mình để đọc thế nên hãy cố gắng đọc bất cứ thứ gì ít nhất 30 phút mỗi ngày bạn nhé.
7. Đặt mục tiêu lớn và dài hạn
Thay vì đặt mục tiêu mua iPhone 7 hay một chiếc túi hàng hiệu hãy đặt mục tiêu lớn lao hơn như mua nhà, mua xe hơi hay đi du lịch vòng quanh thế giới bởi những mục tiêu đó sẽ khiến bạn nỗ lực không ngừng nghỉ và kết quả mang lại sẽ nâng tầm giá trị của bạn hơn rất nhiều.
8. Chuẩn bị kế hoạch về hưu
Mới 20 tuổi mà nghe “về hưu” thì có vẻ mông lung và xa xôi quá nhưng chuẩn bị sẵn sàng chưa bao giờ thừa.
Chính vì vậy, nếu có cơ hội, hãy đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất có thể và coi đó là một hình thức tiết kiệm sớm để bạn có thể thoải mái, an nhàn lúc về già.
Theo Thu Trang
Trí Thức Trẻ