Thủ tục phẫu thuật ghép tế bào gốc vào võng mạc là hi vọng duy nhất hiện nay, cho những bệnh nhân mù lòa do thoái hóa hoàng điểm. Mong rằng hàng triệu người như Doug Waters sẽ sớm lấy lại được thị lực của mình nhờ phương pháp này.
Mới đây, các bác sĩ Anh đã sử dụng tế bào gốc để chữa thành công hai ca bệnh thoái hóa hoàng điểm đầu tiên trên thế giới.
Thoái hóa hoàng điểm xảy ra khi tế bào võng mạc lão hóa và chết đi. Nó thường gây mù lòa và trước thời điểm này được coi là vô phương cứu chữa. Bệnh nhân bị thoái hóa hoàng điểm thường chỉ có thể uống thuốc giảm đau và vitamin để cầm chừng.
Tuy nhiên, với nghiên cứu mới của mình, các bác sĩ người Anh đã lần đầu tiên mở ra cơ hội chữa trị căn bệnh, với một loại thuốc sử dụng tế bào gốc nhưng dự kiến sẽ có giá phải chăng.
Nó có thể được cấp phép tại Anh trong vòng 5 năm tới, nơi có khoảng nửa triệu bệnh nhân mù lòa vì thoái hóa hoàng điểm. Trên toàn thế giới, có khoảng 30 triệu người đang mắc căn bệnh này .
Võng mạc của một bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm
Thoái hóa hoàng điểm là một tình trạng liên quan đến sự lão hóa võng mạc. Nói một cách đơn giản, bệnh này xảy ra khi lớp mô đằng sau các tế bào cảm quang hình que và hình nón của võng mạc bị hỏng.
Lớp mô này, được gọi là biểu mô sắc tố võng mạc (RPE), giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào lớp ngoài của võng mạc và loại bỏ chất thải. Sự hỏng hóc của lớp RPE dẫn đến việc chất thải tích tụ và giết chết các tế bào xung quanh một cách từ từ.
Qua thời gian, sự thoái hóa âm thầm này có thể dần mở rộng thành một điểm mù, ảnh hưởng đến tầm nhìn của bệnh nhân. Điều này làm bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm không thể đọc, xem truyền hình thậm chí là nhận ra mặt của người thân.
Douglas Waters, 86 tuổi, là một trong hai bệnh nhân đã được chữa khỏi thoái hóa hoàng điểm. Trước đó, căn bệnh đã khiến ông mất đi một nửa tầm nhìn của mình.
“Trong những tháng trước khi được phẫu thuật, thị lực của tôi thực sự rất kém, và tôi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì bằng mắt phải của mình”, Waters chia sẻ với BBC.
Hiện tại có một số phương pháp tiên tiến để điều trị căn bệnh này, nhưng tất cả đều là điều trị tạm thời. Bệnh nhân cần tiêm thường xuyên vào mắt, mà rõ ràng không phải là một điều dễ chịu. Chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, cho đến khi liệu pháp tế bào gốc ra đời.
Mô phỏng tầm nhìn của một bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm
Cách đây 1 năm, Waters là một trong hai bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật để điều trị thoái hóa hoàng điểm. Ông được đặt một miếng vá tế bào gốc mỏng 40 micron và rộng 4 x 6mm vào võng mạc của mình.
Các tế bào này được định hướng tái tạo thành nhiều loại tế bào đa dạng trong biểu mô sắc tố võng mạc. Đồng thời, chúng được phủ một hợp chất tổng hợp giúp dính tại chỗ. Ca phẫu thuật thành công và cả 2 bệnh nhân được theo dõi suốt 12 tháng. Đến nay tình trạng và tầm nhìn của họ đều cải thiện đáng kể.
“Điều mà các nhà nghiên cứu đã làm thật tuyệt vời, và tôi cảm thấy rất may mắn khi được trao lại khả năng nhìn của mình”, Waters nói với BBC. Ông cho biết rằng bây giờ mình có thể đọc báo trở lại.
Các tế bào gốc phát triển trong võng mạc bệnh nhân tương đối khỏe mạnh, mặc dù vậy, có một sự từ chối nhẹ từ cơ thể khiến chúng phát triển chưa đều. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi các tế bào này, xem chúng có bị từ chối hay phát triển thành ung thư như nhiều người lo ngại hay không.
Nhưng cho tới giờ phút này, chưa có tình trạng xấu nào xảy ra giúp nhóm nghiên cứu có thể mở rộng cuộc thử nghiệm của mình cho 8 bệnh nhân khác.
Nếu tất cả các ca thử nghiệm này đều tiến triển tốt, phương pháp tế bào gốc này sẽ sớm được phổ biến rộng rãi hơn.
“Chúng tôi hy vọng kết quả này sẽ dẫn đến một liệu pháp có sẵn, giá cả phải chăng sẽ được cung cấp cho các bệnh nhân Anh trong vòng 5 năm tới”, bác sĩ nhãn khoa Pete Coffey thuộc Viện mắt Nhãn khoa thuộc Đại học London cho biết.
Liệu pháp tế bào gốc đang là hi vọng của các bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm
Thời gian sẽ trả lời xem phương pháp này có ý nghĩa thế nào đối với khoảng 100 triệu người trên thế giới đang đối mặt với thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác.
Một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn khác đã được thử nghiệm vào năm ngoái. Trong đó, các nhà khoa học sử dụng một loại virus được tiêm vào mắt để làm chậm và thậm chí đảo ngược tác động của thoái hóa hoàng điểm. Tuy nhiên, dường như phương pháp đã gặp khó khăn khi hệ miễn dịch của bệnh nhân tiêu diệt các virus.
Thủ tục phẫu thuật ghép tế bào gốc vào võng mạc là hi vọng duy nhất hiện nay, cho những bệnh nhân mù lòa do thoái hóa hoàng điểm. Mong rằng hàng triệu người như Doug Waters sẽ sớm lấy lại được thị lực của mình nhờ phương pháp này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology.
Tham khảo Sciencealert
ZKnight
Trí Thức Trẻ