Mọi thứ đều có thể chịu đựng, nhưng riêng 2 điều này thì tuyệt đối KHÔNG: Nhẫn nhịn chứ đừng yếu đuối, hèn nhát!
Muốn có được một cuộc sống bình an, con người ta không thể thiếu được chữ “nhẫn”. Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, mấy ai được sống theo đúng ý mình. Có khi hôm nay không sao nhưng ngày mai lại có chuyện, toàn là những chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Với người không biết nhẫn nại, chuyện lớn chuyện nhỏ đều có thể giận dữ, từ đó, chuyện nhỏ hóa lớn, lớn hóa không thể giải quyết. Cuối cùng, nhận quả đắng, “sứt đầu mẻ trán” về mình.
Còn người biết nhẫn nại, điều chỉnh tâm tính, họ nhận được sự an nhàn và bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, tỉnh táo hơn.
Tại sao chúng ta phải kiên nhẫn?
Từ thời xa xưa đến nay, đã có vô số câu nói bậc cha ông để lại muốn dạy cho ta lợi ích của một chữ “nhẫn”:
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao”
Hay như:
“Chữ Nhẫn là chữ tượng vàng,
Ai mà nhẫn được đời càng hiển vinh”…
Nhẫn không chỉ là phẩm chất, đó còn là ý chí, là trí tuệ, là biểu hiện của một nội tâm mạnh mẽ. Có người bị nói xấu một câu sau lưng, cho dù là sự thật hay chuyện giả dối, cũng nổi giận đùng đùng, tức giận mấy ngày, chỉ mong tìm cơ hội trả thù và đáp trả với người đã đặt điều vu vạ cho bản thân.
Người ngoài nhìn vào thì thấy họ sống thẳng thắn, không để bản thân phải chịu thiệt chút nào, nhưng thực chất, họ đang tự làm khó chính mình khi ôm bực tức vào thân, mất nhiều hơn được trong khi chuyện không to tát đến thế.
Tiểu sự nhẫn, đại sự thành. An nhiên như thể chưa hề long đong.
Hành xử nhẫn nại với mọi người xung quanh, mọi chuyện xảy ra là một kiểu nhắc nhở và tu tâm dưỡng tính cho chính bản thân mình. Khi phải đối mặt với những người gây sự vô lý, chính hành động không tranh cãi, “võ mồm” vô nghĩa với họ càng chứng tỏ bạn là người hiểu lý lẽ, biết cách đối nhân xử thế và làm người chín chắn, trưởng thành.
Tuy vậy, không phải lúc nào chữ “Nhẫn” cũng là vạn năng. Có những tình huống xảy ra trong cuộc sống sẽ khiến bạn phải thẳng thắn đáp trả ngay. Mọi chuyện đều có thể nhẫn nại trừ 2 trường hợp sau, nếu bạn không dám phản kháng, bạn sẽ trở thành kẻ yếu đuối, không có nguyên tắc cá nhân, và đánh mất ý nghĩa thực sự của chữ “Nhẫn”:
1. Ai đó bắt nạt hoặc lăng mạ những người thân yêu xung quanh mình
Tất cả chúng ta đều là những người bình thường trong cuộc sống bình thường, đối mặt với những chuyện vô cùng bình thường xảy ra hàng ngày. Tuy nhiên, nếu một ngày cha mẹ hoặc anh chị em của chúng ta bỗng nhiên bị những kẻ vô lại xấu xa tới bắt nạt mà chẳng vì lý do gì, bạn hãy thẳng thắn nói với bản thân: “Đừng nhịn nữa!”
Nhẫn nhịn cũng phải tùy trường hợp, tùy đối tượng.
Nếu đứng trước trường hợp ấy, nhìn người thân của mình bị bắt nạt mà chỉ biết im lặng chịu đựng để mong mọi chuyện nhanh chóng qua đi, đó đúng là một con người vô dụng, chỉ biết từ bỏ tôn nghiêm của chính mình. Cho dù chuyện gì xảy ra, tôn nghiêm tối thiểu của bản thân phải là bảo vệ được sự an toàn của gia đình, người thân của mình. Đó là thứ mà ai cũng phải có nếu muốn sống thẳng lưng, vững bước trên đời.
Tôn nghiêm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và mỗi đất nước đều quan trọng không kém gì nhau. Khi đối mặt với những kẻ xấu xa, nanh nọc, có ý đồ tổn hại nó, chúng ta phải tỉnh táo áp dụng những phương pháp và thủ đoạn khác nhau để gìn giữ giá trị thiêng liêng này.
2. Khi nhìn người già, trẻ em và phụ nữ bị người khác bắt nạt
Mỗi gia đình đều hình thành từ những nhân tố như người già, trẻ em và phụ nữ. Bản thân chúng ta không cho phép người khác bắt nạt họ như thế nào thì những người xung quanh cũng có chung tâm lý ấy. Nếu cha mẹ hay vợ con mình bị đối xử tệ bạc, bị kẻ xấu chèn ép giữa đường phố mà không có lấy một người đứng ra giúp đỡ, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đặt bản thân vào trường hợp ấy mà suy nghĩ, chúng ta liệu có thể chấp nhận được không?
Đôi khi từ bỏ sự nhẫn nhịn cũng là cách để chứng minh bản lĩnh của mình!
Dù ở trong trường hợp nào, người già, trẻ em và phụ nữ là ba nhóm dễ bị tổn thương nhất. Họ không có đủ sức mạnh tấn công nên dễ rơi vào “tầm ngắm” của những kẻ bắt nạt. Nếu chứng kiến cảnh tượng như vậy mà chúng ta còn chần chừ, do dự có nên nhúng tay vào chuyện người khác hay không, bản thân chúng ta đang trở thành một kẻ yếu đuối.
Tuy nhiên, thay vì mù quáng “hành động nghĩa hiệp”, hãy tỉnh táo quan sát tình huống và đưa ra những quyết định phù hợp nhất. Trước một đám người có vũ khí trong tay, đừng xông lên như anh hùng rồi tổn thất tính mạng, đừng đặt lòng tốt vào hành vi vô dụng để chịu thiệt về thân.