Các nhà phát triển và giới thợ mỏ cũng đang đưa ra những sáng kiến mới để giúp quá trình giao dịch tiền số nhanh hơn và bớt tiêu thụ điện năng hơn. Tuy nhiên, sự không đồng thuận giữa các nhóm liên quan vẫn là rào cản khiến cho kế hoạch nâng cấp chưa được thực thi hoặc không đạt hiệu quả.
Nếu giống tôi, nhiều năm qua hẳn là bạn chẳng để tâm đến bitcoin là gì cho đến vài tháng gần đây. Tuần trước, giá mỗi đồng bitcoin đã phá mốc tâm lý 10.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Đầu tuần, bitcoin tăng lên gần 12.000 USD và hiện nay đã chạm sát đỉnh 15.000 USD. Chỉ mới đầu năm, đồng tiền số này còn chưa đến 1.000 USD.
Trở lại năm 2011, nếu một người bỏ ra 100 USD để mua vào bitcoin, ngày nay khoản đầu tư của họ sẽ có giá 4 triệu USD. Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi họ dùng bitcoin để trả tiền ăn chiêu đãi bạn bè vài năm trước. Cũng với số bitcoin đó, bây giờ họ có thể mua được cả một ngôi nhà. Một số người khác lại ước giá như không bán ra bitcoin sớm hơn. Đà tăng giá quá mạnh mẽ của bitcoin khiến cho những người tham gia không thể biết được đâu là đỉnh. Có nhà đầu tư Việt Nam chia sẻ vào thời điểm bitcoin phá mốc tâm lý 8.000 USD, anh cho rằng đây là đỉnh cao nhất mà bitcoin có thể đạt được nên đã bán đi 25 bitcoin (BTC). Với mức giá lúc đó, 25 BTC có thể mua được một căn hộ hơn 100m2 tại khu đô thị cao cấp nhất thành phố Hà Nội. Nhưng nếu giữ đến bây giờ, cùng với 25 BTC đó có thể mua được cả nhà, siêu xe và dư tiền làm ăn.
Bitcoin được tạo ra với mục đích ban đầu là một công cụ chuyển giao giá trị vô danh, phân quyền và an toàn giữa con người với con người.
Tiền số kiểu như bitcoin cung cấp một dịch vụ đặc thù: giao dịch tài chính không cần chính phủ phát hành tiền hoặc ngân hàng xử lý thanh toán. Viết trên tờ The Atlantic, nhà báo Derek Thompson đã gọi bitcoin là một công nghệ “thông minh và có tiềm năng thay đổi” mà toàn bộ nền kinh tế có thể được xây dựng trên nó – một công cụ tương đương đồng tiền của mạng internet. Một số thậm chí còn cho rằng một ngày nào đó bitcoin có thể khiến đồng USD trở nên lỗi thời.
Mỗi một giao dịch bitcoin tiêu tốn lượng điện năng tương đương với lượng điện cung cấp cho 9 hộ gia đình trung bình trong 1 ngày ở Mỹ
Nhưng sự nổi lên của bitcoin xảy ra đúng vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Khi mà cả thế giới đang hướng tới chống lại biến đổi khí hậu và mọi hành vi kinh tế đều được đánh giá tác động trực tiếp của nó đối với khí hậu. Trong bài kiểm tra này, bitcoin thực sự nhận điểm D.
Giá trị to lớn của bitcoin tạo ra nhu cầu bùng nổ về năng lực tính toán. Càng dần chạm tới trần giới hạn cung, độ khó của các bài toán mà máy tính cần phải giải quyết để tạo ra bitcoin ngày càng tăng – một cách kiểm soát nguồn cung do nhà sáng lập bitcoin thiết kế.
Ngày nay, mỗi một giao dịch bitcoin tiêu tốn lượng điện năng tương đương với lượng điện cung cấp cho 9 hộ gia đình trung bình trong 1 ngày ở Mỹ. Các thợ mỏ cũng thường xuyên phải thay thế hoặc nâng cấp linh kiện máy tính để đào bitcoin khi mà độ khó tăng lên.
Forbes ước tính năng lực tính toán của mạng lưới bitcoin hiện nay đã lớn gấp 100.000 lần tổng 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới cộng lại. Tổng năng lượng điện sử dụng cho mạng lưới bitcoin một năm rơi vào khoảng 31.000 tỷ Wh – lớn hơn lượng điện năng tiêu thụ điện của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhu cầu sử dụng điện năng lớn của mạng lưới bitcoin đã khiến cho vai trò của điện năng bị bóp méo tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là Venezuela – nơi mà lạm phát phi mã và chính sách trợ cấp điện đã tạo nên sự bùng nổ khai thác bitcoin. Thỉnh thoảng, hoạt động khai thác mạnh đã tạo áp lực lên mạng lưới điện quốc gia, gây ra tình trạng mất điện trên toàn quốc.
Các mỏ khai thác bitcoin lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc – nơi chúng có thể tận dụng nguồn thủy điện giá rẻ. Một chủ sở hữu xe Tesla thậm chí còn cài đặt một máy đào bên trong xe ô tô để có thể sử dụng lượng điện miễn phí tại các trạm sạc điện.
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, chỉ vài tháng tới, mạng lưới bitcoin sẽ cần nhiều hơn lượng điện có sẵn. Rõ ràng, gánh nặng năng lượng của bitcoin đang đặt áp lực lên quá trình chuyển hướng sang nguồn năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Các nhà phát triển và giới thợ mỏ cũng đang đưa ra những sáng kiến mới để giúp quá trình giao dịch tiền số nhanh hơn và bớt tiêu thụ điện năng hơn. Tuy nhiên, sự không đồng thuận giữa các nhóm liên quan vẫn là rào cản khiến cho kế hoạch nâng cấp chưa được thực thi hoặc không đạt hiệu quả.
Theo Anh Sa
Trí thức trẻ